- Chiến thuật “ngư phủ chiến” phiên bản mới sẽ là đợt sóng tiếp theo đánh đánh mạnh vào chủ quyền của các quốc gia khác. Mục đích của họ là độc chiếm biển Đông, cũng cố chủ quyền phi lý trong vùng “lưỡi bò” tự vạch ra.

Các cơ quan thông tấn TQ đã phát đi tin tức và hình ảnh về đội tàu cá khổng lồ, gần 5 vạn đang ồ ạt tiến xuống biển Đông khai thác ngay sau khi lệnh “cấm” hết hiệu lực vào cuối tháng 7.

TS. Renato Cruz De Castro, Đại học De La Salle của Philippines cảnh báo: “Đây là động thái mới của TQ sau khi rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam. TQ đã tỏ ra ngày càng“chuyên nghiệp” hơn trong việc lấn chiếm biển đảo bằng việc sử dụng chính sách “bên miệng hố chiến tranh”, họ mở rộng tầm hoạt động mọi nơi trên biển Đông bằng việc trang bị đầy đủ tất cả những gì cần thiết cho đội tàu đánh cả khổng lồ của mình xâm nhập vào lãnh hải những nước có chủ quyền mà TQ tự coi là của họ”.

Chúng tôi đã kiên trì 17 năm và bị mất đảo

Chia sẻ bên lề hội thảo biển Đông ở TP.HCM vừa qua,  TS. Renato Cruz De Castro nói, trường hợp bãi cạn Scarborough là bài học chung cho các quốc gia quanh biển Đông khi đối phó với thủ thuật của TQ. 

Ngày 8/4/2012, 8 tàu đánh cá TQ thâm nhập quanh bãi cạn Scarborough. Tổng thống Philippines Bennigno Aquyno lệnh cho Hải quân điều tàu PRP Gregorido del Pilar thực hiện nhiệm vụ tuần tra và khẳng định chủ quyền của Philippines.  

Ngày 10/4/2012, tàu tuần tra phát hiện 8 tàu cá TQ đang thả neo nên tiến hành kiểm tra, phát hiện tên các tàu cá TQ một số lượng lớn san hộ, ngọc trai và cá mập khai thác trái phép. Ngay lúc đó, các tàu cá TQ phát tín hiệu, lập tức hai tàu hải giám của TQ xông vào giữa, giải thoát cho 8 tàu cá TQ rút chạy. Hai tàu hải giám TQ ngang ngược yêu cầu tàu chiến Philippines rút lui vì “đây là lãnh hải của TQ”.  

Tổng thống Philippines ra lệnh điều tàu bảo vệ bờ biển đến thay thế cho tàu chiến của Hải quân rút về do muốn giảm căng thẳng với TQ.

Ngay lập tức, TQ cử tàu tuần ngư hiện đại Yuzheng – 310 phối hợp cùng hai tàu dân sự khác tiến vào khu vực bãi cạn Scarborough. Bộ Ngoại giao TQ lên tiếng cảnh cáo Philipines “Không được leo thang gây căng thẳng làm phức tạp thêm tình hình”. 

Tàu TQ với công suất lớn, số lượng đông đã bao vây chiếc tàu tuần tiểu nhỏ của Philippines không cho nhận tiếp tế. Ngày 15/4/2012, Bộ Ngoại giao TQ tiếp tục “yêu cầu Philippines rút tàu bảo vệ bờ biển ra khỏi vùng biển Hoàng Nham (tên TQ đặt cho bãi cạn Scarborough)”.

Philippines đã bị TQ chiếm thế thượng phong ngay trên lãnh hải của mình. Các động thái tiếp theo đã từng bước đẩy lùi chủ quyền của Philippines tại đây.

