Nắm bắt xu hướng ngành nghề luôn biến đổi, trường ĐH Hoa Sen (HSU) tiên phong đào tạo nhiều ngành học mang tính ứng dụng cao như: ngành phim, fintech, kinh tế thể thao, hệ thống thông tin quản lý….  với tiềm năng phát triển mạnh, đa dạng việc làm, đem đến thu nhập cao trong tương lai cho người học.

Ngành Phim - ươm mầm những nhà làm phim mới tài năng

Nền công nghiệp điện ảnh nói chung và điện ảnh Việt Nam nói riêng đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, vậy nhưng một mặt còn hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng được đào tạo bài bản. Ngành Phim của ĐH Hoa Sen ra đời với mong muốn tìm kiếm và đào tạo thế hệ nhà làm phim mới tài năng, giàu đam mê và tham vọng, hiểu biết thị trường, có kỹ năng sáng tạo, thích ứng nhanh với sự thay đổi của công nghệ và môi trường làm việc. 

 Buổi công chiếu các sản phẩm truyền thông của sinh viên ngành Quản trị công nghệ truyền thông - ĐH Hoa Sen đến với công chúng

Đội ngũ giảng dạy ngành này của HSU là những giảng viên “thực chiến”, giỏi chuyên môn như: đạo diễn Phan Đăng Di, nhà sản xuất - biên kịch Nhi Bùi, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, đạo diễn Mauricio Osaki… Sinh viên của ngành sẽ được hỗ trợ hết mình để kể những câu chuyện độc đáo trên nền tảng của sự hiểu biết về cuộc sống, kiến thức kỹ năng kết hợp với bản sắc riêng. Từ đây, sinh viên có thể thử sức và định hướng tương lai với các vị trí trong đoàn làm phim hay công tác tại các hãng sản xuất, kinh doanh phim và các sản phẩm truyền thông nghe nhìn.

Ngành Fintech - bước đột phá của công nghệ và tài chính

Fintech (Financial Technology) là lĩnh vực kinh tế mới đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, song tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn sơ khai với nhiều tiềm năng phát triển. Theo Cục thống kê ngành Lao động, mức tăng trưởng của ngành Fintech là 6% và từ năm 2020 đến năm 2030, dự kiến sẽ cần khoảng 492.100 vị trí trong ngành Công nghệ tài chính. 

Sự kiện ra mắt ngành Fintech trường ĐH Hoa Sen

Nắm bắt xu hướng đó, năm 2022, ĐH Hoa Sen lần đầu tiên ra mắt ngành học mới Fintech - Công nghệ tài chính về ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động, dịch vụ tài chính. Chương trình đào tạo chuẩn quốc tế 100% bằng tiếng Anh được xây dựng cùng các doanh nghiệp và cập nhật từ các chương trình của Úc, Mỹ, Anh. Sinh viên sẽ được trang bị hệ thống kiến thức bài bản về khoa học xã hội, pháp luật, ngoại ngữ, kinh tế, công nghệ thông tin và tài chính, cùng với đó là rất nhiều hoạt động thực hành trải nghiệm đa dạng.

Ngành Hệ thống thông tin quản lý - Điểm giao giữa kinh doanh và công nghệ

Theo khảo sát của PwC - một doanh nghiệp trong nhóm Big 4 chuyên về các dịch vụ kiểm toán trong năm 2021, toàn cầu cần 3,5 triệu nhân lực làm việc trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin với các vai trò quan trọng như: đảm bảo an toàn thông tin cho doanh nghiệp (chiếm 43%); đảm bảo an toàn thông tin cho điện toán đám mây (chiếm 40%); Phân tích dữ liệu để đưa ra các cảnh bảo, dự báo về an toàn thông tin (chiếm 37%). Điều này hứa hẹn nhu cầu việc làm rất lớn đối với sinh viên tốt nghiệp ngành hệ thống thông tin quản lý nói riêng. 

Hệ thống thông tin quản lý (HTTTQL) hay Management Information Systems (MIS) là một ngành học giúp đưa ra các giải pháp quản lý và trao đổi thông tin một cách hiệu quả trong doanh nghiệp. Ngành học này kết nối mọi thứ bên trong tổ chức, bao gồm con người, quy trình kinh doanh, các hoạt động quản lý, hệ thống máy tính, thiết bị phần cứng và giải pháp phần mềm nhằm giúp các tổ chức vận hành hiệu quả hơn. Sinh viên ra trường sẽ có được nền tảng kiến thức vững chắc về kinh tế - quản trị, công nghệ cùng với các kỹ năng mềm, tin học và ngoại ngữ; từ đó tự tin tham gia làm việc toàn cầu với các vị trí từ chuyên viên phân tích, tư vấn đến quản lý dự án hay giám đốc thông tin.

Ngành Kinh tế thể thao - tiên phong tìm kiếm những nhà quản lý thể thao chuyên nghiệp

Việc đưa thể thao trở thành một ngành kinh tế với các hoạt động tạo thu nhập và mang lại thu nhập đã trở nên phổ biến ở các quốc gia phát triển. Ở Mỹ, theo thống kê lĩnh vực Kinh tế thể thao chiếm tỉ trọng đóng góp tới hơn 2,5 GDP hàng năm. Tuy nhiên, tại Việt Nam lĩnh vực này vẫn chưa được chú trọng đầu tư để khai thác hết các tiềm lực. 

Ngành Kinh tế thể thao HSU là ngành học tiên phong đào tạo bậc cử nhân về quản lý thể thao, tham gia đóng góp vào việc nâng cao nguồn nhân lực ngành thể thao nước nhà. Chương trình đào tạo cung cấp những kiến thức và phát triển các kỹ năng về quản lý và kinh doanh trong lĩnh vực thể thao hiện đại đồng thời rèn luyện thái độ nghề nghiệp để người học làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến kinh tế thể thao. 

Với 3 định hướng chuyên ngành gồm: Quản lý loại hình kinh doanh thể thao, Quản lý chăm sóc sức khoẻ và quản trị truyền thông, Marketing thể thao, sinh viên tốt nghiệp có thể công tác tại các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thể dục thể thao, trường học, trung tâm thể dục thể thao, câu lạc bộ thể dục thể thao…

Lệ Thanh