Tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 (Nghị quyết số 37-NQ/TW) do Bộ Giao thông vận tải tổ chức, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá: Việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Diện mạo giao thông vùng trung du, miền núi Bắc Bộ được cải thiện rõ nét. Ảnh minh họa: Anh Dũng |
Điều này thể hiện ở ba phương diện chính: sự kết nối các tỉnh trong vùng với các vùng khác của cả nước thông qua các đường quốc lộ; giao thông nông thôn; đường biên giới dài, cần được đầu tư.
“Đây là ba lĩnh vực quan trọng, thời gian vừa qua, với sự tham mưu của Bộ Giao thông Vận tải, chúng ta đã làm được rất nhiều việc trong điều kiện còn hạn chế về nguồn lực so với nhu cầu. Đến nay, diện mạo giao thông của các tỉnh trong vùng đã được cải thiện rõ nét”, ông Nguyễn Văn Bình nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công, các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Nghị quyết 37/NQ-TW được Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các chiến lược, quy hoạch chuyên ngành, kế hoạch của ngành; cụ thể hóa thành các dự án để thực hiện đầu tư.
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố đều cho rằng, việc cải thiện diện mạo giao thông đã góp phần giúp các địa phương thu hút đầu tư, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Kết quả thực hiện 15 năm Nghị quyết số 37
Báo cáo của Bộ giao thông Vận tải cho hay, về kết quả thực hiện 15 năm Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bộ GTVT đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng GTVT, vận tải và ATGT.
Trong công tác quy hoạch, Bộ GTVT trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để tạo điều kiện phát huy lợi thế của vùng trung du miền núi phía Bắc, giao lưu thuận lợi với các địa phương trong nước và quốc tế. Đồng thời, lập, điều chỉnh quy hoạch GTVT 5 chuyên ngành (đường sắt, đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, hàng không) đảm bảo phù hợp với các chiến lược điều chỉnh.
"Hệ thống quy hoạch GTVT trong vùng bảo đảm gắn kết không gian kinh tế liên hoàn, bổ trợ cho nhau nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của từng tỉnh, thành phố trong vùng; coi trọng sự phát triển hài hòa giữa các địa phương, phù hợp với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm phát triển nhanh và bền vững", Thứ trưởng Công cho biết.
Về phát triển kết cấu hạ tầng GTVT, các mục tiêu về đầu tư KCHTGT đặt ra trong Nghị quyết đến nay đều hoàn thành. Trong đó, về đường bộ, các tuyến đường cao tốc đề ra trong Nghị quyết đã cơ bản được đầu tư; tổng chiều dài các tuyến cao tốc đang khai thác là 354km. Với hệ thống quốc lộ, đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp QL2, 3, 6, 32 đạt tiêu chuẩn đường cấp III các đoạn có lưu lượng xe lớn, cấp IV các đoạn lưu lượng xe thấp; Đầu tư cơ bản thông tuyến đường Hồ Chí Minh đến Cao Bằng; từng bước đầu tư các tuyến QL4A, 4B, 4C, 4D, 4E, 46, 34, 37, 279 và các tuyến đường đến cửa khẩu.
Về đường sắt và đường thủy nội địa, hiện đã nâng cấp thông tin tín hiệu các tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai và Hà Nội - Lạng Sơn; hoàn thành nâng cấp giai đoạn 1 tuyến Hà Nội - Lào Cai; hoàn thành nâng cấp cảng Việt Trì và tuyến đường thủy Việt Trì - Tuyên Quang, đưa vào khai thác tuyến container Việt Trì - Hải Phòng…
Về vận tải và ATGT, dịch vụ vận tải có những tiến bộ đáng kể, cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách nội vùng, liên vùng và quốc tế. Đã hình thành các phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không) và bước đầu triển khai vận tải đa phương thức, quy hoạch xây dựng các cảng cạn.
Theo Thứ trưởng Công, "Bộ GTVT đã phối hơp với các địa phương để tiếp tục thực thi pháp luật về ATGT, thực hiện giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông, các đề án tăng cường đảm bảo trật tự ATGT quốc gia cho các chuyên ngành giao thông".
Bài: Ngọc Châm - Ngọc Trâm - Nhóm PV
Ảnh: Phạm Duy Linh - Nhóm PV