 

{keywords}
Tàu cá bọc sắt của TQ trên biển Đông

Bài học được TS. Renato Cruz De Castro rút ra là: Ngay thời điểm ban đầu TQ đã có chủ đích, họ đẩy tình thế vào bế tắc một cách có tính toán, ép Philippines rút tàu chiến khi đối mặt với hai tàu dân sự.  Sau đó gia tăng tàu dân sự có trang bị vũ khí”.

Sự kiện TQ chiếm bãi cạn của Philippines chính là “giọt nước tràn ly” khiến Philipines không thể kiên nhẫn hơn sau 17 năm “song phương” với TQ. Philippines quyết định đưa ra Tòa án quốc tế.

Ông Chito Sta. Romana, Thạc sĩ Quan hệ quốc tế và Ngoại giao, Chủ tịch Hội nghiên cứu về TQ của Philippines ngậm ngùi: “Đó là kết quả 17 năm kiên nhẫn của chúng tôi để xử lý tranh chấp với TQ một cách hòa bình và hữu nghị”. 

Chiến thuật “ngư phủ chiến”

Với một đội tàu khổng lồ 44.000 chiếc, hơn nhiều lần tổng số tàu của các nước ven biển Đông, lực lượng này được trang bị nhiều phương tiện hiện đại vượt trội tàu cá các nước trong khu vực, thừa khả năng phủ khắp biển Đông. TQ đang thực hiện chiến thuật “xâm chiếm bằng ngư phủ”, “ngư phủ chiến” như cách đã thực hiện để chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines.

TS. Renato Crus De Castro nhận định rằng nhiều năm qua TQ gần như không làm gì để hạn chế đội tàu đánh cá dày đặc của mình xuất hiện trong các cuộc đối đầu hàng hải ở châu Á. Ngược lại, đội tàu cá khổng lồ của TQ đang được hoàn thiện và sử dụng như công cụ xâm lược mềm, được hổ trợ bằng lực lượng hải giám, kiểm ngư và máy bay trực thăng.

{keywords}

TS. Renato Cruz De Castro, Đại học De La Salle của Philippines

Sau vụ đưa giàn khoan vào lãnh hải của VN, chiến thuật “ngư phủ chiến” phiên bản mới sẽ là đợt sóng tiếp theo đánh đánh mạnh vào chủ quyền của các quốc gia khác. Lực lượng tàu cả khổng lồ của TQ không chỉ đơn giản là khai thác tài nguyên, hải sản, xua đuổi, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Mục đích của họ là độc chiếm biển Đông, cũng cố chủ quyền phi lý của họ trong vùng “lưỡi bò” tự vạch ra. 

Đối phó với chiến thuật này, các nước như Việt Nam có rất ít sự lựa chọn. Về số lượng tàu cá thì không có nước nào trên thế giới có thể đủ tàu cá để ngăn chặn kiểu “một chọi một”. Nếu dùng tàu hải giám hay kiểm ngư thì cũng không thể vì số lượng tàu cá quá đông, đồng thời trong đoàn tàu cá này có tàu hải giám đi kèm bảo vệ. Và càng không thể dùng tàu hải quân vì đây là cái bẫy TQ giăng sẵn để ra tay.

Năm 2012, sau hai tháng gây căng thẳng với Philippines ở bãi cạn Scarborough, TQ lập tức tuyên bố thành lập đơn vị hành chính mới để quản lý trên 1.000 cư dân trên nhóm đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa. Tiếp theo giới lãnh đạo quân sự TQ phê duyệt kế hoạch điều động quân đội ra đóng giữ và “bảo vệ ngư dân TQ”.

Chủ tịch Viện nghiên cứu biển Nam Trung Hoa của TQ có trụ sở tại đảo Hải Nam đã công khai tuyên bố: “ Mục tiêu của TQ là từng bước xác lập chủ quyền đối với tất cả bãi nổi trên biển Đông, trong đó có hơn 40 hòn đảo hiện đang bị các nước Việt Nam, Philippines và Malaysia chiếm giữ bất hợp pháp!”.

