Từ những sân chơi chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống, khi có đông thành viên không ít diễn đàn lại bắt đầu trở thành công cụ để tống tiền doanh nghiệp, phô diễn quyền lực đen đủi của admin.

Không còn là sân chơi lành mạnh của các thành viên, một số diễn đàn trên Internet bắt đầu có nhiều hoạt động biến tướng. Đặc biệt là việc nói xấu, ép doanh nghiệp (DN) phải quảng cáo sản phẩm trên diễn đàn đang ngày càng lộ liễu. Trong khi đó, đáng lo ngại là các cơ quan chức năng hầu như không có giải pháp để quản lý các tổ chức tự phát này.

Suýt chết vì bị cộng đồng “ném đá”

Anh T., giám đốc một công ty phân phối xe máy ở TP.HCM, đã hoạt động hơn 10 năm nay. Đến một ngày anh lang thang trên mạng thì phát hiện tên DN của mình bị bêu xấu trên một diễn đàn. Ban đầu chỉ là một bài viết của một thành viên trong diễn đàn than phiền và chê bai thậm tệ chính sách bảo hành của công ty. Ngay sau đó các thành viên khác nhảy vào “ném đá”, bình phẩm rất sôi nổi và đưa ra những bình luận xấu về công ty của anh. Không lâu sau đó doanh thu của công ty ngày càng sụt giảm nghiêm trọng.

Do ảnh hưởng đến hình ảnh công ty nên anh T. đã nhiều lần liên hệ chủ diễn đàn này để gỡ bài thì đơn vị này từ chối và liên tục ra điều kiện phải quảng cáo trên website này thì mới đóng lại diễn đàn. Sau nhiều lần không có kết quả, anh T. đã tự mình đi thu thập và xác minh thông tin người đưa nội dung bài viết lên trên diễn đàn nhưng tên tác giả và các địa chỉ liên hệ đều ảo. Về phía website chủ của diễn đàn thì đơn vị này tiếp tục gửi bảng giá quảng cáo trên website về công ty và yêu cầu công ty của anh T. quảng cáo.

Tình cờ anh T. kể câu chuyện này với một người bạn. Bạn anh T. mới ra tay giúp đỡ bằng cách nhờ thêm một người quen gọi điện thoại cho chủ của website của diễn đàn kia thì ngay lập tức bài viết trên diễn đàn đã được gỡ bỏ.

Anh K., từng là trưởng ngành hàng của một hãng điện thoại. Hãng điện thoại của anh mới vào thị trường Việt Nam thời gian ngắn thì có một diễn đàn công nghệ chào mời quảng cáo. Do xét thấy việc quảng cáo trên diễn đàn này chưa phù hợp với kế hoạch kinh doanh nên công ty anh từ chối. Tuy nhiên, sau đó khi sản phẩm của công ty anh mới ra mắt thì bị các thành viên trong diễn đàn tấn công chê bai liên tục thông qua các bài test sản phẩm. Những đợt tấn công cứ dồn dập theo các bài viết, đặc biệt là các bình luận phía sau chê bai sản phẩm thậm tệ. Đến lúc cảm thấy quá ảnh hưởng đến thương hiệu, công ty anh K. quyết định phải trả tiền làm quảng cáo cho sản phẩm của mình trên diễn đàn này.

