Sáng ngày 25/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024.

hoinghihdnd.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: QH

Năm 2024 là năm “tăng tốc”

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, HĐND có nhiều nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ; bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cụ thể hóa thành các nghị quyết, cơ chế, chính sách, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn ở từng địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý còn một số vấn đề cần quyết tâm khắc phục.

Cụ thể như hoạt động của HĐND ở một số nơi còn có những hạn chế về chất lượng các kỳ họp; chưa có biện pháp kiên quyết, hữu hiệu, thực hiện kịp thời, đầy đủ các nội dung kiến nghị sau giám sát.

Việc tổng hợp, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri ở một số địa phương còn chậm. Sự phối hợp giữa các cơ quan, có lúc, có nơi chưa thật sự chặt chẽ…

Tran Thanh Man.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: QH

Phó Chủ tịch Thường trực cho biết năm 2024 là năm “tăng tốc”, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.

Năm nay cũng bắt đầu triển khai các công việc chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ 14 của Đảng; chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026-2031.

Vì vậy, ông đề nghị các đại biểu thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm cao, trên tinh thần xây dựng, nhất là có những đề xuất, kiến nghị sát thực, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND.

Nội dung giám sát được lựa chọn kỹ lưỡng, có trọng tâm

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khái quát lại những kết quả đạt được trên các lĩnh vực của thành phố Hà Nội; trong đó, công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu quả tiếp tục được đẩy mạnh.

Xác định công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, Thành ủy Hà Nội đã ban hành, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 24 về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”.

Theo ông Dũng, Chỉ thị 24 của Thành ủy là một công cụ hiệu quả để các tập thể và cá nhân “tự soi”, “tự sửa”; đồng thời là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để xem xét và xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân khi có những biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả sắp xếp lại tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và biên chế. Hà Nội đã triển khai rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, quy trình công tác, quy chế làm việc và phương án phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính tại 26 sở, ngành, đơn vị.

Dinh Tien Dung.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: QH

HĐND thành phố đã khẳng định được vị thế xứng đáng của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Bộ máy tổ chức, các hoạt động quan trọng của HĐND thành phố đều được chuẩn hóa. Hoạt động giám sát lan tỏa sự đổi mới, thực chất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả theo đúng nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bí thư Đinh Tiến Dũng cũng cho hay, nội dung giám sát của HĐND thành phố Hà Nội đã được lựa chọn kỹ lưỡng, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề quan trọng, cấp thiết, được cử tri quan tâm như: Dự án chậm triển khai, quản lý tài sản công, rác thải…

Việc tái giám sát cũng được chú trọng; quyết tâm đi đến tận cùng vấn đề, giải quyết triệt để các nội dung giám sát.

Thông qua hoạt động giám sát của HĐND thành phố đã đánh giá nghiêm túc việc thực hiện các quy định pháp luật, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập. Từ đó, đề xuất thúc đẩy đầu tư, các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của thành phố.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, tính đến ngày 10/3, cơ cấu tổ chức của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND ở một số tỉnh, thành có sự thay đổi.

Cụ thể đã kiện toàn bầu 3 Chủ tịch HĐND, 9 Phó Chủ tịch HĐND, 7 Trưởng Ban HĐND  và 4 Phó Trưởng Ban HĐND.

Trong số 61 Chủ tịch HĐND các tỉnh, thành phố có 19 người là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; 18 bí thư tỉnh, thành ủy; 34 phó bí thư tỉnh, thành ủy, 10 ủy viên Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy.

Theo bà Thanh, về cơ bản, các địa phương đều bố trí các nhân sự là ủy viên Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy, các tỉnh ủy viên, thành ủy viên giữ chức phó chủ tịch HĐND.

Hiện nay, cả nước có 54 phó chủ tịch HĐND là ủy viên ban thường vụ tỉnh, thành ủy và 58 phó chủ tịch HĐND là tỉnh ủy viên, thành ủy viên.

Đồng thời, HĐND một số tỉnh, thành phố đã miễn nhiệm 2 chủ tịch HĐND và 8 phó chủ tịch HĐND do đã chuyển công tác, miễn nhiệm 1 phó chủ tịch HĐND do xử lý kỷ luật và bãi nhiệm 1 chủ tịch HĐND; khởi tố, bắt tạm giam 2 chủ tịch HĐND và 1 phó chủ tịch HĐND.

Hiện nay còn một số tỉnh, thành phố chưa kiện toàn chủ tịch HĐND, phó chủ tịch HĐND theo luật định.