Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội vừa phẫu thuật thành công khối u khoảng bên họng, một loại u vùng đầu cổ khá hiếm gặp cho bệnh nhân nam 67 tuổi (ở Bắc Ninh). Khối u có đường kính lên tới 10 cm nằm sâu trong khẩu kính thành họng, sát với nền sọ nên tiên lượng cuộc mổ rất khó khăn. 

Bệnh nhân đến khám vì khối sưng phồng vùng mang tai trái, không kèm theo khó chịu hay đau đớn. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện một khối u lớn vùng cổ kích thước khoảng 10 x 8 cm, thuộc khoảng bên họng, trải dài từ nền sọ xuống hạ họng, đẩy lệch thành bên họng vào trong. Khối u gồm 2 phần, phần nông nằm dưới tuyến mang tai và phần còn lại nằm sâu hơn. 

Hình ảnh chụp cộng hưởng từ khối u khoảng bên họng của bệnh nhân

Chẩn đoán sơ bộ ban đầu cho thấy khối u là lành tính, ranh giới không rõ ràng. Thông qua hội chẩn các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật sớm lấy bỏ khối u tránh nguy cơ khối u chèn ép vào đường thở, đường ăn, thần kinh, mạch máu và các thành phần liên quan khác. 

Tiên lượng cuộc mổ khá khó khăn, đường tiếp cận chính là qua mổ mở từ vùng cổ, phải thực hiện các thao tác phẫu thuật trong không gian hẹp, có thể kết hợp thêm hỗ trợ nội soi.

Quá trình phẫu thuật kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, khối u đã được lấy trọn. Bệnh nhân hồi phục sau mổ tốt, không gặp biến chứng gì và xuất viện sau 5 ngày.

Theo bác sĩ Trần Chí Dũng - khoa Ngoại Đầu cổ, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, cho biết, khoảng bên họng là khoang giải phẫu kéo dài từ nền sọ tới vùng họng miệng. 

U của khoảng bên họng là loại ít gặp trong vùng đầu cổ, chiếm khoảng 1%. Tỉ lệ u lành chiếm chủ yếu (70 - 80%), còn lại (20 - 30%) là u ác tính. Dù là u lành hay ác tính, phương pháp điều trị chính đều là phẫu thuật. Do đặc điểm giải phẫu phức tạp, nằm trong vùng cổ sâu, liên quan hầu hết thần kinh, mạch máu lớn và các thành phần quan trọng khác của đầu cổ, phẫu thuật u vùng khoảng bên họng luôn là loại khó khăn bậc nhất trong chuyên khoa phẫu thuật đầu cổ.

Bác sĩ cũng cho biết thêm, với những khối u nằm bên ngoài, việc phát hiện là không quá khó khăn nhưng với những khối u nằm sâu trong cơ thể thì việc phát hiện sớm chỉ có thể thông qua khám định kỳ. Ví dụ như khối u khoảng bên họng của bệnh nhân nói trên, việc phát hiện chỉ khi u đã đẩy ra ngoài và khi đó kích thước đã rất lớn. 

Vì vậy, người dân cần khám bệnh định kỳ để có thể điều trị sớm nếu có bệnh.