Nhận thấy địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp chất lượng cao, hai năm nay từ các thông tin góp nhặt trên mạng xã hội, trên truyền hình, chị Bùi Thị Quỳnh (trú tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã cải tạo đất trồng trên diện tích đất nông nghiệp của gia đình chuyển sang trồng dâu tây.
Các kỹ thuật trồng trọt, lựa chọn giống cây, làm đất và chăm sóc cây dâu tây đòi hỏi kỳ công, tỉ mỉ. Nhờ có thông tin trên các chương trình hướng dẫn ở tivi, đài truyền thanh và trên mạng internet, chị Quỳnh và gia đình mạnh dạn chuyển 4000m2 đất sang hướng canh tác mới.
Khi dâu tây cho trái thu hoạch, chị tự tìm nguồn đầu ra cho sản phẩm. Thông qua mạng xã hội, nhiều khách hàng tìm tới sản phẩm của gia đình cũng như họ muốn vào tham quan vườn.
Từ đó, gia đình chị Quỳnh mở rộng nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch nông nghiệp. Khách tới vườn vừa được trải nghiệm hái dâu, vừa được thưởng thức sản phẩm nông nghiệp sạch.
So với 10 năm trước, mô hình này đã giúp gia đình chị Quỳnh phát triển kinh tế gia đình. Người phụ nữ này mừng rỡ vì mô hình của mình cũng được nhiều người học hỏi làm theo.
Gia đình ông Hạng A Chư (trú tại Sín Chải, Tủa Chùa, Điện Biên) đang phát triển vườn chè shan tuyết cổ thụ của gia đình theo hướng nông nghiệp kết hợp du lịch.
Nhiều bạn trẻ tìm tới gia đình thưởng thức cũng như tham quan vườn trà. Ông Chư cho biết, theo xu hướng chung, người dân đã tìm tới các mô hình làm du lịch kết hợp với sản xuất nông nghiệp.
Nắm được lợi thế của vườn chè shan tuyết cổ thụ, ông Chư đã quảng bá sản phẩm của gia đình, của địa phương tới du khách.
Để có được sự phát triển như hôm nay, theo ông Chư, mạng viễn thông đã đóng góp rất tích cực. Ngoài các thông tin về chính sách của Trung ương, của tỉnh và địa phương, ông Chư cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm làm du lịch trải nghiệm và quảng bá sản phẩm nông nghiệp của gia đình mình tới cộng đồng cả nước. 'Xóa đói giảm nghèo' thông tin đã giúp những người Mông ở Tủa Chùa tự vươn lên thoát nghèo.
Xác định rõ vai trò của hạ tầng viễn thông là đòn bẩy then chốt trong chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần tích cực vào nhu cầu thông tin liên lạc, giải trí của người dân.
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên, tổng số thuê bao điện thoại tính đến tháng 6/2023 ước đạt hơn 548.000 thuê bao, đạt 84 thuê bao di động/100 dân.
Sóng thông tin di động (3G, 4G) được phủ đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn và 95% khu vực có dân cư sinh sống.
Hạ tầng truyền dẫn cáp quang được kéo đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn và 93% cấp thôn, bản; tổng số thuê bao internet băng rộng cố định tính đến tháng 6/2023 ước đạt hơn 63.000 thuê bao, đạt 46% hộ gia đình có kết nối internet.
Số thuê bao internet/100 dân đạt 78,6; tỷ lệ người sử dụng internet đạt 71,5%.
Hiện nay, toàn tỉnh Điện Biên còn khoảng 11.000 hộ (chiếm 8%) chưa được sử dụng điện lưới quốc gia; 30% người dân không có điện thoại thông minh, 94 bản chưa có dịch vụ tối thiểu di động từ 2G trở lên, 165 bản chưa có dịch vụ internet băng rộng cố định (cáp quang); tỷ lệ hộ nghèo chiếm 30,35%.
Tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm gần 83% dân số toàn tỉnh, trình độ dân trí không đồng đều nên công tác giảm nghèo thông tin để người dân tiếp cận với các thiết bị hiện đại còn hạn chế.
Trong thời gian tới, địa phương tích cực đưa ra các giải pháp phổ cập điện thoại thông minh tới mỗi người dân, phổ cập internet cáp quang băng rộng tốc độ cao tới mỗi hộ gia đình.
Điện Biên cũng đẩy nhanh việc phổ cập dịch vụ viễn thông và internet đến mọi người dân đặc biệt tập trung phát triển phổ cập dịch vụ cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.