Mỗi năm trôi qua đồng nghĩa rằng cộng đồng game thủ chúng ta lại có thêm những sản phẩm tuyệt vời mới để thưởng thức, nhưng nó cũng đồng nghĩa rằng sẽ có thêm những thảm họa được ra lò. Tất nhiên nói thảm họa đối với một vài cái tên dưới đây có phần hơi quá, nhưng thực tế là chúng đã khiến không ít game thủ cảm thấy bất mãn, và phần nào phí đồng tiền lao động quý báu mà họ đã bỏ ra để mua sản phẩm. Bất kể lí do là gì, ai là người nên chịu trách nhiệm, ta sẽ cùng đến với 6 game console và PC được coi là thảm họa nhất năm 2016:

No Man’s Sky

 

Kể từ khi được công bố ở khâu ý tưởng và một vài hình ảnh đầu tiên, cộng động game thủ thế giới đã lập tức có tình cảm với “No Man’s Sky” bởi nó mang tính tham vọng và nghe rất hay ho. Hơn nữa, người chơi cũng thích cái ý tưởng đóng góp tiền cho những cá nhân, tập thể phát triển xuất sắc thật sự, và yên tâm rằng khoản đầu tư nho nhỏ của mình sẽ giúp cho ra đời một thứ gì đó vĩ đại, nhưng tất cả đều đã nhầm.

Chính thức ra mắt trong tháng 8 năm 2016, “No Man’s Sky” là một trong những video game được mong đợi nhất năm, nếu không muốn là top mọi thời đại. Tuy nhiên, mọi fan hâm mộ đã nhanh chóng ăn gáo nước lạnh bởi chất lượng chẳng giống như mong đợi một chút nào. Cho dù là lỗi của nhà phát triển hay vì sự huyễn hoặc quá cao của người chơi, mọi thứ đều diễn ra không mấy tốt đẹp.

The Division

 

“The Division” là một sản phẩm khác gây nên sự phân cực trong cộng đồng người chơi. Mặc dù có khởi đầu ra mắt rất tệ và tràn ngập lỗi, nó vẫn thiết lập kỷ lục ra mắt cho hãng Ubisoft và thậm chí có thông tin sẽ được chuyển thể thành phim với ngôi sao Jake Gyllenhaal. Không may là những lỗi lầm ban đầu đã khiến nhiều người chơi mất thiện cảm, còn hãng Ubisoft đã một lần nữa khiến fan thất vọng với một sản phẩm không phát huy hết tiềm năng.

Tất nhiên nói vậy không có nghĩa rằng “The Division” là một game dở toàn tập, và hiện nay nó vẫn có một lượng người chơi đông đảo nhất định. Đồng thời, hãng Ubisoft cũng đang cố gắng sửa sai để bù đắp cho người chơi bằng những phiên bản cập nhật mới.

Mafia III

 

Phiên bản thứ ba của loạt game “Mafia” chỉ nhận được những đáng giá trung bình khá, chứ không được tán dương như hai người tiền nhiệm. Sản phẩm này có những điểm đột phá và ấn tượng của riêng nó, ví như chất lượng đồ họa tốt, tính năng định vị độc đáo, nhưng như thế là chưa đủ để đáp ứng sự kỳ vọng quá cao của cộng đồng người chơi. Cho tới thời điểm này, người chơi vẫn đang cảm thấy tiếc, bởi lẽ ra “Mafia III” đã có thể hay hơn rất nhiều.

Titanfall 2

 

Tựa game “Titanfall” đầu tiên đã khiến nhiều người bất ngờ, và mang một luồng gió mới cho thể loại FPS, giúp người chơi có thêm sự lựa chọn bên cạnh “Battlefield” hay “Call of Duty”. Đối với một IP mới, “Titanfall” đã làm rất tốt, khiến fan hâm mộ nóng lòng được trải nghiệm một phần game sequel, nơi trải nghiệm sẽ được tối ưu hơn nữa về mọi mặt. Tuy nhiên chuyện lại chẳng hề đơn giản như thế khi, “Titanfall 2” có doanh số rất nghèo nàn, lép vế hoàn toàn bởi hai thương hiệu kia.

Street Fighter V

 

Nếu bạn là Capcom và đang tiếp tục phát hành một phiên bản mới cho một series kinh điển nào đó, bạn khó có thể làm hỏng mọi chuyện. Vậy nhưng chuyện đó lại hoàn toàn có thể xảy ra nếu bạn “cố tình” cắt bỏ hàng loạt nội dung để khiến game phát hành như một sản phẩm chưa hoàn thiện. Và “Street Fighter V” chính là nạn nhân của chiến lược kinh doanh không mấy hay ho này.

Nó được phát hành trong tình trạng thiếu hụt hàng loạt nhân vật và lựa chọn gameplay hấp dẫn để trải nghiệm, chưa kể máy chủ online chỉ giống như một vùng đất hoang, nơi chẳng có mấy người qua lại. Tất cả đều khiến “Street Fighter V” nhanh chóng bị fan lắc đầu ngao ngán và không đạt đến tiêu chuẩn như các phiên bản trước.

Star Fox Zero HD

 

Một tựa game vô cùng được mong đợi khác với hi vọng hồi sinh thương hiệu kinh điển, “Star Fox Zero HD” được phát hành cho hệ thống Wii U và nhanh chóng đạp đổ mọi giấc mơ của fan hâm mô. Nó bị chỉ trích bởi giới chuyên môn khi có cơ chế điều khiển khó chịu, độ dài và điểm tương đồng với các phiên bản trước trong quá khứ. Thực tế, fan muốn có một “Star Fox” mới nhưng cũng phải kết hợp thêm yếu tố sáng tạo mới lạ chứ không chỉ là quét lớp sơn mới cho xong.