Chiều 19/9, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Trung ương và Vụ KHCN và Môi trường đã tổ chức Tọa đàm “Phát huy vai trò của KHCN trong xây dựng nông thôn mới” nhằm đánh giá, phân tích kết quả đóng góp của KHCN trong xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua và giải pháp định hướng cho giai đoạn tới.

10 năm qua, KHCN đóng vai trò tích cực trong xây dựng nông thôn mới 

Trong báo cáo đề dẫn, GS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm chương trình KHCN phục vụ xây NTM nhấn mạnh,  thành tựu to lớn có tính bước ngoặt lịch sử của xây dựng nông thôn mới 10 năm qua là sự khẳng định vai trò đóng góp của Chương trình khoa học và công nghệ. 

Tuy nhiên GS Tuấn Anh cho rằng, không thể nhận ra những giá trị thực tế, những bài học kinh nghiệm thiết thực của Chương trình này nếu chỉ đánh giá một cách khái quát như vậy. Cần đi sâu phân tích để làm rõ hơn những đóng góp và bài học quý báu đó. Để nói về vai trò của khoa học và công nghệ đối với xây dựng nông thôn mới cần bao quát toàn bộ mọi hoạt động khoa học và công nghệ cả nước trước và trong 10 năm qua.

Chiều 19/9, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Trung ương và Vụ KHCN và Môi trường đã tổ chức Tọa đàm “Phát huy vai trò của KHCN trong xây dựng nông thôn mới”.

Đến nay Chương trình KHCN phục vụ NTM đã được hầu hết các tổ chức KHCN lớn của cả nước tham gia. Trong đó có 02 Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ và Khoa học Xã hội, 2 trường Đại học Quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; thu hút 36 doanh nghiệp, HTX và nông dân trên cả nước trực tiếp tham gia.

Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM cũng đã triển khai được nhiều nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm. Trong đó, phải kể đến các mảng nghiên cứu tiêu biểu, giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, kết nối hài hòa nông thôn - đô thị;

Hay thúc đẩy cơ cấu lại ngành, liên kết chuỗi bền vững; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; phát triển đời sống văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan và không gian sống tốt ở nông thôn…

Cũng theo GS. TS Nguyễn Tuấn Anh, chương trình KHCN giai đoạn II còn tập trung nghiên cứu những vấn đề mới trong xây dựng NTM bền vững như: dịch chuyển lao động, tạo việc làm tại chỗ; phát triển kinh tế tập thể; sản phẩm OCOP; nông nghiệp số, xây dựng NTM thông minh; làng nông thuận thiên; NTM ven đô…

Đến nay, với hơn 200 quy trình và giải pháp công nghệ, 1.735 công trình kỹ thuật, máy móc, thiết bị được chuyển giao, Chương trình KHCN thể hiện được những tác động thiết thực đến kết quả xây dựng NTM thông qua việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế nông nghiệp.

Một số bài học kinh nghiệm được trao đổi, thảo luận...

Tại toạ đàm một số bài học kinh nghiệm cũng đã được trao đổi, thảo luận rất sôi nổi.

Là đơn vị trực tiếp hưởng thụ từ các dự án của chương trình, Hồ Sỹ Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn (Nghệ An) chia sẻ: Việc ứng dụng KHCN vào chương trình xây dựng NTM tại Nam Đàn đã có nhiều kết quả nổi trội như: mô hình rau dưa lưới tại xã Kim Liên có hiệu quả, mô hình gà trọi, mô hình hồng; sen… Nam Đàn cũng đã có những sản phẩm OCOP về lĩnh vực du lịch từ đó góp phần thay đổi bộ mặt cảnh quan nông thôn, đời sống người dân được cải thiện.

Cho rằng, sự gắn kết của chương trình KH – CN với chương trình NTM cần có sự chặt chẽ hơn trong giai đoạn sau, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường khuyến nghị, sản phẩm KH- CN phải xuất phải từ nông nghiệp, người dân có sự tham gia của các nhà khoa học phải gắn với thực tiễn người dân cần gì? Cần có sự kế thừa cũng như sự vào cuộc của người dân. Đặc biệt tính xã hội hóa, bền vững của các sản phẩm do các doanh nghiệp cần quan tâm hơn.  Trong thời gian tới, để thực hiện tốt chương trình Bộ Nông nghiệp Nông thôn cần lựa chọn được những giải pháp để mang lại được mục tiêu của chương trình trên tất cả các lĩnh vực từ thể chế, đến lý luận. Tôi đề nghị văn phòng Điều phối NTM TW nên có những hội thảo, chuyên gia nhóm, chúng ta khảo sát được những kế thừa phục vụ cho chương trình từ cấp xã trở lên. 

Còn bà Vi Thanh Hoài – Phó Cục trưởng, Cục Văn Hóa cơ sở - Bộ Văn hóa cho rằng, trong giai đoạn tới chúng ta cần khắc phục những hạn chế đưa ra từ giai đoạn trước, những vấn đề mang tính chất liên ngành cần phát huy mức độ hiệu quả hơn. Cần xác định xây dựng nông thôn mới phải gắn với văn hóa địa phương. Qua đó vấn đề bảo vệ môi trường, cảnh quan nông thôn cần phải có những đề tài nghiên cứu sâu, nâng cao ý thức người dân hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, phát huy hệ thống cơ sở vật chất văn hóa của địa phương. 

3 mục tiêu cần tập trung

Từ các ý kiến trao đổi, thảo luận tại toạ đàm, Ông Ngô Trường Sơn, Chánh VP Điều phối NTM Trung ương cho biết, chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM sẽ tập trung vào 3 mục tiêu đó là: 

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời đề xuất được các giải pháp khoa học, công nghệ phục vụ phát triển nền nông nghiệp có trách nhiệm theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; giải pháp tổng hợp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và cảnh quan nông thôn… 

Và Xây dựng và nhân rộng được các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn phù hợp với điều kiện đặc thù, phát huy được thế mạnh của từng địa phương, vùng, miền trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, thúc đẩy liên kết sản xuất và phát triển thị trường theo chuỗi giá trị nhóm sản phẩm chủ lực.

"Để thực hiện được các mục tiêu trên, Chương trình cũng sẽ tập trung vào các nội dung, Nghiên cứu hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách; giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn bền vững; Xây dựng các mô hình nông thôn mới trên cơ sở ứng dụng các giải pháp KHCNđể phát triển kinh tế, xã hội; Thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức xã hội và quảng bá thành tựu khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM" Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương cho biết thêm.

Hằng Linh