Chẳng ai muốn sống cuộc đời đầy rẫy những nỗi đau, NSƯT Hữu Châu cũng vậy nhưng anh không cưỡng lại được số trời.

{keywords}

Một quý tử nhà giàu...

NSƯT Hữu Châu tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Châu. Anh sinh năm 1966 trong gia đình nhà nòi. Bố là nghệ sĩ Hữu Thìn, mẹ là nghệ sĩ Thanh Lệ, cô ruột là nghệ sĩ Thanh Nga, chú là NSƯT Bảo Quốc.

Còn bà nội là bầu Thơ, chủ đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga, người được mệnh danh là bầu của các ông bà bầu đoàn hát cải lương thời bấy giờ.

Cả gia đình theo nghệ thuật nên Hữu Châu theo nghề cũng chẳng có gì lạ. Ngày còn trong bụng mẹ, anh đã theo bà bước lên sân khấu, chìm đắm trong tiếng đờn ca.

Con đường đã vạch sẵn như thế, dòng máu chảy trong người cũng là nghệ thuật nên NSƯT Hữu Châu cứ thế nương theo mà bước.

Nói là vậy nhưng vai diễn đầu tay của Hữu Châu cũng thường lắm. Chẳng lời thoại, chẳng phải làm gì, chỉ cần “á” lên một tiếng ở cảnh bị móc mắt trong vở Mỹ Nhân và loạn tướng. Vậy là cậu bé ba tuổi có một cắc lương do bà nội phát. Sướng!

Nhà giàu, Hữu Châu suốt ngày được ăn ngon, mặc đẹp, ở biệt thự, một bước xuống xe, hai bước lên xe nên bước vào trường, nhìn bạn bè, anh thấy ai cũng “bèo”.

Vậy mà ai ngờ, chỉ trong chốc lát, gia đình suy sụp, cậu công tử con nhà giàu phải chui ra chui vào trong căn nhà lá, trời trở thì mưa rơi lộp bộp trên đầu, nước ngập dưới chân, rác rưởi nổi lềnh bềnh.

Từ ngày ba bữa, thức ăn ê hề rút lại còn một bữa. Đến tháng phải đóng tiền học cho thằng Trum (cố nghệ sĩ Hữu Lộc), cả gia đình phải phải ăn cháo thay cơm.

Cũng vì đói nên có hôm đang diễn, anh lăn đùng trên sân khấu. Bạn diễn cứ ngỡ Hữu Châu trúng gió nên dìu vào cạo gió. Chỉ có một người biết anh đói nên âm thầm pha cho Hữu Châu cốc sữa nóng và giữ bí mật cho đến bây giờ.

{keywords}

Ánh mắt thẫn thờ của Hữu Châu trong ngày tiễn cậu em trai út về cõi vĩnh hằng.

Là nghệ sĩ, tự trọng cũng lớn nhưng cái nghèo, cái đói nó cứ bám theo thì phải chịu. Có lần, Hữu Châu cùng bạn thân là Hữu Nghĩa học người ta ra bến tàu cưa cây, kiếm ít tiền đi chợ.

Hai bữa đầu trót lọt, đến bữa thứ ba thì bị tụi con nít nhận mặt, bu lại xem người nổi tiếng. Mắc cỡ quá nên cả hai quyết định nghỉ.

Hữu Châu chuyển qua hát lô tô, bơm xe, mở quầy báo…toàn công việc lương thiện, kiếm được đồng ra đồng vào nhưng đôi khi anh cũng cảm thấy chạnh lòng.

Buồn cho mình một, anh buồn cho mẹ mười. Từ nghệ sĩ cải lương tài sắc một thời, được bao người mến mộ, bà phải ra đường, nhặt nhạnh từng đồng từ quán trà nhỏ xíu.

Có bữa đi học về, Hữu Châu nấp vào một góc, thấy mẹ ca lại mấy bài cũ mà rớt nước mắt. Nghệ sĩ mà, tự hát rồi tự mình nghe, có gì đắng chát bằng.

Có hôm, cố nghệ sĩ Hữu Lộc chở anh trai chạy sô trên chiếc xe đạp cũ mèm. Đang đi ngon trớn, cái niềng xe gãy đôi. Thằng em đứng khóc vì tiếc của, vì cực quá trong khi thằng anh chạy bộ bán sống bán chết với gương mặt tô vẽ như “yêu quái” mà vẫn không kịp.

Cũng trong những ngày tháng ấy, những đêm nằm ngửa mặt nhìn lên mái nhà xơ xác, anh đã nguyện phải thành công để cả nhà bớt khổ. Và NSƯT Hữu Châu đã làm được.

