- Quy định làm tròn điểm xét tuyển của thí sinh đến 0,25 đã khiến nhiều thí sinh có tổng điểm 3 môn cao hơn điểm chuẩn nhưng vẫn trượt trong cay đắng.

Điểm trúng tuyển từ trước nay vẫn được gọi là điểm chuẩn, theo nghĩa thí sinh đạt được mức điểm đó nghĩa là đã đỗ đại học. Tuy nhiên, năm nay với những quy định mới, điểm chuẩn dường như không còn "chuẩn" nữa.

Điểm chuẩn không còn "chuẩn"

Sau khi các trường công bố điểm trúng tuyển, đã xuất hiện những thí sinh có điểm thi cao hơn mức điểm chuẩn nhưng vẫn trượt.

Chẳng hạn thí sinh V.H.H. (TP.HCM) có điểm thi là 29,35 điểm nhưng vẫn trượt nguyện vọng vào ngành Y đa khoa của Trường ĐH Y dược TP.HCM, dù điểm chuẩn của ngành này là 29,25.

{keywords}
Quy định điểm chuẩn đang trở nên bất cập với mặt bằng điểm cao như năm nay (Ảnh: Lê Văn)

Nguyên nhân là do theo quy tắc làm tròn điểm, kết quả thi của H. được làm tròn là 29,25 điểm (em ở khu vực 3, và không thuộc đối tượng ưu tiên), bằng mức trúng tuyển của trường.

Tuy nhiên, theo quy định, nếu số lượng thí sinh có điểm bằng mức điểm chuẩn vượt quá chỉ tiêu thì trường sẽ áp dụng tiêu chí phụ để loại bớt thí sinh, đảm bảo chỉ tiêu.

Tiêu chí phụ ưu tiên số 1 mà Trường ĐH Y dược TP.HCM đặt ra là điểm môn ngoại ngữ từ 9 trở lên, nhưng H. chỉ đạt 8,8 điểm môn Tiếng Anh nên không đỗ.

H. cho rằng, nếu chỉ tính điểm gốc, chưa làm tròn thì điểm của em cao hơn mức điểm chuẩn của trường và em sẽ đỗ, nhưng vì làm tròn nên cuối cùng em lại trượt. Còn những bạn có điểm thi thật thấp hơn lại vẫn đỗ.

Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Đảm bảo chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết việc ở một số ngành lớn thí sinh có mức điểm xét tuyển bằng nhau rất nhiều là điều đã được dự đoán trước. Vì vậy, Bộ đã có hướng dẫn các trường đề xuất tiêu chí phụ là điểm 3 môn không làm tròn.

Rất nhiều trường đã đưa ra tiêu chí phụ này. Tuy nhiên, cũng có những trường không sử dụng tiêu chí phụ là điểm 3 môn chưa làm tròn mà thay vào đó là một tiêu chí phụ khác, như trường hợp của Trường ĐH Y dược TP.HCM là điểm môn Tiếng Anh.

"Đây là quyền tuyển sinh của trường, và không phải trường không có lý khi nói rằng họ chỉ cần ưu tiên điểm một môn nào đó hơn là chỉ chênh lệch nhau 0,2 điểm" - ông Nghĩa nói.

Trả lời câu hỏi của VietNamNet rằng liệu quy định làm tròn điểm tới 0,25 điểm có khiến thí sinh bị thiệt thòi hay không khi điểm thi thực của các em cao hơn điểm chuẩn mà vẫn không đỗ, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), cho rằng quy định này đã có từ nhiều năm nay và không có ý kiến gì khác từ thí sinh hoặc các trường.

"Ý kiến cho rằng việc làm tròn điểm không đảm bảo công bằng phản ánh thói quen tuyển sinh chỉ căn cứ vào điểm của một kỳ thi" - bà Phụng nói.

{keywords}
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2017 (Ảnh: Đỗ Quang Đức)

Theo bà Phụng, không thể khẳng định một thí sinh đạt 27,6 điểm đương nhiên giỏi hơn thí sinh 27,4 điểm trong học tập và trong các lĩnh vực khác của nghề nghiệp và cuộc sống.

"Hai thí sinh này chỉ hơn nhau ở một câu trắc nghiệm và đều được làm tròn thành 27,5. Nếu trường lấy tất cả các thí sinh từ 27,5 hoặc thấp hơn thì việc làm tròn điểm không ảnh hưởng gì" - bà Phụng lý giải.

Cần rút kinh nghiệm trong cách tính điểm xét tuyển?

Với mặt bằng kết quả thi cao như năm nay, quy định làm tròn đến 0,25 đã dẫn đến việc quá nhiều thí sinh có cùng một mức điểm, nhất là ở những ngành "hot". Việc các trường đã phải sử dụng rất nhiều tiêu chí phụ, có trường thậm chí có tới 4 tiêu chí phụ (như Trường ĐH Y Hà Nội) để loại bớt thí sinh cho thấy quy định làm tròn điểm rõ ràng đang ảnh hưởng tới thí sinh và việc xét tuyển.

Chẳng hạn trường hợp thí sinh có điểm thi là 26,9 và 27,1 đều bị quy về cùng một mức là 27, xét như nhau. 

Trong trường hợp trường lấy mức điểm chuẩn là 27 điểm và số thí sinh có cùng 27 điểm nhiều hơn chỉ tiêu, các trường phải xét thêm tiêu chí phụ. Và thí sinh 27,1 điểm có thể bị trượt vì tiêu chí phụ còn thí sinh 26,9 điểm thì vẫn đỗ. 

Trong khi nếu chỉ xét điểm thực thì thí sinh 27,1 điểm chắc chắn đỗ chứ không phải thí sinh 26,9 điểm.

Lãnh đạo một trường ĐH phân tích nếu như điểm chỉ làm tròn đến 2 chữ số thập phân, từ 29-30 chúng ta có 100 ô, từ 29,01 đến 30. Còn khi quy tròn về 0,25 thì chúng ta chỉ có 4 ô là 29,25, 29,5, 29,75 và 30 điểm. "Một trăm thí sinh ở 100 ô thì chắc chắn là ít hơn 100 thí sinh chỉ đứng ở 4 ô" - vị này phân tích.

Mức độ tập trung các thí sinh có cùng một mức điểm cao vào cùng một ngành rất lớn nên việc "lấy tất" là không thể. Vì vậy, quy định này sẽ dẫn đến hiện tượng có nhiều thí sinh điểm thi cao hơn nhưng lại trượt, trong khi thí sinh điểm có thể thấp hơn nhưng lại đỗ như trường hợp của em H. ở Trường ĐH Y dược TP.HCM nói trên.

Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết với việc điểm thi quá cao như năm nay thì việc lọc ảo là không khó, nhưng trường đã phải cân nhắc rất nhiều tiêu chí phụ vì số thí sinh đồng điểm rất lớn.

"Điểm cao thì thí sinh rất vui và có nhiều hi vọng nhưng về mặt tuyển sinh là không nên vì các trường mong có sự phân hoá rõ rệt để có thể lựa chọn thí sinh đúng chất lượng".

Trong khi đó, PGS. TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, cần phương án xét tuyển bàn kỹ hơn và rút kinh nghiệm về thang điểm trong xét tuyển và cách tính điểm xét tuyển để sang năm hoàn thiện đề án, quy chế.

Lê Văn