Giảm lỗ sau kiểm toán soát xét
Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC - mã chứng khoán PVX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên (BCTC) đã được soát xét bởi Công ty kiểm toán VACO.
Kết quả tại BCTC đã được soát xét cho thấy, doanh thu thuần của PVX trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 997 tỷ đồng, (giảm nhẹ so với con số 1.003 tỷ đồng tại báo cáo tự lập). Tuy vậy, mức này vẫn tăng 37% so với cùng kỳ.
Doanh thu không đủ bù đắp chi phí giá vốn cũng như chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, PVX lỗ thuần 47 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 39 tỷ đồng và trong đó lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ hơn 30 tỷ đồng.
Những con số này giảm đáng kể so với mức lỗ tại báo cáo do PVX tự lập. Trong BCTC do PVX tự lập, tổng công ty này lỗ thuần gần 95 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 87 tỷ đồng và lỗ ròng thuộc về công ty mẹ gần 71 tỷ đồng.
Giải thích cho sự chênh lệch giữa BCTC sau soát xét và BCTC tự lập, PVX cho biết, do sau khi thực hiện kiểm toán, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mẹ và các công ty con có nhiều thay đổi.
Trên BCTC hợp nhất sau soát xét của PVX đã đánh giá lại một số khoản trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi, lợi nhuận chưa thực hiện, các khoản đầu tư tài chính của một số đơn vị thành viên tổng công ty theo chuẩn mực kế toán và chế độ tài chính hiện hành.
"Hoa mắt" với lý do bị phía kiểm toán từ chối đưa ra kết luận
Đáng chú ý, BCTC hợp nhất bán niên của PVX bị đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra kết luận do không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp cho loạt vấn đề.
Thứ nhất, PVX có lỗ lũy kế đến ngày 30/6 lên đến gần 3.985 tỷ đồng, nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 865 tỷ đồng.
Không những vậy, PVX còn đang thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Các khoản nợ quá hạn thanh toán của PVX tại ngày 30/6 chủ yếu bao gồm số dư gốc vay khoảng 642 tỷ đồng. Các yếu tố này dẫn tới nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của tổng công ty.
Khả năng hoạt động liên tục của PVX phụ thuộc vào kế hoạch thu hồi các khoản công nợ, tái cơ cấu các khoản đầu tư, hoàn thành và quyết toán các công trình dở dang để thu hồi tiền, các hỗ trợ tài chính từ các cổ đông và chủ nợ.
Do đó, kiểm toán không thể xác định liệu BCTC hợp nhất này được lập với giả định PVX sẽ tiếp tục hoạt động liên tục có phù hợp hay không.
Thứ hai, trong tháng 5 vừa qua, PVX không còn nắm giữ quyền kiểm soát tại công ty con là Công ty CP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland) thông qua quyền chi phối các chính sách và hoạt động của Petroland, và khoản đầu tư vào đơn vị này được phân loại thành khoản đầu tư vào công ty liên kết. Trong khi đó, báo cáo tài chính của Petroland chưa được kiểm toán và công ty cũng chưa xử lý các vấn đề kiểm toán viên ngoại trừ tại báo cáo tài chính năm 2019 và 2020.
Thứ ba, các công ty con của PVX gồm Công ty CP Phát triển Đô thị Dầu khí, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Thái Bình, Công ty CP Xây dựng Dầu khí Bình Sơn được hợp nhất với tổng tài sản khoảng 876 tỷ đồng, nợ phải trả 551 tỷ đồng, lỗ sau thuế gần 21 tỷ đồng. Kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về các số liệu báo cáo tài chính của các công ty này.
Thứ tư, PVX có số dư cho Công ty CP Khách sạn Lam Kinh vay để hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh với số tiền 200 tỷ đồng và số dư dự phòng trích lập cho khoản phải thu này là 124 tỷ đồng. Kiểm toán không thể thu thập được các bằng chứng thích hợp liên quan đến giá trị có thể thu hồi của khoản phải thu về cho vay này.
