Counterpoint Research và Canalys đều đưa ra mức giảm chung của doanh số smartphone toàn cầu là 13%, mặc dù Counterpoint cho biết riêng Trung Quốc, mức giảm là 27% trong khi Canalys tính toán mức giảm của thị trường Trung Quốc là 18%.
Dù là con số nào, bức tranh thị trường cũng rất rõ ràng. Lần đầu tiên doanh số smartphone chỉ đạt dưới 300 triệu kể từ năm 2014, với sự sụp đổ nhanh chóng ở Trung Quốc và kéo theo đó là nhu cầu giảm trên toàn thế giới. Vào cuối quý 1/2020, khi dịch bệnh bắt đầu lan sang các khu vực khác, các chính sách giãn cách xã hội được đưa ra, sự gián đoạn bắt đầu lan ra cả cung và cầu.
Samsung, Huawei và Apple vẫn là ba nhà cung cấp hàng đầu, trong đó Apple chứng kiến sự sụt giảm nhỏ nhất. Cả Canalys và Counterpoint đều xếp Xiaomi ở vị trí thứ tư, lần đầu tiên chiếm 10% thị phần toàn cầu.
Nhà phân tích cấp cao của Canalys, Ben Stanton, cho biết nhu cầu mua điện thoại mới đã bị phá vỡ. Vào tháng 2, khi dịch bệnh xuất hiện tập trung tại Trung Quốc, các nhà cung cấp chủ yếu quan tâm đến việc làm thế nào để chế tạo đủ điện thoại thông minh đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Nhưng sang tháng 3, tình hình đã thay đổi, dịch bệnh lan nhanh ra toàn cầu và nhu cầu mua điện thoại mới của người tiêu dùng giảm hẳn. Mặc dù sản xuất điện thoại thông minh đã bắt đầu phục hồi, nhưng trải qua thời gian một nửa thế giới bị phong tỏa, doanh số đã giảm mạnh.
Từ quan điểm của người tiêu dùng, trừ khi điện thoại bị hỏng, thì nhu cầu mua điện thoại mới không hề cấp thiết. Theo giám đốc đối tác của Counterpoint, Tarun Pathak, người tiêu dùng, trong những thời điểm không chắc chắn này, sẽ từ chối mua điện thoại mới. Điều này có nghĩa là chu kỳ thay thế điện thoại có khả năng trở nên dài hơn.
Hầu hết các công ty đều dự đoán thị trường sẽ chưa phục hồi hoàn toàn trong quý 2.