Tháng 8/2016, sau trận chiến kéo dài gần 18 tháng, Uber đồng ý bán mảng kinh doanh tại Trung Quốc cho Didi và rời bỏ quốc gia này. Đổi lại, Uber nắm 17,7% cổ phần trong Didi và 1 tỷ USD tiền mặt. Đây là thắng lợi lớn đối với Cheng.

8 tuần sau giao dịch, trên tầng 5 trụ sở công ty, anh dành những lời cẩn trọng khi nói về đối thủ của mình: “Uber rất tuyệt vời. Họ có chiến lược tốt nhất trong số các doanh nghiệp Silicon Valley tại Trung Quốc. Họ còn nahnh nhẹn hơn Google. Họ không như thế này tại các nước khác nhưng tại Trung Quốc, họ học được cách thể hiện thiện chí. Họ không giống với một doanh nghiệp nước ngoài bình thường mà giống với một startup, đầy đam mê, cảm giác như đang đấu tranh cho chính bản thân họ”.

Didi Chuxing được thành lập như thế nào?

Thế giới đã quá quen thuộc với Uber và tinh thần đấu tranh của CEO Travis Kalanick. Tuy nhiên, tới tháng 8, Cheng lại để cho Chủ tịch Didi, Jean Liu, làm gương mặt đại diện trước công chúng. Dưới sự dẫn dắt của Cheng, Didi chỉ trong vòng 4 năm đã mở rộng ra 400 thành phố Trung Quốc. Dịch vụ cho phép người dùng đặt và thanh toán điện tử taxi, xe tư, limousine, xe buýt công cộng. Cheng hco biết 80% tài xế taxi nước này sử dụng Didi để tìm hành khách. Do nhiều người dùng ứng dụng, rất khó để gọi được taxi vào giờ cao điểm nếu không có Didi. Gần đây, các nhà đầu tư định giá Didi 35 tỷ USD, biến nó trở thành một trong các công ty tư nhân giá trị nhất thế giới. Uber với hoạt động tại gần 500 thành phố trên 6 lục địa có giá trị 68 tỷ USD.

Cuối tháng 9, trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi, Cheng đã trò chuyện với Business Week về hành trình từ số 0 đến người hùng kinh doanh Trung Quốc. Ở tuổi 33, văn phòng của anh chứa đầy sách kinh tế và một bể cá.

“Thời điểm chúng tôi thực sự triển khai, khoảng 30 công ty đang nổi lên. Có nhiều mô hình khác nhau, một số có quyền lực hơn chúng tôi nhiều. Đó là một câu chuyện dài và chứa những nút thắt không ngờ”.

Cheng sinh ra tại Giang Tây, cha anh là công chức, mẹ là giáo viên dạy toán. Anh nói mình học giỏi toán ở trường trung học như trong kỳ thi đại học lại quên lật trang cuối đề thi, bỏ trống 3 câu hỏi. Anh đỗ trường Công nghệ hóa học thuộc Đại học Bắc Kinh, không phải trường “top”. Cheng từng muốn học công nghệ thông tin nhưng sau đó lại quan tâm đến quản trị kinh doanh. Vào năm cuối, anh đi làm thêm như bao sinh viên khác, và công việc là bán bảo hiểm. Tại hội chợ việc làm, anh nộp đơn xin làm trợ lý giám đốc tại công ty tự gọi mình là “công ty bảo hiểm sức khỏe nổi tiếng”. Tuy nhiên, khi đến văn phòng Thượng Hải với hành lý trên tay, anh phát hiện đó chỉ là một chuỗi cửa hàng matxa. “Đó là lý do chúng tôi ít khi quảng bá Didi. Bởi vì tôi cho rằng tất cả là lừa đảo”, Cheng lý giải.

Năm 2005, tốt nghiệp ở tuổi 22, anh vào Alibaba làm việc ở bộ phận bán hàng, kiếm được 1.500 nhân dân tệ mỗi tháng. “Tôi biết ơn Alibaba vì có người đã tiến lên, không xua đuổi tôi mà nói: “Chúng tôi cần người trẻ như anh””.

Bất chấp thất bại trong việc bán bảo hiểm ban đầu, Cheng tỏ ra khá lành nghề khi bán quảng cáo trực tuyến cho các thương gia. Anh nhanh chóng lên hạng và cuối cùng được báo cáo công việc trực tiếp cho một giám đốc có tên Wang Gang. Lần đầu gặp mặt, Wang nói doanh số của anh rất ấn tượng nhưng tài năng thực sự của anh chính là dẫn chương trình trong các sự kiện khách hàng.

