Những bộ phim “thảm họa” và vụ nổ chết người gây rúng động xã hội dường như có mối liên hệ chung: lối làm ăn cẩu thả của điện ảnh Việt.
Phát hiện thêm vật liệu nổ tại nhà ông Phương 'khói lửa'
Tại nạn 10 người chết: Giám đốc "Phương khói lửa" là ai?
Sao Việt "không dám tin" về vụ nổ Phương "khói lửa"
Một cảnh cháy nổ trong phim Việt. Ảnh: Lữ Đắc Long |
Nửa đêm về sáng ngày 24/2, trong một con hẻm bình yên ở quận 3, TP.HCM, một tiếng nổ khủng khiếp phát ra từ nhà ông Phương “khói lửa”, người chuyên phụ trách các cảnh cháy nổ cho phim Việt, giật sập 4 căn nhà liền kề, giết chết 11 người, trong đó có ông và gia đình ông.
Tiến hành khám xét hiện trường vụ nổ và lục soát hai địa chỉ khác mà ông Phương thuê mướn trong thành phố, cơ quan chức năng còn phát hiện hàng chục thùng vật liệu nổ, các chất nghi gây nổ khác và rất nhiều loại súng, đạn.
Câu chuyện khiến người ta ngỡ ngàng tự hỏi: Lẽ nào những thứ gây sát thương chết người ấy, bất chấp một hệ thống văn bản pháp lý hùng hậu để quản lý và cho phép sử dụng vật liệu nổ, lại đã từng được vận chuyển tới lui một cách âm thầm và tự do ngay trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta?
Phải chăng vì nó phục vụ cho mục đích nghệ thuật mà người ta trở nên lơ là, không hay biết nó thường được đem ra khỏi phim trường hoặc nơi cất giữ theo quy định để về tàng trữ ngay trong khu dân cư?
Thật khó hình dung được chuyện này lại xảy ra trong những lĩnh vực dân sự khác, nên người ta dễ đi đến cảm nhận rằng, sự dễ dãi này chỉ có thể xảy ra đối với…điện ảnh Việt. Nơi mà nhiều năm qua, quân đội và công an luôn dành sự hỗ trợ ưu ái để thực hiện những thước phim cháy nổ ca ngợi sức chiến đấu quả cảm và lao động gian lao của quân và dân, trong và sau chiến tranh.
Sự ưu ái hôm nay đã thành nỗi thất vọng. Cả xã hội có thể hiểu và thông cảm cho rất nhiều khó khăn, vất vả của người nghệ sĩ trên phim trường. Nhưng không điều gì có thể biện minh cho lối làm ăn cẩu thả.
Và sự cẩu thả dường như đã vượt ra ngoài phạm vi trách nhiệm công việc để chạm tới ranh giới đạo đức, bằng hành động mang thuốc nổ vào khu dân cư để rồi dẫn tới cái chết cho bản thân, người thân và những người cư dân vô tội khác.
Biết bao lần điện ảnh Việt đã gây thất vọng cho khán giả bỏ đồng tiền chắt chiu mua chiếc vé vào xem phim Việt, để cuối cùng phải chịu đựng những bộ phim “tiệm cận điện ảnh”, “phim truyền hình chiếu màn ảnh rộng”…Chúng chỉ có thể là sản phẩm của của lối làm việc đầy dễ dãi, hời hợt và cẩu thả trên phim trường. Kết quả là hôm nay, “thảm họa màn ảnh” đã hiển lộ thành tai họa thực tế.
Người ta có thể tranh cãi và đổ lỗi một bộ phim dở là do tài năng chưa tới. Nhưng sự cẩu thả chắc chắn là kết quả của phong cách làm việc rất kém chuyên nghiệp. Nhìn từ góc độ này, vụ nổ kinh hoàng chính là bài học cảnh tỉnh cho các nhà làm phim Việt.
Bài học này không phải chỉ đem ra để sốc lại tinh thần làm việc chuyên nghiệp trên phim trường. Mà hơn thế, còn là một yêu cầu nhận thức lại thế nào là chuyên nghiệp.
Đã đến lúc các phim trường Việt rà soát lại đội ngũ làm phim, từ nhân viên, kỹ thuật viên đến các chuyên gia, được đào tạo hay chưa được đào tạo, sự hiểu biết, nghiên cứu và kinh nghiệm dừng ở phạm vi nào, đã làm đúng vị trí của mình hay chưa….Không thể cứ mãi gọi một người là chuyên nghiệp chỉ bởi người đó đã từng cho ra nhiều kết quả dựa trên những dò dẫm cá nhân.
Minh Chánh
Quý độc giả có thể phản hồi đến cho người viết theo địa chỉ minhchanh.dang@vietnamnet.vn