7/7 vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cán đích nông thôn mới
Nằm phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội, toàn huyện Ba Vì có 7 xã miền núi với dân số trên 77.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 28.000 người, chiếm.37,1% dân số vùng dân tộc. Đồng bào miền núi tập trung sinh sống ở 76 thôn thuộc các xã Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì, Ba Trại, Tản Lĩnh,Vân Hòa và xã Yên Bài.
Giữa tháng 10 năm ngoái, Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới TP Hà Nội đã tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 2 xã Tản Lĩnh, Khánh Thượng (huyện Ba Vì). Đây là 2/7 xã còn lại thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Ba Vì tới thời điểm đó chưa cán đích nông thôn mới.
Nằm ở khu vực miền núi của huyện Ba Vì, 2 xã Tản Lĩnh và Khánh Thượng có xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới khá thấp. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp vẫn là nguồn thu chính của đồng bào 2 dân tộc Kinh và Mường, do đó thu nhập còn nhiều hạn chế.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, 10 năm qua, xã Tản Lĩnh và Khánh Thượng nhận được sự quan tâm, đầu tư lớn của Trung ương, UBND TP Hà Nội và huyện Ba Vì. Tính đến cuối năm 2021, xã Tản Lĩnh đã huy động được hơn 231,6 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới; con số này của xã Khánh Thượng khoảng 210,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chương trình xây dựng nông thôn mới của 2 xã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ nhiệt tình và tham gia tích cực của các tầng lớn Nhân dân trên địa bàn. Cùng với đó là sự chia sẻ của các quận nội thành. Trong tổng ngân sách đã huy động được (nêu trên), các quận hỗ trợ xã Tản Lĩnh hơn 15,3 tỷ đồng; hỗ trợ xã Khánh Thượng khoảng 17,5 tỷ đồng.
Nguồn lực đầu tư lớn từ các cấp, ban ngành, các tầng lớp Nhân dân đã góp phần quan trọng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của 2 xã Tản Lĩnh và Khánh Thượng. Diện mạo nông thôn được đổi mới; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân các địa phương không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, hiện lần lượt còn 0,83% và 1,88%.
Với việc có thêm hai xã đủ điều kiện về đích, huyện Ba Vì có 7/7 địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc
Với tiềm năng, thế mạnh, những năm gần đây, du lịch Ba Vì đang từng bước phát triển. Các doanh nghiệp du lịch hoạt động kinh doanh chủ yếu trên địa bàn miền núi, bên cạnh một số doanh nghiệp và khu du lịch hoạt động đã có nề nếp, kinh doanh có hiệu quả như: khu du lịch Ao Vua, Khoang Xanh, Thiên Sơn-Thác Ngà, Vườn Quốc Gia Ba Vì, Tản Đà spa Resort... còn một số khu vực và đơn vị đang từng bước đầu tư và chuẩn bị đầu tư tại khu vực sườn Tây núi Ba Vì hứa hẹn cho một vùng du lịch giàu tiềm năng, phát triển trong tương lai gần, tạo điều kiện về việc làm, phân công lao động trên địa bàn các xã theo hướng tăng dịch vụ, thương mại đồng thời tác động tích cực việc tiêu thụ nông lâm sản, nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa cho nông dân.
Từ việc triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đến nay diện mạo vùng đồng bào dân tộc 7 xã miền núi của huyện Ba Vì có nhiều khởi sắc. Trong 5 năm trở lại đây, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của 7 xã miền núi huyện Ba Vì cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm nhóm ngành nông, lâm nghiệp, phát triển nhóm ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp- du lịch- dịch vụ. Đưa thu nhập bình quân đầu người 7 xã miền núi năm 2022 đạt 50 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,12%…
Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, một trong những chỉ tiêu mà 7 xã miền núi đang nỗ lực thực hiện đó là xây dựng thành công chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới. Với quyết tâm cao độ của Chính quyên và đồng bào các dân tộc 7 xã miền núi đã đẩy lùi tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy nội lực đầu tư xây dựng nông thôn mới để thoát nghèo.
Văn Hùng, Tuấn Kiệt, Thanh Hùng