Sáng 1/12, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp tổ chức tọa đàm Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Phở Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị khẳng định, toạ đàm là hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Lễ hội Văn hoá ẩm thực Hà Nội 2024, nhấn mạnh việc bảo vệ, phát huy giá trị Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia "Phở Hà Nội”.
Món ăn quen thuộc được vinh danh
Chia sẻ về quá trình làm phở của gia đình, nghệ nhân Nguyễn Thị Mười cho biết bắt đầu khởi nghiệp từ năm 1930.
"Bố tôi khởi nghiệp làm phở gánh ở các phố Hàng. Sáng sớm cụ gánh phở đi bán, chiều tối mới thu bát, thu tiền. Khi đi bán, cụ hay mặc quần áo màu xanh nên người dân trong phố gọi là 'cụ phở tàu áo xanh'. Năm 1956 vì khó khăn nên cụ phải dừng bán phở. Đến năm 1985, mẹ tôi tập trung con cái làm tiếp nghề gia truyền. Chúng tôi đặt tên là phở Sướng, vì ăn phở xong phải sướng, phải thấy ngon”, bà Mười chia sẻ.
Bà Mười không nghĩ gánh phở nuôi sống cả gia đình được vinh danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong ký ức thời thơ ấu, mỗi khi được điểm số cao, nghệ nhân Nguyễn Thị Vân - chủ chuỗi cửa hàng phở Long Bích - được bố mẹ dẫn đi ăn phở ở những quán gia đình bà cung cấp thịt bò. Vì thế, bà Vân say mê với món ăn này và bắt đầu khởi nghiệp bán phở khi lập gia đình.
"Ban đầu tôi gặp nhiều khó khăn, nhưng luôn cố gắng theo đam mê. Tôi nghĩ rằng bản thân đã góp phần lan tỏa giá trị văn hóa ẩm thực của người Hà Nội để giới thiệu với bạn bè quốc tế”, bà Vân nói.
Từng nấu phở Hà Nội cho các chính khách và nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng đến Hà Nội, Nghệ nhân Nhân dân Phạm Thị Ánh Tuyết chia sẻ: “Khi tôi mời những vị khách quốc tế, lãnh đạo cấp cao của các nước thưởng thức phở, họ bất ngờ và đánh giá món ăn này là sự kết hợp hoàn hảo”.
“Phở là món đầu tiên chúng tôi mang đi giới thiệu ở thị trường châu Âu, châu Úc… Trước đây người ta thường dùng tiếng Anh để gọi phở là súp - Beef Noodle Soup, giờ tất cả các nước đều đề rõ là phở (pho), chúng tôi cảm thấy rất tự hào”, nghệ nhân Bùi Thị Sương đến từ TPHCM bày tỏ.
Để phở Việt Nam trở thành Di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại
TS. Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam nhận định, phở là sáng tạo của người Việt từ rất lâu, tạo thành một nét đặc biệt ở Hà Nội. Vì thế, phở Hà Nội nổi tiếng dù câu chuyện nguồn gốc của nó bắt đầu từ đâu vẫn đang tranh cãi.
Phở Hà Nội được ghi danh Di sản văn hoá phi vật thể ở loại hình “tri thức dân gian”. Điểm đặc biệt là sử dụng nguyên vật liệu, kỹ năng gia giảm, chế biến đặc biệt, được trao truyền từ đời này qua đời khác.
Theo bà Minh Lý, vinh danh Phở Hà Nội là Di sản phi vật thể quốc gia bởi các chủ thể thực hành - những người trao truyền qua nhiều thế hệ. Họ vừa thực hành để mưu sinh vừa có những sáng tạo, cá tính đặc biệt trong việc gìn giữ truyền thống, không thay đổi, không bị thương mại hóa hoặc không bị biến thành món ăn khác, tạo thành thương hiệu của chính mình. Vì thế, bà rất mong những chủ thể giữ được danh hiệu, uy tín của các cửa hàng phở.
"Việc ghi danh không có nghĩa phở là của duy nhất Việt Nam, mà chúng ta đang làm công việc nhận diện bản sắc và mong UNESCO đưa vào danh sách Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Còn rất nhiều việc phải làm để đạt được danh hiệu đó và cần sự cố gắng từ nhà nghiên cứu, chính quyền cùng các chủ thể", bà Minh Lý nhấn mạnh.
TS.Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Di sản văn hoá (Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội) khẳng định, chia sẻ của các đại biểu và nghệ nhân trong buổi tọa đàm sẽ là gợi ý cho Hà Nội trong triển khai những biện pháp tiếp theo để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể "Phở Hà Nội".
Ảnh: BTC