Ngoại giao văn hóa: Cầu nối từ di sản đến thế giới
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, ngoại giao văn hóa và di sản văn hóa đóng vai trò là cầu nối giữa các quốc gia, không chỉ bảo tồn giá trị truyền thống mà còn thúc đẩy sự sáng tạo và giao lưu quốc tế.
Tại buổi tọa đàm, nhà văn Trương Quý đưa người nghe trở về với hành trình hình thành và phát triển của Quốc ca Việt Nam, nhấn mạnh ý nghĩa văn hóa đằng sau một biểu tượng. Anh khẳng định: “Di sản văn hóa rất đa dạng, chúng ta không nên bó hẹp trong một vài khuôn mẫu. Văn chương, điện ảnh và các nghi thức văn hóa đều chứa đựng những câu chuyện di sản đầy sức sống”.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tin rằng không cần là người được đào tạo bài bản mới có thể làm ngoại giao văn hóa mà mỗi chúng ta đều đóng góp theo cách riêng: “Khi CEO của Tập đoàn bán dẫn NVIDIA đến uống bia cùng Thủ tướng thì ngay cả người bán bia ở phố Tạ Hiện cũng là một nhà ngoại giao văn hóa”.
Dưới góc độ của nhà làm phim, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng điện ảnh chính là tấm thiệp văn hóa có quyền lực nhất định. Vài năm gần đây, các bộ phim độc lập Việt Nam (những bộ phim do các tổ chức nhỏ, cá nhân tự tìm nguồn vốn để sản xuất - PV) đã đạt được nhiều giải thưởng quốc tế, mở ra cơ hội để kể câu chuyện về tâm hồn, khí chất và bản sắc Việt Nam.
“Tôi không dám gọi những bộ phim của mình là tấm hộ chiếu siêu quyền lực, nhưng chúng hoàn toàn có thể trở thành những tấm hộ chiếu như vậy nếu được đặt trong góc nhìn của ngoại giao văn hóa đúng cách. Xin đừng để các nhà làm phim độc lập như chúng tôi hoàn toàn... độc lập. Chúng tôi rất cần sự đồng hành, hỗ trợ và chia sẻ từ các bạn”, nữ đạo diễn bày tỏ.
Đóng gói di sản: Từ truyền thống đến hiện đại
Thông qua những ví dụ về quà tặng dành cho các vị khách nước ngoài, nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam, nhà văn Trương Quý gợi ra câu chuyện đóng gói và sử dụng di sản như thế nào để vừa tôn vinh được bản sắc, vừa phù hợp với bối cảnh ngoại giao.
Nhà báo Lưu Diệu Linh của Tạp chí Ngày nay nhấn mạnh việc truyền thông và đóng gói di sản cần đảm bảo 3 yếu tố: giữ được tính thiêng của di sản, giúp cộng đồng chủ thể nhận ra di sản của mình và tránh để người tiếp nhận hiểu sai ý nghĩa văn hóa. Chị lưu ý không phải di sản nào cũng phù hợp để chuyển hóa thành quà tặng văn hóa hoặc biểu tượng ngoại giao.
Với nhà văn Trương Quý, di sản không bất biến mà luôn vận động và tiếp biến trong cộng đồng. Anh cho rằng việc sáng tạo và phát huy giá trị di sản là cần thiết để chúng tiếp tục sống: “Chúng ta không nên quá lo lắng trước các yếu tố mới. Qua thời gian, cộng đồng sẽ tự chắt lọc và thẩm thấu những giá trị phù hợp".
Bàn về việc xuất khẩu di sản văn học, nhà Hà Nội học thế hệ mới cho biết: “Chúng ta cần học hỏi tinh thần từ Hàn Quốc trong việc xúc tiến dịch thuật văn học suốt nhiều thập kỷ. Quan trọng nhất là làm sao để cộng đồng ở nước ngoài tiếp nhận. Điều này không chỉ cần đến từ nỗ lực của các nhà xuất bản, chủ trương nhà nước mà còn ở khả năng tạo ra những tác phẩm mà người đọc quốc tế có thể đồng cảm của mỗi nhà văn”.
Nhà văn Trương Quý vừa đoạt giải B Giải Sách Quốc gia 2024 với cuốn Thời thanh xuân của Tân Nhạc Ái Quốc. Anh là tác giả của nhiều cuốn sách về di sản và văn hóa Hà Nội như: Hà Nội bảo thế là thường, Hà Nội là Hà Nội, Triệu dấu chân qua các cửa ô. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, nhà làm phim độc lập từng gây tiếng vang với bộ phim Đập cánh giữa không trung (2014), đạt nhiều giải thưởng quốc tế. Chị cũng là người sáng lập hãng phim Ơ kìa Hà Nội và là nhà sản xuất của các tác phẩm như Bi, đừng sợ (2010) và Ròm (2019). |
Ảnh: BTC