Cướp cạn giữa ban ngày

Không chỉ riêng công ty anh K. lâm vào trường hợp này mà rất nhiều những công ty, DN đã rơi vào tình trạng bị cộng đồng mạng nói xấu không thương tiếc. Có DN âm thầm chịu đựng hứng chịu dư luận, tìm các mối quan hệ để gỡ rối nhưng cũng có DN mạnh tay tìm mọi cách để nhờ cơ quan quản lý can thiệp. Gần đây nhất là sự kiện Công ty Cơ khí Ô tô Phạm Gia đã bị một diễn đàn về ô tô bêu xấu chất lượng dịch vụ sửa chữa ô tô của công ty này trong bốn năm liền. Công ty Cơ khí Ô tô Phạm Gia đã bị thiệt hại về doanh thu khoảng 30% so với trước đó. Sau đó Công ty Cơ khí Ô tô Phạm Gia đã khiếu nại lên các cơ quan chức năng và diễn đàn ô tô trên chỉ bị xử phạt... 25 triệu đồng. Diễn đàn này bị phạt vì chưa có giấy phép thành lập mạng xã hội và không quản lý, kiểm soát thông tin đăng tải dẫn đến xuất hiện những bài viết vô căn cứ, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của Công ty Cơ khí Ô tô Phạm Gia.

Theo giám đốc một DN kinh doanh ngành hàng công nghệ ở quận 5, “quyền lực” hiện nay của các diễn đàn rất lớn và nó ảnh hưởng nhiều đến DN nên ai cũng sợ. Đơn cử với một sản phẩm công nghệ, chỉ cần admin cho đăng những bài test sản phẩm theo hướng bất lợi sẽ rất dễ gây ra phản ứng dây chuyền công kích, chê bai. “Về phía DN thì họ cũng sợ, bởi một sản phẩm mới ra mắt nhưng bị chê bài nhiều chắc chắn doanh thu sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng. Trong khi đó nếu tấn công lại các diễn đàn cũng là chuyện không hề dễ dàng, đặc biệt là các khâu xử lý dài dòng phức tạp cho nên các DN đành chấp nhận chịu thiệt đăng quảng cáo o bế các admin” - DN trên cho hay.

Được biết hiện nay bên cạnh việc muốn quảng cáo thực sự cho các sản phẩm, để chiều lòng một vài diễn đàn các DN đã phải xem admin hay ban quản trị diễn đàn ngang hàng, đôi lúc còn được ưu tiên hơn các cơ quan báo chí. Đơn cử như các cuộc họp báo trong mảng công nghệ thông tin, các diễn đàn đều có “phóng viên” riêng đến đưa tin.

Đội “lính đánh thuê” đáng gờm

Theo một giám đốc công ty điện tử (giấu tên), trong giới công nghệ hiện nay có một đội “lính đánh thuê” chuyên viết bài trên các diễn đàn nổi tiếng ở Việt Nam để hạ bệ các sản phẩm công nghệ mới ra của các công ty khác. Khi các công ty có nhu cầu đánh bại sản phẩm của đối thủ cạnh tranh thì ngay lập tức đội “lính đánh thuê” này sẽ đồng loạt lên các diễn đàn để viết bài chê bai và lôi kéo cộng đồng “ném đá” sản phẩm đó. Do những bài viết này mà sản phẩm của DN bị khách hàng hiểu sai và từ chối sản phẩm và lựa chọn một sản phẩm khác.

 

Thực sự là kiểu làm ăn thất đức

Có một thời gian khá dài tôi đóng vai trò mod (người điều hành) của một diễn đàn về mẹ và bé. Đây là một diễn đàn khá nổi tiếng với cả triệu thành viên trên cả nước và không ít thành viên là người Việt ở nước ngoài.

Thời gian đầu diễn đàn này hoạt động rất lành mạnh với mục đích là nơi để các thành viên (chủ yếu là các ông bố, bà mẹ, những người trẻ sắp lập gia đình…) vào cùng trao đổi kinh nghiệm sống, kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ… Nhưng theo thời gian, số lượng thành viên càng nhiều, web càng nổi tiếng, được nhiều người biết đến thì hoạt động của web lại càng trở nên thương mại hóa. Mất đi mục đích cao cả đã đặt ra ban đầu.

