- Nhật Bản đang từng bước tiến tới việc tái khởi động lại những lò phản ứng hạt nhân đầu tiên dẫu rằng đây là một quyết định không hề dễ dàng.
Hôm 7/10 vừa qua, ông Yuichiro Ito tỉnh trưởng Kagoshima đã tuyên bố phê duyệt việc khởi động 2 lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Sendai thuộc tỉnh này.
Người dân Kagoshima phản đối quyết định tái khởi động nhà máy điện hạt nhân ngay bên ngoài trụ sở chính quyền thành phố hôm 7/10. (Ảnh: Reuters) |
Quyết định này của chính quyền tỉnh Kagoshima được đưa ra sau cuộc bỏ phiếu của hội đồng thành phố Satsuma Sendai (thuộc tỉnh Kagoshima), nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân Sendai. 19/26 thành viên hội đồng thành phố đã ủng hộ việc tái khởi động nhà máy điện hạt nhân đặt trên địa phận thành phố mình. Có 4 phiếu chống và 3 phiếu trắng.
Việc hội đồng thành phố Satsuma Sendai cũng như chính quyền tỉnh Kagoshima “bật đèn xanh” cho việc tái khởi động điện hạt nhân được coi là một cơ hội lớn để chính quyền của ông Shinzo Abe đưa điện hạt nhân quay trở lại. Bởi lẽ, dù nỗ lực để tái khởi động điện hạt nhân, trước đó, ông Shinzo Abe nhấn mạnh sẽ “chiều” theo quyết định của chính quyền địa phương có nhà máy điện hạt nhân.
Sự phê duyệt của chính quyền địa phương cũng được đưa ra sau báo cáo của Cơ quan Pháp quy Hạt nhân Nhật Bản (NRA) hồi giữa tháng 7/2013 khẳng định 2 lò phản ứng tại nhà máy Sendai đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn mới được ban hành sau sự cố rò rỉ hạt nhân Fukushima năm 2011 và “có thể đưa vào hoạt động”.
Theo tiến trình này, việc 2 lò phản ứng của nhà máy Sendai có thể chính thức tái khởi động vào đầu năm tới sau quyết định cuối cùng của Thủ tướng được thực hiện vào tháng 12 tới đây. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người dân Kagoshima cũng như Nhật Bản hoàn toàn đồng tình với quyết định này.
Tờ The Wall Street Journal mô tả rằng, rất đông người dân đã tụ tập bên ngoài tòa nhà chính quyền, giơ cao tấm biển có đề dòng chữ: “Không tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Sendai” trong lúc các thành viên hội đồng bàn bạc về việc này hôm thứ 6 vừa qua.
“Tại cuộc họp hội đồng hôm thứ 6, tiếng của các nhà lập pháp gần như bị lấn át bởi những tiếng la ó của những người chống đối điện hạt nhân”, tờ WSJ viết.
Nhà máy điện hạt nhân Sendai có thể sẽ được tái khởi động vào đầu năm 2015 tới. |
Không chỉ ở Kagoshima, một cuộc khảo sát được thực hiện hồi tháng 10 vừa qua do hãng tin Kyodo News cho thấy, có tới 60% người dân Nhật Bản được hỏi phản đối kế hoạch tái khởi động trong khi chỉ có 32% ủng hộ.
Rõ ràng, quyết định của vị tỉnh trưởng Kagoshima cũng như chính quyền của ông Shinzo Abe là không dễ dàng. Song dường như nước Nhật đã không có nhiều lựa chọn.
Một lựa chọn khó khăn
Nhật Bản đã đóng cửa toàn bộ 48 lò phản ứng hạt nhân trên cả nước kể từ tháng 9/2013 kể từ sau sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi do tác động của thảm họa kép động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011.
Tuy nhiên, trong hơn một năm sau đó, Chính phủ Nhật Bản đã chịu những áp lực nặng nề do chi phí quá lớn cho việc nhập khẩu khí ga và than đá để bù đắp nguồn năng lượng thiếu hụt do việc đóng cửa điện hạt nhân vốn chiếm 30% tổng sản lượng điện của nước Nhật trước đó.
Trong một cuộc trao đổi với báo chí hồi đầu tháng 10, Giáo sư Hisanori Nei, từng làm phó tổng giám đốc Trung tâm An toàn Chu trình Nhiên liệu Hạt nhân thuộc Cơ quan An toàn Hạt nhân và Công nghiệp (NISA) và hiện là giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản cho biết rằng, khi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, nước Nhật vẫn đủ điện để sử dụng.
GS Hisanori Nei trong vòng vây của các phóng viên tại cuộc họp báo. (Ảnh: Lê Văn) |
“Các hóa đơn điện đã tăng lên 20% kể từ sau khi các nhà máy điện hạt nhân bị đóng cửa. Tuy nhiên, nó vẫn không gây ra ảnh hưởng lớn đến xã hội”, GS Nei khẳng định.
Tuy nhiên, ông Nei cũng khẳng định, Nhật Bản không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân. “Không sản xuất điện hạt nhân, Nhật Bản sẽ rất dễ bị tổn thương bởi các cuộc khủng hoảng dầu mỏ”, GS Nei nói, “Hiện tại, giá điện chỉ tăng 20% nhưng nó có thể tăng lên 30-40% trong tương lai”.
Trong khi đó, theo ông Nei, chi phí để sản xuất các nguồn năng lượng tái tạo có thể đắt gấp 4-5 lần và giá điện sử dụng có thể đắt gấp 2 lần so với điện hạt nhân. “Hai mươi năm qua, giá của năng lượng tái tạo gần như không thay đổi và cũng không có cơ hội để thay đổi”, GS Nei nói.
Đồng tình với GS Nei, GS Tetsuo Sawada, thuộc Đại học Công nghệ Tokyo, cho rằng, không thể so sánh Nhật Bản với nước Đức (quốc gia quyết định đóng cửa hoàn toàn nhà máy điện hạt nhân sau sự cố Fukushima để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sạch) do điều kiện tự nhiên của hai nước hoàn toàn khác nhau.
“Viễn cảnh một nước Nhật không có điện hạt nhân là có thể, song nó hoàn toàn không thực tế chút nào vào thời điểm này”, GS Tetsuo Sawada trả lời trước câu hỏi liệu có thể có một nước Nhật không điện hạt nhân hay không.
Việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân là cần thiết để nước Nhật thoát khỏi sự phụ thuộc quá lớn vào việc nhập khẩu các nguồn năng lượng hóa thạch trong khi các nguồn năng lượng tái tạo vẫn có giá quá cao. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Nhật Bản sẽ khởi động lại toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân.
Các lò phản ứng chỉ được xem xét để tái khởi động nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn mới do NRA đưa ra sau sự cố Fukushima. “Trong số 48 lò phản ứng hạt nhân hiện có, chỉ khoảng 20 lò phản ứng hạt nhân được xem xét để tái khởi động”, GS Nei cho biết.
Trong cuộc họp báo thông báo về quyết định của chính quyền tỉnh Kagoshima, tỉnh trưởng Yuichiro Ito khẳng định rằng, quyết định mà họ đưa ra là trong tình thế “không còn cách nào khác”. Bởi lẽ, “năng lượng hạn nhân là cần thiết khi xem xét chính sách năng lượng của nước Nhật”, ông Ito nói.
Lê Văn