Năm 2011, Wang bất mãn vì không được thăng chức nên đã tập hợp Cheng và một số cấp dưới để suy nghĩ về thành lập startup. Sau khi trao đổi về các ý tưởng trong giáo dục, đánh giá nhà hàng, thậm chí cả thiết kế nội thất, một startup nước ngoài đang được gây quỹ nhanh chóng và bành trướng trên toàn thế giới thu hút sự chú ý của họ. Nó không phải Uber mà là Hailo, công ty nổi tiếng với dịch vụ “black cab” của Luân Đôn (Anh). Cheng cho rằng mô hình Hailo có thể áp dụng tại Trung Quốc với 2 triệu taxi vạch vàng. Anh rời Alibaba năm 2012, Wang cũng vậy. Sau này, Wang trở thành người ủng hộ tài chính quan trọng cho Didi khi đầu tư 800.000 nhân dân tệ. Startup lúc đầu có tên Didi Dache và sau đổi thành Didi Chuxing.

Cheng cùng vài cựu đồng nghiệp Alibaba nhanh chóng thiết lập trụ sở trong nhà kho 100m2 với một phòng họp duy nhất ở phía bắc thành phố. Cheng gửi đi 2 trong số 10 nhân viên đầu tiên đến hoạt độn tại Thâm Quyến, nơi đặt các nhà máy sản xuất iPhone của Foxconn, vì anh tin rằng thành phố có quy định tự do nhất tại Trung Quốc. Dịch vụ của Didi nhanh chóng bị nhà chức trách địa phương cấm đoán.

Dù vậy, Didi có nhiều lợi thế với đối thủ. Một số bắt chước chiến lược hợp tác với chủ xe limousine của Uber nhưng tại đây, xe sang ít hơn xe taxi. Khi Yaoyao Taxi, startup do Sequoia Capital chống lưng, giành được hợp đồng độc quyền tuyển dụng tài xế tại sân bay Bắc Kinh, các thành viên trong Didi lại dựa vào ga xe lửa lớn nhất thành phố để quảng bá ứng dụng. Thay vì làm theo đối thủ và cấp smartphone cho lái xe – một hình thức tốn kém đối với startup, Didi tập trung cung cấp miễn phí ứng dụng cho tài xế trẻ, người đã có điện thoại và muốn tuyên truyền cho Didi.

Trong trận bão tuyết lịch sử tại Bắc Kinh cuối năm 2012, khi không thể gọi taxi trên đường, mọi người mở ứng dụng và công ty vượt mốc 1.000 chuyến đi/ngày lần đầu tiên. Cột mốc thu hút sự chú ý của hãng đầu tư mạo hiểm và sau đó “rót” 2 triệu USD cho Didi. “Không có bão tuyết năm ấy, có thể không có Didi ngày nay”, Cheng ví von.

Sau đó, Didi đón nhận tin xấu: Alibaba đầu tư vào startup gọi xe khác là Kuaidi Dache (taxi nhanh). Thành công của startup tại Trung Quốc thường phụ thuộc vào sức mạnh của liên kết với một trong ba ông lớn: Alibaba, Tecent và Baidu. Wang và Cheng gõ cửa Tencent, nhà sản xuất game video và mạng xã hội khổng lồ.

Với sự đỡ đầu từ hai kình địch Internet lớn, Didi và Kuaidi nhanh chóng đối đầu nhau. Trong một tuần lễ vô cùng khốc liệt, được biết đến với tên “7 ngày 7 đêm”, hai công ty gặp phải sự cố kỹ thuật nghiêm trọng khi gửi tài xế và hành khách từ dịch vụ này sang dịch vụ khác và ngược lại. Cheng cho biết các kỹ sư đã phải trụ lại văn phòng Didi để xử lý, tới mức một người phải mổ mắt.

Cuối cùng, Cheng gọi cho Pony Ma, nhà sáng lập Tencent, nhờ trợ giúp. Ma đồng ý cho mượn 50 kỹ sư và 1.000 máy chủ và mời nhóm của Didi đến làm việc tạm thời ở các văn phòng tiện nghi hơn của Tencent. Song, Didi vẫn chưa làm ra tiền, Cheng cần tăng nguồn vốn. Anh ghé thăm Mỹ lần đầu vào tháng 11/2013 và bị nhiều nhà đầu tư từ chối.

Đầu năm 2014, trong Tết Nguyên đán, mọi thứ thay đổi. Tencent chạy thành công chương trình quảng bá có tên Red Packet, cho phép người dùng WeChat gửi các khoản tiền mừng tuổi đến cho bạn bè, gia đình qua smartphone. Nó là một thành công lớn và giúp Tencent thấu hiểu: thanh toán di động chính là tương lai.

Tencent nhận ra Didi có thể giúp tăng lượng giao dịch qua di động và bắt đầu rót vốn vào công ty, cho phép hành khách trả tiền qua dịch vụ thanh toán phi tiền mặt của WeChat. Alibaba đáp trả bằng cách tương tự với Kuaidi khi tích hợp với dịch vụ thanh toán di động AliPay. Cùng nhau, hai công ty chi khoảng 2 tỷ nhân dân tệ trong chiết khấu và trợ giá cho khách hàng sử dụng dịch vụ gọi xe trong vài tháng đầu năm 2014, theo truyền thông nước này. Số lượng khách gọi xe tăng đột biến.

