Căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã biến thành đụng độ chết người hôm 16/6. Trong tuyên bố chính thức, phía Ấn Độ khẳng định ít nhất 20 binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong vụ va chạm với phía Trung Quốc ở thung lũng Galwan, khu vực hai bên đang tranh chấp. 

{keywords}
Một binh sĩ Trung Quốc và một binh sĩ Ấn Độ ở cửa khẩu Nathu La giữa hai bên. (Ảnh: NBC News)

Ban đầu, Delhi thông báo một sĩ quan và 2 binh sĩ tử vong nhưng sau đó xác nhận 17 quân nhân bị thương nặng đã không qua khỏi do thời tiết giá lạnh 0 độ C trên cao nguyên.

Phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc binh lính Ấn Độ hai lần "tiến hành các hoạt động trái phép" xung quanh khu vực biên giới, khiêu khích và tấn công lực lượng Trung Quốc, dẫn đến xung đột.

Bày tỏ lấy làm tiếc về vụ việc, phát ngôn viên Anurag Srivastava của Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định nước ông cam kết duy trì hòa bình và yên tĩnh ở các khu vực biên giới, đồng thời giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.

Trong nhiều thập niên, hai bên đã trải qua vô số lần xung đột dọc biên giới tranh chấp. Năm 1993, hai nước đã ký một hiệp ước cung cấp cơ chế giải quyết căng thẳng biên giới, theo đó binh lính hai bên không mang vũ khí khi tuần tra.

Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ điểm lại một số vụ va chạm chết người giữa hai bên:

1947-1962

Trung Quốc xây 1.200km đường nối Tân Cương và tây Tây Tạng, với 179km chạy phía nam Đường Johnson qua vùng Aksai Chin mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền.

Năm 1960, dựa trên một thỏa thuận giữa Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru và người đồng cấp Trung Quốc Chu Ân Lai, giới chức hai bên đã tổ chức đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp biên giới.

Bắc Kinh và Delhi không nhất trí được với nhau về lưu vực sông định hình biên giới. Điều này sau đó leo thang thành cuộc chiến Trung - Ấn tháng 10/1962, dẫn đến thương vong gần 3.000 người ở phía Ấn Độ và 700 người ở phía Trung Quốc.

1967

Các cuộc đụng độ ở Nathu La và Cho La xảy ra vào ngày 11/9/1967, khi quân đội Trung Quốc tấn công một đồn của Ấn Độ ở Nathu La, một hẻm núi ở dãy Himalaya, bang Đông Sikkim.

Tháng 10/1975

Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc xô sát tại Tulung La, quận Tawang thuộc bang Arunachal Pradesh. Bốn binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Sau đó, vụ việc được mô tả là tai nạn vì hai bên bị lạc đường do sương mù.

Tháng 4/2013

Ấn Độ cho biết, lính Trung Quốc lập trại ở khu vực Daulat Beg Oldi, nằm sâu 10km vào đất Ấn Độ ở Đường ranh giới Kiểm soát thực tế (LAC) ngăn cách hai nước. Con số này sau đó được chỉnh sửa thành 19km.

Binh sĩ cả hai nước đã dựng trại đối diện nhau trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, căng thẳng được xoa dịu khi cả hai bên rút quân về vào đầu tháng 5.

Tháng 9/2014

Xung đột nổ ra khi Ấn Độ bắt đầu xây dựng một kênh đào ở làng biên giới Demchok. Trung Quốc phản đối và đóng quân trong khu vực, dẫn tới va chạm. Sự việc kết thúc sau khoảng 3 tuần, khi cả hai bên nhất trí rút quân.

Tháng 9/2015

Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đối đầu nhau ở vùng Burtse thuộc phía bắc Ladakh, sau khi lính Ấn Độ tháo dỡ một tháp canh do phía Trung Quốc xây dựng.

Tháng 6/2017

Một vụ va chạm xảy ra ở vùng tranh chấp Doklam, gần hẻm núi Doka La dọc bang Sikkim của Ấn Độ và biên giới Bhutan.

Trung Quốc đã điều động thiết bị làm đường hạng nặng tới vùng Doklam và bắt đầu xây dường. Hai ngày sau, 18/6, phía Ấn Độ can thiệp vào hoạt động xây dựng này.

Tháng 8/2017

Một vụ việc xảy ra tại Pangong Tso, còn gọi là Hồ Pangong, ở độ cao 4.350m so với mực nước biển.

Một số binh sĩ của cả hai bên bị thương. Báo chí Ấn Độ cho biết, một số trong khoảng 73 quân nhân nước này bị thương trong cuộc đối đầu đã được đưa tới bệnh viện ở Leh, Chandi Mandir và Delhi để chữa trị.

Tháng 5/2020

Binh lính Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ ở Pangong Tso, hồ nước trải rộng từ Ladakh tới Khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc, với đường LAC chạy qua, ngày 5/5.

Một video ghi lại cho thấy binh sĩ hai phía lao vào đánh đấm và ném đá nhau ở dọc LAC.

Ngày 10/5, xô sát sảy ra ở thung lũng Muguthang thuộc Sikkim. Một số binh sĩ của cả hai bên bị thương nhẹ, với 7 người ở phía Trung Quốc và 4 ở phía Ấn Độ, theo CNN.

Tờ Trust of India đưa tin, tổng cộng 150 binh sĩ đã tham gia vụ ẩu đả.

Ngày 21/5, lính Trung Quốc tiến vào thung lũng sông Galwan ở vùng Ladakh với lý do phản đối Ấn Độ xây đường. Con đường đang được xây dựng được cho là một nhánh rẽ từ tuyến đường the Darbuk–Shyok–Daulat Beg Oldi và dẫn tới thung lũng Galwan.

Ngày 24/5, phía Trung Quốc dựng trại ở 3 điểm: Suối nước nóng; Điểm tuần tra 14, và Điểm tuần tra 15. Tại mỗi điểm, khoảng 800-1.000 lính Trung Quốc dựng lều và triển khai các xe hạng nặng cùng thiết bị giám sát.

{keywords}
Ảnh: Anadolu Agency

5 thỏa thuận song phương Trung - Ấn nhằm giải quyết tranh chấp biên giới

1993: Thỏa thuận duy trì hòa bình và yên tĩnh dọc LAC ở các vùng biên Ấn - Trung.

1996: Thỏa thuận về các biện pháp xây dựng lòng tin trong lĩnh vực quân sự dọc LAC ở các vùng biên giới Ấn - Trung.

2005: Nghị định thư về các phương thức thực thi các biện pháp tạo dựng lòng tin trong lĩnh vực quân sự dọc LAC ở các khu vực biên giới Trung - Ấn.

2012: Thiết lập một cơ chế làm việc cho tham vấn và hợp tác về các vấn đề biên giới Trung - Ấn.

2013: Thỏa thuận hợp tác quốc phòng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Thanh Hảo 

Đụng độ dữ dội với quân TQ, 20 lính Ấn Độ thiệt mạng

Đụng độ dữ dội với quân TQ, 20 lính Ấn Độ thiệt mạng

Ít nhất 20 lính Ấn Độ đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ mới nhất giữa quân đội nước này với các lực lượng Trung Quốc ở thung lũng Galwan, khu vực đang tranh chấp giữa hai nước.

Trung Quốc-Ấn Độ đồng thuận giải quyết tranh chấp biên giới

Trung Quốc-Ấn Độ đồng thuận giải quyết tranh chấp biên giới

Chính quyền Bắc Kinh cho biết, hai bên Trung-Ấn đang tiến hành những giải pháp làm dịu tinh hình căng thẳng biên giới dựa trên sự đồng thuận.