Những năm qua, công tác thông tin, truyền thông được tỉnh Điện Biên thực hiện quyết liệt nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy của cán bộ, người dân để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

UBND tỉnh đã giao cơ quan thường trực chương trình chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện, các cơ quan truyền thông truyền tải về các thông điệp về phát triển bền vững, phát huy vai trò của cộng đồng và cán bộ cơ sở, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những gương người tốt, việc tốt trong việc đóng góp hoàn thành nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia.

W-20240412_144214.jpg
Diện mạo nông thôn mới tỉnh Điện Biên thay đổi từng ngày. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Văn phòng Điều phối nông thôn mới) đã phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí thực hiện tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tác động tích cực đến nhận thức của cán bộ các cấp và người dân.

Thường xuyên cập nhật, tin tức, kết quả, văn bản, quy định hướng dẫn về về xây dựng nông thôn mới trên trang thông tin điện tử Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh tại địa chỉ http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn với lượng truy cập hơn 6 nghìn lượt người/tháng và Trang thông tin điện tử OCOP Điện Biên tại địa chỉ http://ocop.dienbien.gov.vn trung bình hơn 4 nghìn lượt người/tháng.

Xác định hạ tầng đóng vai trò quan trọng cũng như truyền thông nông thôn mới, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 1884/STTT-KHTC (14/1/2022) hướng dẫn thực hiện các nội dung thông tin và truyền thông thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 – 2025, ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp thuộc ngành (doanh nghiệp bưu chính, viễn thông) ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng tại vùng sâu, vùng xa, miền núi góp phần thực hiện nội dung về xã có điểm phục vụ bưu chính, xã có dịch vụ viễn thông, Internet thuộc Tiêu chí số 8 thông tin và truyền thông; chỉ đạo các doanh nghiệp mở rộng vùng cung cấp dịch vụ viễn thông, đảm bảo chất lượng ổn địnhcác dịch vụ tại các xã thuộc huyện Mường Ảng, Mường Nhé, Điện Biên Đông…

Đến tháng 11/2023, có 22/115 xã đạt Tiêu chí số 08 về thông tin và truyền thông, chiếm 19,1% tổng số xã, tăng 4 xã so với năm 2022, đạt 19,6% kế hoạch giai đoạn. 

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đề ra 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2023, kế hoạch đề ra 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; theo đó đến tháng 11/2023 có 1 xã là xã Lay Nưa (thị xã Mường Lay) đạt Tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông.

Ngành thông tin và truyền thông cũng tăng cường thiết lập cụm thông tin điện tử công cộng phục vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại tại cửa khẩu biên giới. Tăng cường cơ sở vật chất cho đài truyền thanh xã. Riêng năm 2023, thiết lập mới 8 đài truyền thanh xã, nâng cấp, mở rộng cụm loa 41 đài, đạt 97.8% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có hệ thống đài truyền thanh hoạt động phục vụ tốt cho công tác thông tin, truyền thông và quản lý, điều hành tại địa phương. 

Cũng trong năm 2023, tỉnh tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nâng cao kỹ năng trong quản lý và công tác thông tin, tuyên truyền cho cán bộ làm công tác thông tin, tuyên truyền với khoảng hơn 100 người tham dự. 

Các địa phương trong tỉnh thực hiện công tác truyền thông một cách bài bản, đa dạng, phong phú, đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức. Ngoài tuyên truyền qua các hội nghị, hội thảo còn tổ chức dưới các hình thức khác như các hội chợ, triển lãm, lớp tập huấn, bồi dưỡng, phát động các phong trào thi đua, các cuộc thi văn nghệ, sáng tác thơ ca, ca khúc, truyện, kịch… về nông thôn mới.

Bên cạnh đó, tuyên truyền còn đi liền với giám sát và phản ánh thực tế xây dựng nông thôn mới của các địa phương; kịp thời ghi nhận, biểu dương, động viên, khích lệ những tập thể, cá nhân tiêu biểu, những cách làm hay, sáng tạo tại mỗi đơn vị, mỗi khu dân cư, cũng như kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc... Từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới

Thời gian tới, tỉnh Điện Biên tiếp tục tăng cường công tác hướng dẫn, phối hợp giữa Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị, địa phương có liên quan để thực hiện các nội dung thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông trong công tác xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, định hướng chuyển đổi số trong nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng; tăng cường tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, kiến thức công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho lãnh đạo cấp xã, các cán bộ, công nhân viên chức và triển khai mô hình học trực tuyến mở đại trà để phổ cập kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số cho nhân dân. 

Tiếp tục làm tốt, hướng dẫn các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở thuộc tỉnh tăng cường thông tin, truyền thông rộng rãi nội dung và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, các địa phương về xây dựng nông thôn mới đến các tầng lớp nhân dân. Đẩy nhanh việc thiết lập mới đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông; từng bước chuyển đổi đài truyền thanh hữu tuyến có dây/FM hư hỏng, xuống cấp; không còn hoạt động sang công nghệ thông tin – viễn thông…