Chiến lược “hợp tác” và hành động “thay đổi nguyên trạng”

Các nhà nghiên cứu biển Đông của Philippines đã kết luận về chiến lược hành động của TQ rằng: “ Lịch sử ngoại giao của TQ trong tranh chấp trên biển Đông là hình thức tuyên bố hợp tác, tiếp theo đó là hành vi thay đổi nguyên trạng, tiếp theo nữa là hợp tác rồi lại thay đổi… Cứ như vậy tiếp nối nhau, mỗi lần họ chiếm thêm một khu vực”.

{keywords}
Đội tàu đánh cá của TQ được máy bay hộ tống.

Chiến thuật này được áp dụng với Việt Nam và Philipines.  Nghiên cứu của TS.  Renato Crus De Castro đã dẫn chứng hàng loạt trường hợp TQ ra tay với Việt Nam và Philippines.      

Tại Philippines, ngày 2/3/2011. Hai tàu hải giám của TQ đã đe dọa và yêu cầu một tàu khảo sát của Philippines rời khỏi bãi Cỏ Rong (Recto) nằm cách đảo Palawan ở Tây Philippines 80 km. Bộ Ngoại giao Philippines đã gởi công hàm phản đối tới Đại sứ quán TQ ở Manila. Tính đến lần đó TQ đã gây hấn như vậy 7 lần. Việt Nam cũng đã bị như vậy. Tàu tuần tra TQ đe dọa và cắt cáp tàu thăm dò dầu khí đang tiến hành khảo sát địa chấn cách bờ biển Việt Nam 120 km, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.

Trước những phản đối ngoại giao của Việt Nam và Philippines, Bộ Ngoại giao TQ bao giờ cũng tuyên bố giống nhau: “ TQ có chủ quyền không thể tranh cãi”.

Hành vi dùng đội tàu cá 44.000 chiếc đổ bộ xuống biển Đông nằm trong chiến thuật thay đổi nguyên trạng của TQ lần này là sự tiếp nối vụ giàn khoan, đẩy các nước ven bờ biển Đông phải tìm kiếm đối sách phải đối phó một cách bị động. Nếu cứ tiếp tục “tay bo” thì chắc chắn không nước nào có đủ sức mạnh cơ bắp để ngăn chặn. Hoặc có thể sa vào bẫy của TQ đang chờ chực.

Tính đến cuối 2013, đã có hơn 50.000 tàu cá của TQ được lắp đặt hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu. Các chủ tàu cá chỉ phải trả 10% cước phí dịch vụ, còn lại 90% do nhà nước  hỗ trợ. Chiến lược “ngư phủ chiến” được chuẩn bị từ trước sẽ thực sự là bài toán cho các nước ven biển Đông.

Vì vậy, bài học của Philippines sau khi sử dụng các biện pháp ngoại giao là phải sử dụng biện pháp pháp lý dù biết rằng TQ không bao giờ chấp nhận.

Trên trang mạng của Cục hải sự quốc gia Trung Quốc ngày 31-7 đăng tải thông báo số 0168 – năm 2014 với nội dung như sau: Kể từ 12h00 ngày 01-8 lệnh cấm đánh bắt cá tại khu vực biển Đông sẽ chính thức kết thúc, tất cả tàu cá thuộc các tỉnh duyên hải như Hải Nam, Quảng Tây, Quảng Đông được phép ra khơi đánh bắt cá.

Tân Hoa Xã Trung Quốc ngày 31-7 đưa tin, hiện tất cả tàu cá đánh bắt ở biển Đông đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc ra khơi, chỉ tính riêng tỉnh Hải Nam- tỉnh có diện tích rộng nhất giáp biển Đông đã có tới 9000 tàu đánh bắt xa bờ đang chờ ‘tiếng còi” kết thúc lệnh cấm, để ồ ạt ra khơi.

  • Duy Chiến