Báo cáo tổng kết cho hay, sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến hết ngày 30/6/2019, tỉnh Điện Biên đã công nhận 22 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (18 xã đạt chuẩn và 4 xã cơ bản đạt chuẩn) vượt chỉ tiêu 15 xã do Thủ tướng Chính phủ giao; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 19%, đạt gần 63% so với mục tiêu Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn mới ước đạt 18,5 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, toàn tỉnh không còn xã dưới 5 tiêu chí, số tiêu chí bình quân đạt 9,8 tiêu chí/xã. Tổng nguồn vốn để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sau 10 năm là khoảng 15.000 tỷ đồng.

Huyện Điện Biên là địa phương đi đầu trong toàn tỉnh về chương trình xây dựng nông thôn mới. Sau 10 năm triển khai, toàn huyện Điện Biên đã có 13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiểm 52% số xã đạt chuẩn nông thôn mới của toàn tỉnh).

{keywords}
Điện Biên đạt nhiều thành tựu đáng kể trong xây dựng Nông thôn mới

Theo Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Nguyễn Hữu Khởi, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, huyện Điện Biên đã tích cực tuyên truyền từ thôn bản, hộ dân đến cấp xã. Ban Chỉ đạo cấp huyện tiến hành quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao phù hợp với thế mạnh từng vùng, đồng thời chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu một số nông sản, thực phẩm chủ lực; tập trung phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị…

Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh -  Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Điện Biên đánh giá, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, mặc dù Điện Biên đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, song bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; Có lúc, có nơi còn biểu hiện hình thức; Chưa có nhiều cách làm chủ động, sáng tạo tại các xã đặc biệt khó khăn.

Một số xã sau khi đạt chuẩn nông thôn mới có tư tưởng bằng lòng, thỏa mãn, không quyết liệt trong chỉ đạo nên đến nay chưa có xã nào đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng thiết yếu tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn thiếu rất nhiều, việc huy động các nguồn lực đầu tư cho thực hiện Chương trình còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Hiện nay tỷ lệ hộ đói nghèo bình quân toàn tỉnh vẫn còn ở mức cao, đời sống nông dân tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vùng biên giới;...

Trong thời gian tới, Điện Biên sẽ đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng và xét công nhận thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí của UBND tỉnh đã ban hành; nâng cao số tiêu chí tại các xã ở các huyện khó khăn để giảm chênh lệch giữa các vùng; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; giải quyết tốt vấn đề thu gom, xử lý rác thải tại nông thôn; thực hiện xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, nâng cao về chất đối với thôn bản, xã sau khi đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế, thế mạnh của từng địa phương; thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, thâm canh cao; uu tiên nguồn lực hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở cấp thôn bản, các xã vùng khó khăn, biên giới.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu, đến hết năm 2020 có 35 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, 1 – 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; số tiêu chí bình quân đạt 11,3 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân đạt 18,9 triệu đồng/người/năm.

Bài: Nguyễn Thị Hà Sơn - nhóm PV
Ảnh: Phạm Duy Linh - nhóm PV