Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hiện mắc trong một bế tắc ngoại giao ngày càng nghiêm trọng song sự kình địch lớn dần giữa hai người lại đối lập với những điểm tương đồng về cá nhân giữa cả hai, các nhà phân tích cho biết.


{keywords}

Nổi lên trong hai hệ thống chính trị khác nhau, cả hai đều là con trai của các chính trị gia hàng đầu, đều vấp phải những trở ngại lớn về chính trị hoặc nhân thân và đều có tầm nhìn ái quốc cho tương lai.

Sự tương đồng về quan điểm là nền tảng cho các chương trình nghị sự kinh tế và dân tộc của cả hai nhà lãnh đạo này. Ông Tập Cận Bình và Shinzo Abe đều tìm cách làm trẻ hóa đất nước mình lãnh đạo, hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới.

Willy Lam, chuyên gia chính trị tại Đại học Trung Quốc ở Hong Kong nhận xét: "Tôi cho rằng những đặc điểm tính cách và bối cảnh lịch sử tương đồng đó đều quan trọng vì với cả ông Tập Cận Bình và Abe, chủ nghĩa dân tộc là sức mạnh lớn mà họ có thể khai thác để củng cố vị trí".

Chuyến thăm ngôi đền Yasukuni (thờ một số quan chức cấp cao của Nhật từng bị kết tội tội phạm chiến tranh sau Thế chiến 2) gây tranh cãi của ông Abe là căng thẳng mới nhất giữa hai nước sau khi Bắc Kinh công bố vùng nhận diện phòng không ở không phận bao trùm lên cả quần đảo đang tranh chấp với Nhật.

Cả ông Abe và Tập Cận Bình đều lên nắm quyền vào cuối năm 2012, ông Tập được bầu làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc còn ông Abe đắc cử Thủ tướng Nhật.

Ông Tập Cận Bình thúc đẩy cái ông gọi là "Giấc mơ Trung Quốc" và từng đề cập tới "sự phục hưng mạnh mẽ của nước Trung Quốc". Nhà lãnh đạo này thề sẽ theo đuổi một quân đội mạnh hơn nữa, cải tổ mô hình phát triển kinh tế lỗi thời và quét sạch nạn tham nhũng ở đảng cầm quyền.

Trong khi đó, ông Abe thề sẽ trẻ hóa nền kinh tế suy tàn đã lâu của Nhật sau cái gọi là "những thập niên đã mất", sửa đổi hiến pháp từ bỏ quyền phát động chiến tranh và có quan điểm lạc quan hơn về quá khứ của đất nước

Ông Tập, 60 tuổi, "quý tử" của một anh hùng cách mạng, lớn lên trong bối cảnh rối loạn kinh tế, chính trị và xã hội đang diễn ra ở Trung Quốc. Ông Tập phải chứng kiến cha bị bắt giam trong đại cách mạng văn hóa và bị đưa về nông thôn để lao động. Bất chấp quá khứ phức tạp, ông Tập vẫn tôn kính Mao Trạch Đông

Ông Shinzo Abe, 59 tuổi, cũng là người có dòng dõi quý phái, là con trai của một Ngoại trưởng và cháu trai của Bộ trưởng Công nghiệp thời chiến của Nhật, người từng bị bắt giam khi Mỹ chiếm đóng nước này.

Trung Quốc có một quân đội lớn nhất thế giới và ông Tập mới đây đã đi kiểm tra tàu sân bay đầu tiên của nước này trong khi giám sát việc tăng ngân sách quốc phòng chính thức. Trong khi đó, ông Abe, đang tìm cách tăng chi tiêu quân sự lần đầu tiên trong nhiều năm, cũng đội mũ bảo hiểm, bước lên xe tăng.

Katsuhiko Meshino, nhà báo kỳ cựu của báo Nikkei, Nhật đã nêu bật chuyến thăm bảo tàng Mao Trạch Đông của ông Tập và chuyến viếng đền Yasukuni của ông Abe đã bị chỉ trích như thế nào. "Ông Abe và Tập Cận Bình đều phớt lờ những quan điểm chỉ trích về những chương nhất định trong lịch sử quốc gia và đều nhấn mạnh suy nghĩ của riêng mình về lịch sử".

Cho tới giờ, cuộc gặp duy nhất giữa ông Abe và Tập Cận Bình là cuộc gặp ngắn bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nga hồi tháng 9 năm ngoái. 

  • Hoài Linh (Theo Asia1)