Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành để khắc phục những hạn chế, bất cập sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa 2001 và 15 năm thực hiện luật di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009 về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động dịch vụ, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa..., và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định về các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong hoạt động bảo vệ đối với di sản văn hóa ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Di sản văn hóa quy định tại Luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 03 nội dung chính trong các chính sách đã được thông qua, bao gồm: Chính sách 1 về hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di tích; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng; Chính sách 2 về nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương; Chính sách 3 về tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. 

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật tại Tờ trình số 119/TTr-CP ngày 29/3/2024 của Chính phủ.

phienhop2.png
Quang cảnh phiên họp

Việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. 

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng và sự tham gia của cộng đồng, người dân; phù hợp với yêu cầu thực tế và tính đặc thù trong bảo vệ, phát huy giá trị từng loại hình di sản văn hóa. Đồng thời, tập trung rà soát các chính sách, nhất là chính sách về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; chính sách xã hội hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực… để bảo đảm cụ thể, minh bạch, hiệu quả và khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật…

Đối với nội dung về hợp tác công tư trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, Thường trực Ủy ban nhận thấy, quy định về hợp tác công tư trong hoạt động  bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là cần thiết nhưng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, bảo đảm phù hợp, đầy đủ, thống nhất và khả thi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với chủ trương sửa đổi toàn diện Luật Di sản Văn hóa nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc sửa đổi căn bản Luật Di sản văn hóa là phù hợp. Ghi nhận dự án Luật được soạn thảo công phu, nghiêm túc, nội dung cơ bản thể chế hóa chủ trương của Đảng về văn hóa và di sản văn hóa nói riêng nhất là sau khi tổng kết 80 năm đề cương văn hóa Việt Nam và Hội nghị văn hóa, Diễn đàn văn hóa được tổ chức công phu. Một số luật như Luật Đất đai, Luật Lưu trữ…tạo điều kiện để sửa đổi luật đồng bộ. Chủ tịch Quốc hội cho rằng đến nay, dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới; bày tỏ kỳ vọng sẽ tạo bước thay đổi căn bản trong quản lý phát huy giá trị di sản văn hóa.

Cơ bản tán thành các nội dung thẩm tra và các ý kiến tại phiên họp, góp ý về chính sách nhà nước về di sản văn hóa tại Điều 7 dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển cần được bảo tồn và phát huy, mối quan hệ bảo tồn và phát huy cần được rà soát trong tổng thể văn bản luật, với tinh thần kiến tạo phát triển. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung chủ trương, chiến lược về công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa, chuyển đổi số văn hóa, số hóa di sản văn hóa, hợp tác công tư, kinh tế văn hóa…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận phiên họp: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với chủ trương sửa đổi toàn diện Luật Di sản Văn hóa nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Tuy nhiên, đây là dự thảo luật rất quan trọng, liên quan tới nhiều lĩnh vực, nhiều luật vì vậy cơ quan chủ trì soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra lưu ý các nội dung đại biểu có ý kiến tại Phiên họp về: chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa; bổ sung một số chính sách đa dạng hóa nguồn lực phát triển văn hóa, xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, cải tạo nâng cấp các di sản văn hóa để phát triển văn hóa; định mức đơn giá trong các công trình văn hóa phải đảm bảo tuổi thọ lâu dài; vấn đề bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; bố cục dự thảo luật và tính thống nhất của các luật khác, trong đó lưu ý thống nhất với dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 7 tới; vấn đề thủ tục hành chính và đầu tư kinh doanh; nguồn lực đảm bảo kinh phí trong phân công, phân cấp, trách nhiệm thực hiện.

PV