Vẫn biết rằng chẳng ai làm không công hoặc cho không ai cái gì cả. Đơn giản nhất là để duy trì hoạt động của một trang web thì cũng phải có tiền để chi phí cho việc vận hành server, nhân sự…

Tuy nhiên, việc mà tôi muốn nói tới ở đây là từ chỗ tạo được tiếng tăm, một số trang web - trong đó có website tôi cộng tác - lại dùng uy tín mà mình đã rất khó khăn mới tạo được để kiếm tiền theo cái cách mà nhiều người gọi là “vô cùng rẻ mạt và vô đạo đức”.

Nhìn trên trang web thấy khá nhiều quảng cáo nhấp nháy, banner hoành tráng, nhiều người nghĩ rằng chắc diễn đàn này có khoản thu rất khủng từ quảng cáo. Nhưng xin thưa, những quảng cáo hay banner đó 2/3 là miễn phí hoặc lên web do quan hệ quen thân, rồi ngoại giao.

Để kiếm thêm thu nhập, admin, smod và các mod ngoài việc chính của mình còn được giao thêm việc câu kéo quảng cáo về diễn đàn (nói văn hoa một tí là khuyến khích, mời gọi DN). Tệ hơn phải kể đến việc chính diễn đàn đã cho đăng các thông tin mạo danh để bôi nhọ DN hay cơ sở kinh doanh. Khi các DN, cơ sở gọi tới diễn đàn đề nghị rút tin xuống thì sau vài ba câu vòng vo, bao giờ DN cũng nhận được gợi ý rất ngọt: “Bên anh (chị) có thể hỗ trợ cho bên mình một hợp đồng quảng cáo không? Giá cả rất ưu đãi. Bên mình sẽ xem xét rút tin xuống một cách sớm nhất”. Nếu DN đồng ý, tin bêu xấu sẽ mất tích nhanh không ngờ. Còn nếu chần chừ thì tin bêu xấu đó nó cứ on top hoài. Rồi một đội quân chẳng hiểu từ đâu chui ra cứ thế ném đá DN, bôi cho nó đã nhọ lại nhọ thêm. Một vài thành viên khơi mào, rồi sau đó tâm lý số đông, mọi người cứ thả sức ném đá trong khi không hiểu bản chất vấn đề khiến gạch đá đủ để xây một lâu đài đen xì xì.

Nhưng không phải DN cứ ấm ức chi tiền mua bình yên mà được yên thật sự mãi về sau đâu. Điển hình như vụ một studio áo cưới năm ngoái, DN đã bấm bụng nuốt cục tức vào trong để chi 5 triệu đồng quảng cáo trong thời gian ba tháng. Nhưng sau ba tháng, thông tin bôi nhọ lại xuất hiện (cứ gõ Google là thấy nó chình ình hiện lên hàng đầu). DN gọi điện thoại chất vấn ban quản trị, ban quản trị trả lời vòng vo nhưng cuối cùng vẫn cứ là: Có thể ký quảng cáo với bên mình không?

Cứ thế, lâu lâu lại thấy trên các diễn đàn rùm beng chuyện bị diễn đàn này tống tiền. Kêu bị diễn đàn này đưa quảng cáo ra làm điều kiện trao đổi mỗi khi DN gặp tai tiếng hoặc bị sao quả tạ tự nhiên rớt trúng đầu.

Bất bình trước cách quản lý và làm ăn chụp giật của diễn đàn, rất nhiều smod, mod có tâm, có trách nhiệm với cộng đồng đến rồi lại đi. Tôi cũng vậy, dù rất muốn gắn bó lâu dài với diễn đàn nhưng vì muốn đầu óc mình thanh thản nên tôi cũng bỏ cuộc. Làm ăn kiểu đó, nếu là người biết suy nghĩ thì thấy rằng đó thực sự là kiểu làm ăn thất đức.

