"Mình đặt một đơn đi chợ hộ hơn 200.000 đồng, đã áp dụng mã giảm giá của ứng dụng nhưng khi shipper tới nơi thì cửa hàng hết đủ thứ, cả đơn hàng chỉ một nửa thứ cần mua, mã giảm giá cũng không áp dụng được vì giá trị đơn hàng không còn như lúc mình đặt. Tưởng là tiện lợi nhưng cũng nhiều vấn đề", chị Quế Thu (TP Thủ Đức) chia sẻ.

Những trường hợp người dùng gặp phiền phức khi sử dụng dịch vụ đi chợ hộ online không hiếm gặp kể từ sau thời điểm TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 nhằm khống chế dịch bệnh. Mua được hàng như chị Thu đã là may mắn, nhiều người dùng phản ánh đơn hàng của họ bị chậm tới 2 ngày, thậm chí bị hủy đơn liên tục do không còn hàng để mua.

Trao đổi với Zing, đại diện Baemin cho biết ứng dụng đang cung ứng dịch vụ đi chợ hộ dựa trên hợp tác với các điểm bán hàng, siêu thị. Việc nhiều đơn bị hủy, chậm giao hàng chủ yếu đến từ việc các điểm bán hàng đối tác đang quá tải, phần vì hết hàng và phần vì không kịp cập nhật món đã hết lên hệ thống của Baemin, dẫn tới khách đặt phải những sản phẩm không còn.

{keywords}
Nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ đi chợ hộ đang ghi nhận tình trạng buộc phải chậm, hủy đơn hàng tại TP.HCM do các điểm bán đối tác không còn đủ thực phẩm. Ảnh: Nhật Sinh.

Tương tự, Grab cũng chia sẻ doanh nghiệp ghi nhận số lượng đơn hàng tăng mạnh trên dịch vụ GrabMart. Đội ngũ shipper của ứng dụng đang hoạt động tích cực để chuyển toàn bộ đơn hàng tới người mua, tuy nhiên, nhiều đơn bị chậm, hủy cũng do cửa hàng, siêu thị đối tác hết hàng.

Đại diện Bách Hóa Xanh cho biết doanh nghiệp nhận được lượng đơn hàng tăng đột biến, dẫn đến phải sắp xếp giao hàng lâu hơn dự kiến. Vị này chia sẻ nguồn hàng của Bách Hóa Xanh vẫn ổn định, tuy nhiên gặp khó khăn trong việc giao hàng do nhu cầu tăng cao, doanh nghiệp chưa dự đoán được, dẫn tới ùn tắc cục bộ.

Cũng theo đại diện Bách Hóa Xanh, tình trạng này có thể được giải quyết trong 3-4 ngày tới khi doanh nghiệp huy động thêm nguồn lực và nhu cầu tích trữ thực phẩm của người dân TP.HCM hạ nhiệt.

Theo ghi nhận của Zing sáng 11/7, nhu cầu mua thực phẩm tươi của người dân TP.HCM quá lớn khiến nhiều siêu thị mini, cửa hàng thực phẩm dù liên tục đưa hàng lên kệ vẫn không đủ bán.

Cụ thể, tại siêu thị Co.op Mart Nhiêu Lộc, TP.HCM, hàng trăm người xếp hàng chờ đến lượt vào mua trực tiếp do không thể đặt hàng online. Hơn 10h sáng 11/7, các kệ hàng tại cửa hàng thực phẩm Satrafood trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1) không còn chút rau củ, thịt, cá nào. Các loại thực phẩm đông lạnh cũng sắp hết. Nhiều khách hàng vào mua đều thất vọng ra về.

Nhân viên tại các cửa hàng này tại đây cũng cho biết hàng được nhập về với tần suất 3 lần/ngày vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.

Tại cửa hàng Co.op Food trên đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh) trong sáng nay cũng chỉ còn một ít loại rau thơm và thịt. Nhiều người đặt giao hàng online cũng phải hủy đơn vì cửa hàng hết thực phẩm yêu cầu.

Trong khi đó, tại một số siêu thị lớn ghi nhận lượng hàng hóa dồi dào. Cụ thể, tại Co.op mart Văn Thánh, khách hàng ngồi chờ đông nhưng rau xanh, thịt cá đều đầy ắp trên các quầy kệ.

Một số cho biết cửa hàng đang chạy hết công suất để bổ sung hàng hóa, tuy nhiên sức mua cả trực tiếp lẫn online đều tăng cao khiến thực phẩm tươi thiếu hụt cục bộ ở một số thời điểm.

"Hiện chúng tôi gấp rút bổ sung hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân", đại diện cửa hàng Satrafoods nói.

(Theo Zing)

TP.HCM ngày chưa từng có, tập quen mua bán kiểu mới

TP.HCM ngày chưa từng có, tập quen mua bán kiểu mới

Trong những ngày giãn cách xã hội tại TP.HCM, việc đi chợ theo ngày chẵn lẻ hay để nhân viên siêu thị đi chợ hộ đã xuất hiện.