Thứ năm, PVX có số dư hàng hóa bất động sản của Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Thái Bình gồm công trình chung cư dự án Khách sạn Dầu khí Thái Bình với giá trị ghi sổ hơn 36 tỷ đồng. PVX chưa đánh giá được sự suy giảm giá trị cũng như chưa ước tính giá trị thuần có thể thực hiện của hàng tồn kho này.
Thứ sáu, số dư chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang của dự án nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 có giá gốc lần lượt là 245 tỷ đồng và 26 tỷ đồng. PVX đang làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để xem xét điều chỉnh giá trị phát sinh chưa lường hết của dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và để nghiệm thu, quyết toán chi phí của PVX thực hiện tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1.
Thứ bảy, số dư hàng tồn kho của công ty con là Công ty CP Dầu khí Đông Đô bao gồm công trình Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Sông Hậu 1, Chung cư Trần Anh - Long An và thi công nhà đa năng quận 1 với tổng giá trị thi công dở dang là 64 tỷ đồng. Kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến giá trị thuần có thể thực hiện được của các công trình thi công dở dang này.
Thứ tám, số dư chi phí xây dựng cơ bản dở dang bao gồm các dự án đã tạm ngưng thi công từ các năm trước là dự án Khu đô thị Đại học Dầu khí và dự án Khu công nghiệp Dầu khí Tiền Giang với số tiền gần 6 tỷ đồng. Kiểm toán không thể thu thập được các bằng chứng thích hợp liên quan đến khả năng mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai của các dự án này.
Thứ chín, PVX có một số khoản góp vốn vào đơn vị khác với tổng giá trị ghi sổ và tổng giá trị dự phòng cho các khoản đầu tư này lần lượt là 50 tỷ đồng và 18 tỷ đồng. PVX chưa đánh giá được hết sự suy giảm giá trị của các khoản đầu tư này.
Cuối cùng là số dư khoản đầu tư góp vốn của CTCP Dầu khí Đông Đô vào dự án Tổ hợp nhà ở kết hợp dịch vụ siêu thị và văn phòng làm việc tại số 28 Trần Bình, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội (dự án Dolphin Plaza) là khoảng 37 tỷ đồng. Kiểm toán cũng không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng thích hợp để đánh giá liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này hay không do dự án Dolphin Plaza chưa bán được hết các căn hộ và chưa được quyết toán để phân chia kết quả đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh đã ký kết.
Ban lãnh đạo PVX cho biết "đã nhận thức rõ PVX đang gặp khó khăn và đã từng bước vượt qua". Để khắc phục khó khăn và giảm lỗ lũy kế trong thời gian tới, Ban lãnh đạo PVX khẳng định đã có định hướng và có giải pháp khắc phục.
Cụ thể, sẽ quyết liệt điều hành thi công trên tất cả các công trình, dự án mà PVX thực hiện; tích cực tiếp thị, đấu thầu để tìm kiếm và bổ sung nguồn việc. Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác tái cấu trúc tổng thể, thoái toàn bộ vốn tại các đơn vị không thuộc chuỗi ngành nghề hoạt động chính.
Quyết liệt rà soát, đối chiếu và thu hồi công nợ; tích cực làm việc với tập đoàn và các đơn vị thành viên để đẩy nhanh việc phê duyệt các chi phí phát sinh tại các dự án mà PVX tham gia; chủ động và tích cực làm việc với các ngân hàng để cơ cấu lại nợ, đàm phán giảm lãi suất và thu xếp vốn, giải tỏa các khoản bảo lãnh trong thời gian tới...
(Theo Dân Trí)
Những công ty con của Tập đoàn Dầu khí PVN thua lỗ nghìn tỷ đến âm vốn
Hàng loạt công ty con của Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động: Cty CP Hóa dầu và xơ sợi VN (VNPoly); Cty TNHHMTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS), Tổng Cty CP Xây lắp dầu khí VN (PVX).