- Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp đầu năm, thu ngân sách Nhà nước năm 2016 tiếp tục gặp nhiều khó khăn do giá dầu thô xuống thấp. Mục tiêu thu ngân sách hơn 1 triệu tỷ đồng sẽ không dễ dàng.

Trong phiên giao dịch ngày 26/5, giá dầu Brent tăng 56 cent, lên 50,30 USD/thùng, sau khi đạt mức cao nhất gần 7 tháng qua là 50,71 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Mỹ (WTI) cùng thời điểm tăng 48 cent, lên 50,04 USD/thùng, sau khi đạt mức 50,21 USD/thùng, cao nhất từ giữa tháng 10/2015.

Việc giá dầu bật tăng trên 50 USD/thùng đang được xem là tín hiệu tích cực cho ngân sách quốc gia, khi nhiều tháng qua, giá dầu chỉ ở quanh mức 30 USD/thùng.

{keywords}

Đóng góp từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có mở rộng đầu tư mạnh ra quốc tế như Viettel sẽ là chỗ dựa quan trọng cho ngân sách quốc gia.

Năm 2015, giá dầu giảm mạnh (từ 100 USD xuống 56,2 USD/thùng đến gần cuối năm) là bài toán đau đầu của ngân sách vì khoản thu từ nguồn này chỉ bằng 67% so với dự toán. Tuy nhiên, tổng thu ngân sách cả năm vẫn đạt gần 1 triệu tỷ đồng (tăng 86.000 tỷ đồng so với dự toán).

Theo báo cáo của Chính phủ, việc thu ngân sách vẫn vượt mức dự kiến vì nguồn thu sử dụng đất tăng mạnh, bằng gần 140% so với dự toán. Đặc biệt, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam có giá trị nộp ngân sách cao, cá biệt có trường hợp tăng rất mạnh là điểm sáng trong bức tranh ngân sách 2015.

Theo bảng xếp hạng V1000 năm 2015 của 1.000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất Việt Nam, con số nộp thuế trong năm 2014 đã là 80.000 tỷ đồng. Riêng top 100 doanh nghiệp đứng đầu đóng góp khoảng hơn 50.000 tỷ đồng.

Năm 2014 và 2015, Viettel đều là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về đóng góp ngân sách Nhà nước. Năm 2014, Viettel đóng 15.000 tỷ đồng, bằng 1/3 tổng số thuế thu được từ 100 doanh nghiệp đứng đầu. Đến năm 2015, đóng góp của Viettel cho ngân sách nhảy vọt lên mức 37.300 tỷ đồng (gần 1,7 tỷ USD), gấp 2,5 lần.

Năm 2016, Chính phủ đặt mục tiêu thu ngân sách khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với dự toán và 14% ước thực hiện của năm 2015. Đây là lần đầu tiên thu ngân sách của Việt Nam đặt kế hoạch vượt con số 1 triệu tỷ đồng, tương đương 20% GDP dự báo của năm 2016.

Chính phủ dự kiến tỉ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước trên GDP giai đoạn 2016 - 2020 bình quân khoảng 21,8% GDP, trong đó huy động từ thuế và phí khoảng 20,2% GDP.

Quy mô thu ngân sách nhà nước giai đoạn này gấp khoảng 1,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, trong đó quy mô thu nội địa (chưa bao gồm thu từ sử dụng đất) tối thiểu gấp 2 lần; đồng thời nâng dần tỷ trọng thu nội địa đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu ngân sách nhà nước.

Theo đó, cơ cấu thu dự kiến sẽ chuyển dịch theo hướng tỷ trọng các nguồn thu nội địa tăng lên cùng với quá trình nâng cao chất lượng và hiệu quả tăng trưởng của nền kinh tế; tỷ trọng thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu giảm xuống.

Trong khi đó, từ đầu năm 2016, Bộ Tài chính đã dự báo thu ngân sách năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn do giá dầu thô vẫn chưa hồi phục, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) nên cắt giảm nhiều loại thuế.

Các chuyên gia kinh tế cũng có cùng chung nhận định với Chính phủ về điểm tựa của nguồn thu của ngân sách năm 2016 cũng như trong tương lai. Các chuyên gia của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trong báo cáo kinh tế thường niên 2016 cũng nhận định: “Nguồn thu ngân sách từ các khoản ngắn hạn như nhà đất, thuế, phí tăng nhanh để đáp ứng vào nhu cầu chi của ngân sách, do đó, phụ thuộc rất lớn vào chính sức khỏe của nền kinh tế trong nước cũng như đóng góp thuế từ các doanh nghiệp lớn”.

Trong khi đó, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cũng nhận định, các nền kinh tế trên thế giới đều trông vào doanh nghiệp để thu ngân sách. Ở Việt Nam, khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều khó khăn thì nguồn thu từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có kết quả kinh doanh tốt, thậm chí mở rộng ra nước ngoài như Viettel sẽ là chỗ dựa quan trọng cho ngân sách quốc gia.

Nguyễn Long