Hy sinh hạnh phúc riêng

Bây giờ khán giả đến sân khấu kịch Idecaf cũng vì có tên anh in trên vé. Xem Hữu Châu diễn trên sân khấu ai cũng rung động. Từ vai diễn Lỗ Quý trong Lôi Vũ hay Nguyễn Trãi trong Bí mật vườn Lệ Chi, tất cả đều để lại dấu ấn đậm nét trong lòng những người yêu kịch.

Nhưng nếu ai đó nghĩ rằng, Hữu Châu thành công là phải thôi thôi. Con nhà nòi, cháu của Thanh Nga mà không có tiếng người ta cười cho. Ừ, cũng có thể người ta sẽ cười thật nhưng họ chỉ làm thế khi không biết cuộc sống của anh có đủ những chương dài đầy đau khổ.

Hữu Châu giờ không khóc được nữa hoặc cũng có thể vì anh luôn nhớ lời bà nội: “Mình là trụ cột gia đình thì cố để mà không khóc, vì ai cũng khóc thì ai biết dựa vào ai để nguôi ngoai”.

Ngày nghệ sĩ Thanh Nga bị sát hại, Hữu Châu còn bé nhưng đã cảm nhận rõ ràng sự mất mát.

Đó là hình ảnh chiếc lược lạnh lẽo vạ vật ở góc nhà vì không còn tóc Má Ba (cách Hữu Châu gọi nghệ sĩ Thanh Nga) để chải, đó là những giọng nước mắt lăn dài trên má của bà bán chuối chiên đầu ngõ, nơi Má ba vẫn mua cho thằng cháu cưng tấm bánh.

Tiếp đó, anh trai cả qua đời trong khi đi diễn, rồi đến bố cũng bị người ta hại. Khi nghe chú báo tin dữ, Hữu Châu sững sờ nhưng diễn xong vở mới tất tả chạy về.

Dòng máu chảy trong huyết quản và những gì học được ở trường đã dạy anh biết trách nhiệm đối với cái nghiệp này. Rồi bà nội cũng bỏ anh mà đi vì tuổi già, sức yếu. Đến tội!

Ngày tiễn cậu em út, Hữu Lộc, về với cát bụi, nắp hòm đậy lại, anh bật khóc. Đó là khoảnh khắc Hữu Châu cảm nhận được sự xa cách mãi mãi.

{keywords}

Hữu Châu bây giờ chỉ khóc trên sân khấu kịch.

Năm người thân lần lượt bỏ anh mà đi, ngoài bà nội, chẳng ai kịp để lại một lời. Dường như nỗi đau cứ chực chờ sau cánh cửa, chỉ cần nhác thấy cái dáng cao gầy là nhảy xổ vào, dằn vặt, làm méo mó cuộc sống của người nghệ sĩ.

Hữu Châu bây giờ chai lì với nỗi đau, chẳng ai có đủ khả năng để làm anh tức giận, những giọt nước mắt cũng chỉ để dành cho sân khấu.

Nghe anh nói: “Tận cùng hạnh phúc là giọt nước mắt, và tận cùng của nỗi đau lại là nụ cười. Hai phạm trù đối lập là hạnh phúc và nỗi đau còn nhập nhằng đến thế thì tôi … cần chi phải biết là đang khóc cho người hay khóc cho mình”, thấy mà thương.

Ai cũng nghĩ Hữu Châu sẽ suy sụp sau từng ấy nghiệt ngã nhưng đến cái quyền đó anh cũng chẳng có. Nếu anh gục ngã thì lấy ai chăm đứa cháu đầu con anh cả, ai dạy hai đứa con của cố nghệ sĩ Hữu Lộc nên người.

Tình thương và trách nhiệm không cho phép anh làm điều đó. Thậm chí, để tròn trách nhiệm trụ cột của gia đình, anh còn hy sinh cả hạnh phúc riêng.

NSƯT Hữu Châu sợ rằng nếu anh yêu thương ai đó, lập gia đình và có những đứa trẻ, tình thương sẽ bị san sẻ ít nhiều. Vì vậy, anh chấp nhận ở không để làm chỗ dựa tinh thần và vật chất cho mấy đứa cháu.

Giờ đây, ngoài gia đình, Hữu Châu chỉ có sân khấu kịch làm bạn đồng hành. Đó là nơi thỉnh thoảng người ta mới thấy anh bật khóc. Ừ, thì cũng là vì vai diễn nhưng giọt nước mắt nào cũng có trong đó ít nhiều sự xót xa.

Trên đời này, có nhiều người ước muốn được sống cuộc đời của người khác nhưng nếu cho sống cuộc đời của NSƯT Hữu Châu chắc chẳng ai dám.

Bởi, không phải ai cũng có thể mỉm cười khi trải qua từng ấy những nỗi đau, không phải ai cũng thành công khi kinh qua từng ấy sự mất mát.

Theo Trí Thức Trẻ