Phải làm việc tại nhà, chị Thảo (Quận Phú Nhuận, TP.HCM) thường xuyên đặt đồ ăn, thức uống qua ứng dụng. Dạo gần đây, thi thoảng chị có đặt mua thêm các loại hàng hoá tươi sống để cuối tuần nấu nướng.
“Trong thời gian cách ly xã hội, tôi chỉ ở nhà và đặt mua tất cả hàng hoá thiết yếu online, không ra ngoài. Dạo gần đây mua thêm các loại thực phẩm để nấu ăn vào cuối tuần, vì ở một mình cũng không nấu thường xuyên”, chị Thảo cho biết.
Đáp ứng nhu cầu này, hầu như ứng dụng gọi xe nào hiện nay cũng đều có tính năng đi chợ giúp. Các bên đều ghi nhận tăng trưởng mạnh các đơn hàng đi chợ và mua đồ ăn thức uống.
Hồi cuối tháng trước, Grab thử nghiệm dịch vụ GrabMart tại TP.HCM, và sau đó triển khai thêm tại Hà Nội. Dịch vụ cho phép khách hàng đặt mua trên ứng dụng các loại rau củ quả, trái cây, thịt cá... từ các nhà cung cấp như BigC, Co.op Food và một số cửa hàng thực phẩm lớn khác.
Phía Grab cho biết GrabMart đang tăng trưởng tốt, đơn hàng tăng cao trong giai đoạn này.
Với phí vận chuyển khoảng 15.000-20.000 đồng cho 5km đầu, dịch vụ “đi chợ” này khá hợp lý đối với người dùng, nhưng số lượng đối tác của GrabMart chưa nhiều.
Bện cạnh GrabMart, Grab còn có dịch vụ Assisstant, một tính năng cộng thêm của tính năng giao hàng, cho phép người dùng ghi chú cho tài xế đi mua bất kỳ món gì, trong đó bao gồm cả việc đi siêu thị mua hàng hoá.
Hồi đầu tháng 3, ứng dụng be cũng ra mắt tính năng Đi chợ (Shopping). Tính năng này cho phép người dùng chọn các siêu thị, cửa hàng bất kỳ ở 9 tỉnh thành lớn, ghi chú các món hàng cần mua, sau đó tài xế beBike sẽ đi mua giúp.
Đại diện be cho biết trong tuần đầu tiên ra mắt, mỗi ngày be Đi chợ chỉ nhận được khoảng 100 đơn hàng, thì hiện nay con số này đang tăng trưởng theo cấp số nhân.
Dịch vụ này có mức phí khởi đầu là 30.000 đồng, tuỳ theo khoảng cách có thể tăng lên. Tuy nhiên, tính năng Đi chợ còn khá sơ khai, người dùng phải ghi chú chính xác cần mua mặt hàng nào, nhãn hàng nào, khối lượng, số lượng bao nhiêu... khá mất thời gian và có thể gây nhầm lẫn. Be cho biết đang chuẩn bị phát hành phiên bản đầy đủ hơn của tính năng này.
Triển khai lâu hơn và có lượng đối tác lớn chính là Now, với dịch vụ NowFresh. Người dùng có thể mua thực phẩm tươi sống và nhiều hàng hoá khác thông qua dịch vụ này.
Now cho biết triển khai dịch vụ từ 2018 và có sự gia tăng đơn hàng qua thời gian. “Với sự thích ứng và thay đổi theo hướng tích cực của thói quen tiêu dùng của người dân, chúng tôi kỳ vọng NowFresh sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới”, phía Now cho hay.
Mới đây nhất, chuỗi cửa hàng Bách hoá Xanh cũng triển khai tính năng “Đi chợ giùm bạn”. Người dùng vào trang bachhoaxanh.com, click vào banner quảng cáo dịch vụ, sau đó chọn các hàng hoá trên trang này để đặt mua. Dịch vụ này hiện chỉ áp dụng tại TP.HCM, trừ một số quận huyện ngoại thành, với phí vận chuyển 30.000 đồng mỗi đơn hàng.
Dịch vụ ra mắt ngày 2/4 và hiện tăng trưởng gần gấp đôi so với số đơn hàng ngày đầu ra mắt. Trong khi đó, tăng trưởng riêng của Bách hóa Xanh cũng lên 200% so với trước khi có dịch.
Bản thân Bách hoá Xanh đã có sẵn đội ngũ giao hàng online. Tuy nhiên, dịch vụ mới của chuỗi này tận dụng khối lượng nhân viên của Điện máy Xanh, Thế Giới Di Động đang phải nghỉ việc do đóng cửa cửa hàng, để làm nhân viên giao hàng. Khi mua online trên Bách hoá Xanh, người dùng sẽ nhận hàng từ các kho của Bách hoá Xanh online, còn khi dùng dịch vụ “Đi chợ giùm bạn” thì nhân viên sẽ mua hàng trực tiếp ở các cửa hàng Bách hoá Xanh gần nơi ở của khách hàng.