Khi Kalanick xem Trung Quốc như cơ hội lớn kế tiếp của Uber, các nhà đầu tư của Didi và Kuaidi cuối cùng nhận ra hai công ty đang sát phạt lẫn nhau. Nhà đầu tư mạo hiểm người Nga Yuri Milner, một người ủng hộ Didi, đóng vai trò cầu nối khi qua lại trụ sở Alibaba và Tencent để môi giới. Tháng 2/2015, hai startup sáp nhập. Didi nắm 60% cổ phần trong doanh nghiệp mới.

Cuộc chiến “hao tiền tốn của” giữa Uber và Didi

Cuối năm 2013, Kalanick và một nhóm lãnh đạo Uber đến thăm Trung Quốc để nghiên cứu triển vọng và đối thủ. Họ ghé thăm văn phòng Didi. Cheng mở đầu khi thừa nhận với Kalanick: “Anh là cảm hứng của tôi”, sau đó không khí trở nên căng thẳng. Emil Michael, Phó Chủ tịch kinh doanh Uber, hồi tưởng lại: “Họ phục vụ chúng tôi bữa trưa có thể nói là tệ hại nhất tôi từng ăn. Chúng tôi chỉ gẩy thức ăn và băn khoăn, đây có phải là một loại vũ khí cạnh tranh”. (Thực tế, Chủ tịch Didi đã phải xin lỗi Michael vì bữa ăn hôm đó).

Trong cuộc gặp, Cheng đến trước bảng trắng và kẻ 2 đường. Đường của Uber xuất phát từ năm 2010 và đi thẳng lên về phía bên phải. Didi khởi đầu muộn hơn 2 năm, năm 2012, nhưng có độ dốc hơn và giao với đường của Uber. Cheng nói một ngày nào đó Didi có thể vượt Uber bởi thị trường Trung Quốc quá rộng lớn và nhiều thành phố hạn chế sở hữu xe riêng như một biện pháp quản lý giao thông và ô nhiễm. “Travis chỉ mỉm cười”, Cheng nhớ lại.

Kalanick nhắc đến khả năng đầu tư vào Didi nhưng yêu cầu 40% cổ phần. “Vì sao tôi phải chấp nhận”, Cheng đáp lại. Các lãnh đạo Uber khi đó rất ấn tượng. Theo Michael, “Kalanick nói với tôi trong số các nhà sáng lập dịch vụ gọi xe, Cheng Wei quả đặc biệt. Anh ấy chỉ đơn giản là trội hơn tất cả mọi người trong ngành”.

Đầu năm 2015, Uber sở hữu lợi thế không thể lớn hơn: ứng dụng tốt hơn, công nghệ ổn định hơn. Các nhà đầu tư định giá Uber 42 tỷ USD, gấp 10 lần so với Didi. Khi Didi đang sắp xếp thương vụ với Kuaidi, Uber đã bắt kịp: công ty kiểm soát gần 1/3 thị trường gọi xe tư nhân tại Trung Quốc chỉ trong vòng vài tháng. “Khi ấy, chúng tôi cảm thấy như mình là Quân đội nhân dân với súng trường và đang bị dội bom bởi máy bay, tên lửa. Họ thực sự có các vũ khí hiện đại”, Cheng so sánh.

Cheng là sinh viên lịch sự quân đội, vì thế anh áp dụng khá nhiều vào việc điều hành Didi. Buổi sáng, anh họp với các nhân sự cao cấp và gọi nó là “totem sói”, dựa trên tiểu thuyết nổi tiếng về cuộc cách mạng văn hóa. “Totem sói” nghiên cứu kết quả hàng ngày của Didi và điều chỉnh trợ giá cho tài xế, hành khách. Cheng thường cảnh báo nhân viên: “Nếu thất bại, chúng ta sẽ chết”.

Tháng 5/2015, Cheng bắt đầu tấn công. Didi cho biết sẽ miễn phí 1 tỷ nhân dân tệ cho hành khách. Uber cũng làm theo. Cheng và cố vấn tìm cách để chống lại công ty Mỹ trên đất Trung. Uber với họ giống như con bạch tuộc với các tu xích vươn khắp mọi nơi nhưng đại não nằm ở Mỹ. Wang, nhà đầu tư ban đầu kiêm thành viên ban quản trị, gợi ý tại một cuộc họp rằng Didi nên “đâm trúng huyệt Uber”.