Mẹ Bim Chiu

 

Ông VÕ ĐỖ THẮNG, ủy viên Chi hội An toàn Thông tin phía Nam (VNISA):

Diễn đàn không có quyền đánh giá sản phẩm

Hiện nay nếu bị nói xấu trên các diễn đàn, DN hoàn toàn có thể yêu cầu cơ quan chức năng xử lý, việc xử lý này căn cứ theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Đầu tiên DN nên thông tin đến các admin diễn đàn thông báo về tình trạng bị nói xấu. Nếu các admin không xử lý thì DN có thể gửi thông báo đến Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông địa phương, đơn vị này sẽ xử lý rất nhanh chóng. Riêng với các trường hợp test các sản phẩm hàng công nghệ hiện nay, thực tế muốn chứng minh một sản phẩm dở hay hay thì cần phải có một cơ quan có chuyên môn kiểm định độc lập, đặc biệt phải được sự đồng ý của DN. Thế nên nếu một diễn đàn tự ý test sản phẩm rồi đưa ra nhận định theo hướng xấu gây ảnh hưởng đến DN thì DN có thể chứng minh thiệt hại và yêu cầu xử lý.

Ông NGUYỄN KHOA HỒNG THÀNH, Phó Giám đốc công ty Emerald Digital Marketing:

Minh định thông tin trên các kênh truyền thông uy tín

Các diễn đàn do các cá nhân tổ chức tạo ra là nơi các thành viên có thể khen, chê, bày tỏ bức xúc của mình về một quan điểm nào đó. Họ có thể tỏ thái độ không hài lòng hoặc than phiền về một sản phẩm hoặc một dịch vụ của DN đưa ra. Thông tin đó có thể chưa tìm hiểu rõ vấn đề, chưa được kiểm chứng kỹ. Đôi lúc diễn đàn là nơi để đối thủ cạnh tranh của các DN lợi dụng để nói xấu, “chơi bẩn” với DN khác. Hoặc chủ diễn đàn tạo ra nhằm mục đích thu lợi cá nhân.

“Khi tên công ty hoặc DN bị “chơi xấu” trên diễn đàn, tốt nhất ngay lập tức bạn phải xác minh người đưa ra thông tin xấu đó trên diễn đàn và tìm hiểu nội dung kia đã chính xác hay chưa. Nếu đây không phải là ý kiến của thành viên diễn đàn đó và sai sự thật thì hãy gửi công văn đến chủ diễn đàn đó để yêu cầu gỡ bài. Sau đó công ty nên có chiến lược quảng bá và minh định thông tin trên các kênh truyền thông khác uy tín hơn. Không đâu tốt bằng chính công ty nói về vấn đề đó trên truyền thông chính thức. Đối với các diễn đàn ý kiến của một cá nhân có thể làm cho một nhóm cộng đồng thuyết phục chứ không thể thuyết phục mọi người.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Đoàn Luật sư TP.HCM:

DN nên đi kiện

Với những hành vi lợi dụng trang mạng xã hội, các diễn đàn, website nói xấu hay có hành vi vu khống,… mang tính xúc phạm, làm mất hoặc giảm uy tín, thương hiệu và gây thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần cá nhân, tổ chức thì tùy vào trường hợp cụ thể mà bị áp dụng các biện pháp, chế tài hành chính, hình sự hay khởi kiện dân sự để giải quyết. Đối với tổ chức, DN cung cấp dịch vụ mạng xã hội, nếu vi phạm đối với một trong các hành vi sau đây: “Chủ động cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân” sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng theo điểm a khoản 4 Điều 65 Nghị định 174/2013/NĐ-CP.

Đối với cá nhân, tổ chức lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin nếu có một trong các hành vi sau đây: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Nếu cá nhân, tổ chức nào đó bị bêu xấu, xúc phạm, vu khống… và bị thiệt hại do hành vi xâm phạm này gây ra thì có thể tiến hành một vụ kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với chủ trang website hay người đưa các thông tin xuyên tạc, vu khống lên diễn đàn, trang mạng xã hội. Cá nhân, tổ chức khởi kiện phải chứng minh được có hành vi, chứng minh thiệt hại mà DN mình gánh chịu, có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại và lỗi của cá nhân, tổ chức bị kiện gây ra.

(Theo PLO)