Cụ thể, công văn Bộ NN-PTNT gửi các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và TP HCM nêu rõ, triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại chuyến công tác kiểm tra, đôn đốc tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19 và sản xuất kinh doanh tại một số địa phương phía Nam, nhất là tại TPHCM ngày 11/7/2021, Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo phối hợp triển khai chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức rà soát, đánh giá tình hình sản xuất các loại nông sản chính tại địa phương, bao gồm chủng loại, sản lượng đang thu hoạch, sẽ thu hoạch dự kiến theo từng tháng đến hết năm 2021.

Cùng với đó, xây dựng kế hoạch tiêu thụ nông sản của địa phương phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch Covid-19; dự báo những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, lưu thông tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ, giải quyết khó khăn.

{keywords}
Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương khu vực phía nam xây dựng kế hoạch tiêu thụ nông sản để tránh ùn ứ (ảnh: Mạnh Khương)

Trước mắt, chỉ đạo các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, thành phố ưu tiên, tạo điều kiện tối đa trong lưu thông, tiêu thụ nông sản; ưu tiên tiêm vắc xin phòng chống Covid 19 cho các đối tượng tham gia chuỗi cung ứng nông sản.

Đối với TP HCM, đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố thông tin kịp thời nhu cầu lương thực, thực phẩm cần được cung ứng để đảm bảo cuộc sống của Nhân dân trong điều kiện thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), diện tích rau tại các tỉnh phía Nam lên tới 537 nghìn ha, năng suất gần 200 tạ/ha, sản lượng 10,7 triệu tấn. Bình quân mỗi tháng, vùng ĐBSCL cung cấp cho thị trường 433 nghìn tấn rau, chủ yếu cho tiêu thụ nội địa với khoảng 18 triệu người vùng ĐBSCL và hơn 10 triệu người TP HCM.

Vùng này cũng là vựa nông sản lớn ở nước ta, trong đó có trái cây. Thời điểm này, nhiều loại trái cây đang bước vào chính vụ thu hoạch, sản lượng cung ứng ra thị trường lên tới 170 nghìn tấn/tháng.

Song, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố phía Nam khiến nhiều loại nông sản đến kỳ thu hoạch nhưng gặp khó khăn trong vấn đề lưu thông và tiêu thụ. Nông dân đối diện nỗi lo hàng hoá nông sản bị ùn ứ, giá giảm mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, tình trạng nông sản ùn ứ, rớt giá và phải giải cứu đang là câu chuyện lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là khi dịch Covid-19 xảy ra. Theo đó, cứ chỗ thừa bán giá rẻ, chỗ thiếu bán giá cao.

Người đứng đầu ngành Nông nghiệp chỉ rõ, nguyên nhân là do thiếu thông tin về mùa vụ, sản lượng, kế hoạch tiêu thụ cũng như kết nối cung cầu. Thế nên, thời gian tới cần thiết lập được kênh thông tin hai chiều. Trước khi thu hoạch 15-20 ngày, các cơ sở tại các địa phương phải chủ động gửi thông tin về Bộ để gửi tới hệ thống phân phối.

“Đừng để lúa tràn đồng, xoài chín đầy cây chúng ta mới truyền thông, mới ra quân đi kêu giải cứu. Lúc đó muộn rồi vì giá đã giảm”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các Sở NN-PTNT địa phương cần xác định trách nhiệm không chỉ giúp bà con sản xuất sản lượng nhiều, mà cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, làm sao kết nối được thị trường. Nếu không kết nối được thị trường, chúng ta sẽ bị động trong tiêu thụ nông sản.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương phải thiết lập hệ thống chuyển đổi số. Thời gian tới Bộ sẽ xây dựng kho dữ liệu, cập nhật thông tin thường xuyên để các hệ thống phân phối biết rằng ở tỉnh đó đang chuẩn bị thu hoạch lượng nông sản lớn. Có như vậy, các hệ thống phân phối mới chủ động được kho bãi, vận chuyển.

Hà Giang