Wang nói Didi nên xem xét mở rộng tại Mỹ. Thay vào đó, tháng 9/2015, hãng đầu tư 100 triệu USD vào đối thủ Uber, Lyft. Theo Wang, mục tiêu của họ là giành chiến thắng trong các cuộc đàm phán tương lai.

Báo chí cho rằng chính phủ Trung Quốc đã giúp đỡ Didi trong cuộc chiến với Uber. Cheng bác bỏ điều này khi lưu ý với tư cách công ty gọi xe lớn nhất nước, Didi đã phải cáng đáng phần lớn gánh nặng luật pháp và trả hàng chục triệu nhân dân tệ để bù đắp chi phí hầu tòa cũng như các khoản phạt cho tài xế. Anh cũng chỉ ra các công ty quốc doanh khác như Tập đoàn công nghiệp xe hơi Quảng Châu và China Life đã đầu tư vào Uber.

Vào thời kỳ gay gắt nhất, cả Didi và Uber đều đốt hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Mỗi công ty lại tìm kiếm nguồn vốn mới. Apple đầu tư 1 tỷ USD cho Didi vào tháng 5/2016. Một tháng sau, Uber gọi thành công 3,5 tỷ USD từ Quỹ đầu tư công của Ả-rập Xê-út. Thông điệp gửi đi rất rõ ràng: Họ còn phải tiến hành trận chiến thua lỗ trong thời gian dài.

Theo Cheng, cuộc gọi hòa bình ban đầu đến từ Uber. Michael từ Uber lại tranh luận chính khoản đầu tư từ Ả-rập đã buộc Didi phải ngồi vào bàn thương lượng. Dù sao đi nữa, hai bên đã đồng ý “đình chiến” và tập trung xây dựng kinh doanh. “Trong tâm tâm, tôi biết tiền của chúng tôi nên được đặt vào mảnh đất giá trị hơn. Đó là lý do vì sao chúng tôi nắm tay Uber vào phút cuối”.

Michael và Liu soạn các điều khoản trong 2 tuần và sau đó gặp Kalanick, Cheng tại quán bar khách sạn ở Bắc Kinh cùng uống rượu trắng. Hai CEO đều bày tỏ sự tôn trọng và ngưỡng mộ lẫn nhau. “Chúng ta là những công ty “điên” nhất hiện nay. Tuy nhiên, trong trái tim, chúng ta lại hợp lý. Chúng ta biết cuộc cách mạng này là một cuộc cách mạng công nghệ và chúng ta mới chỉ là chứng nhân của giai đoạn khởi đầu”, Cheng nói.

Uber và Didi đều có người trong ban quản trị mỗi bên nhưng không có quyền bỏ phiếu. Thương vụ vẫn chưa hoàn tất do Bộ Thương mại Trung Quốc còn đang đánh giá. Tuy nhiên, chuyên gia pháp lý nhận định cơ quan chống độc quyền sẽ không làm khó giao dịch.

Cuộc chiến giảm giá trong 2 năm qua đã đến hồi kết, đồng nghĩa cước tăng lên và số tiền tài xế nhận về giảm đi khi Didi muốn thu về lợi nhuận cao hơn. Ngành công nghiệp này đang chậm rãi chuyển về trạng thái hợp lý hơn.

Tài xế, hành khách tại Bắc Kinh nhận thấy điều đó và cũng phàn nàn giống với tài xế, hành khách của nước khác. Thậm chí, giá gọi xe qua dịch vụ có khi còn đắt hơn taxi truyền thống. Sun Can, một tài xế Didi, cho biết với các khoản thưởng và hoa hồng giảm đi, ông thường ở nhà. “Ai mà muốn chạy xe trên đường khi không kiếm ra tiền”, ông đặt câu hỏi.

Chen đã nghĩ về việc thay thế tài xế. Didi đang tuyển dụng các nhà khoa học dữ liệu của Silicon Valley để phát triển xe tự lái, cạnh tranh với Google, Baidu, Tesla, GM và cả Uber. Anh đã nói chuyện với Gansha Wu, cựu Giám đốc Intel Labs tại Trung Quốc và nhà sáng lập startup xe tự lái UiSee Technology. “Chúng tôi có chung tầm nhìn rằng xe tự lái có thể làm những điều tuyệt vời cho xã hội”, Wu nói.

Với Cheng, đây đang là thời kỳ hòa bình. Không còn “totem sói” nữa. Anh và vợ đang mong ngóng đứa con đầu lòng. Biểu đồ anh vẽ vài năm trước cho Kalanick, Cheng nói với tổng số tiền chi cho Didi và Uber Trung Quốc, nó sẽ vượt qua Uber trên toàn thế giới. Dự đoán mà anh đưa ra cho Kalanick đã thành hiện thực và anh tin rằng đây là bước ngoặt cho nước mình. “Điều đó đồng nghĩa Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu trong kinh tế chia sẻ”, CEO 33 tuổi của Didi kết luận.