Theo thống kê, toàn tỉnh Điện Biên hiện có khoảng 60.220 hộ chăn nuôi lợn quy mô 1 - 30 con; 2 cơ sở quy mô 100 - 300 con; 3 cơ sở quy mô từ 300 - 3.000 con. Việc áp dụng phương thức chăn nuôi an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở các trang trại quy mô vừa và lớn.

Hầu hết hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, chuồng trại xây dựng không theo mẫu, quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật.

Đa phần người dân còn lơ là về bố trí khu vực nuôi cách ly con giống, yêu cầu về cự ly với chuồng trại chính... do thói quen nuôi theo kinh nghiệm nên khi bị “khép” vào những quy định bắt buộc thì lúng túng.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Bên cạnh đó, người tiêu dùng không có điều kiện để xác định sản phẩm sạch hay không sạch nên đã đổ đồng giá mua làm cho người chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học gặp khó khi sản xuất theo tiêu chuẩn chi phí tăng cao hơn chăn nuôi truyền thống.

Do đó cần có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi để tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong đó có chăn nuôi an toàn sinh học.

Để ngăn ngừa dịch bệnh lở mồm long móng và các dịch bệnh dễ lây lan khác, Điện Biên khuyến khích các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi triển khai xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, phát triển chăn nuôi hướng an toàn sinh học, ngành thú y tỉnh đã khuyến khích các trang trại gia trại và hộ chăn nuôi triển khai xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.

Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi Thú y tỉnh thông tin: Chăn nuôi an toàn sinh học  là việc áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa vật nuôi và mầm bệnh, bảo đảm cho vật nuôi khỏe mạnh và không bị dịch bệnh...

Khi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học thì sức đề kháng của lợn với các mầm bệnh truyền nhiễm sẽ cao hơn, lợn khỏe mạnh, sức tăng trưởng, tăng trọng tốt hơn.

Thực tế hơn 2 năm qua, phần lớn các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học đều không bị nhiễm bệnh dịch, đàn lợn phát triển ổn định.

Về lâu dài, giải pháp này còn giúp người chăn nuôi phòng ngừa nhiều loại bệnh dịch khác trên vật nuôi.

Ông Mỹ cho biết thêm, ngành chăn nuôi tỉnh Điện Biên, luôn thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, khống chế dịch bệnh hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, từ đó tạo môi trường an toàn cho người chăn nuôi đầu tư tái sản xuất.

Chủ động phát hiện, xử lý các trường hợp lợn không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch từ các tỉnh bị dịch vào địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, chú trọng hướng dẫn kỹ thuật cho các cơ sở chăn nuôi lợn áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở chăn nuôi, nhất là tái đàn, tăng đàn, kiên quyết không thực hiện tái đàn đối với những cơ sở chăn nuôi không bảo đảm các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.

Thực hiện chuyển đổi con nuôi đối với các cơ sở chăn nuôi lợn không đủ điều kiện để tái đàn.

Tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý con giống, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất lợn giống trên địa bàn tăng cường nhân giống, cung ứng con giống có chất lượng, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi để thực hiện tái đàn, tăng đàn.

Trang trại chăn nuôi lợn Đức Tài, xã Sam Mứn (Điện Biên) là điển hình của việc chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định.

Trang trại có 60 con lợn lái. Từ đầu năm đến nay, khi các ổ dịch xuất hiện tại nhiều nơi, đàn gia súc của trang trại vẫn an toàn. Để làm được điều đó, chủ trang trại đã tuân thủ triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Theo đó, giữ đàn lợn trong môi trường được bảo vệ nghiêm ngặt; chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý tốt, tạo sức khỏe và sức đề kháng cho đàn lợn; kiểm soát chặt chẽ khu vực chăn nuôi từ các khâu diệt côn trùng, sát trùng khu vực chăn nuôi ít nhất 2 lần/ngày.

Đàn lợn được nuôi trên đệm lót sinh học, giúp giảm thiểu mùi hôi, tiết kiệm công vệ sinh chuồng trại, loại bỏ các loại vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh… Chất thải chăn nuôi được tập trung đúng nơi quy định, xử lý sinh học để tạo thành các loại phân hữu cơ bón cây.

Minh Phúc