Chị Kim Tiến kể, từ khi lấy chồng, sự nghiệp của chị tiêu tan, hai bàn tay rớm máu vì phải vò lá găng, đi bán bánh.

 

Tháng 9/1997, Hà Nội xôn xao vụ tạt axit gây kinh hoàng cả khu phố Cầu Giấy. Nạn nhân là chị Lê Thị Kim Tiến, cựu diễn viên đoàn kịch nói Hải Dương. Người hủy hoại dung nhan "hoa nhường nguyệt thẹn" của nữ diễn viên này chính là chồng cũ khiến nhiều người kinh hoàng.

Dù đau đớn bởi gương mặt biến dạng, nhưng chị Kim Tiến không đầu hàng số phận. Với ý chí và nghị lực kiên cường, chị đã vươn lên mạnh mẽ. Trải qua hơn 50 cuộc phẫu thuật lột da, đắp thịt, gương mặt chị đã phần nào "dễ nhìn" hơn. Nhưng "mỗi khi soi gương, những vết thương lòng lại ùa về khiến tôi nghẹn thở", chị tâm sự.

Hiện Kim Tiến đang là bà chủ của tiệm rèm lớn ở Hà Nội. Chị không ngại chia sẻ về cuộc đời nhiều gian truân, lắm bi kịch của mình.

Nữ diễn viên Kim Tiến trầm giọng khi kể về quãng đời làm dâu năm 19 tuổi. Sau những ký ức đẹp của thời thơ ấu là chuỗi ngày vất vả gian truân dội vào cuộc đời chị như những cơn bão. Chị đớn đau kể từ khi lấy chồng, sự nghiệp tiêu tan, hai bàn tay rớm máu vì phải vò lá găng, đi bán bánh.

Thời thanh xuân trẻ trung, xinh đẹp

Nhìn vào những tấm hình ngày còn trẻ càng thấy chị Kim Tiến đẹp. Anh trai chị cũng tự hào chia sẻ: “Ngày xưa nhiều người theo đuổi cô ấy lắm”.

Sinh vào những năm 60, 70, chị Kim Tiến đẹp dịu dàng, nước da trắng hồng khiến nhiều chàng trai si mê. Học xong phổ thông, chị thi tuyển vào Đoàn kịch nói Hải Dương. “Thấy người ta tuyển tôi cũng nộp đơn vào xin làm diễn viên, nào ngờ đậu luôn”, chị chia sẻ.

“Nhà tôi vốn có truyền thống nghệ thuật. Bố là diễn viên nhà hát chèo. Ông đam mê đi hát và diễn không phải vì tiền", chị Kim Tiến kể thêm.

{keywords}

Tấm hình chị Kim Tiến chụp khi ngoài 30 tuổi tại một hiệu ảnh của vợ chồng nghệ sỹ Chí Trung.

Nhà có 10 anh chị em, chị đứng thứ 5. Một nửa anh em theo nghệ thuật ca múa nhạc kịch, chị cũng nối gót vào đoàn kịch Hải Dương. Không qua trường lớp đào tạo nhưng chị diễn xuất bằng niềm đam mê sẵn có. Ngày đó, ngoài việc công tác trong đoàn kịch, chị cũng tham gia một số bộ phim, trong đó gây chú là là phim Ai giận ai thương.

Kể về mối tình đầu, cũng là người chồng đầu tiên, chị Kim Tiến đưa mắt nhìn vô định như cố quên đi nỗi đau đã hằn thành sẹo trong tim. Chị kể, ở đoàn kịch, chị được nhiều người để mắt nhưng chị chỉ yêu một người. Cả hai quấn quýt nhau, quyết tâm lấy nhau bất chấp quy định trong đoàn kịch là phải 2,3 năm sau khi vào đoàn mới được kết hôn.

Gia đình phản đối dữ dội nhưng chị vẫn quyết tâm lấy anh. Ngày ấy chị mới 19 tuổi. “Cái tuổi trẻ dại dột và bồng bột ấy chỉ biết yêu say đắm và cuồng nhiệt, đâu nghĩ đến tương lai. Khi đó bố mẹ buồn và giận nhiều lắm vì không muốn con gái lập gia đình sớm”, chị Kim Tiến ân hận.

Cuộc hôn nhân đầu tiên đẫm nước mắt

Giông tố ập đến cuộc đời nữ diễn viên Kim Tiến bước chân về nhà chồng. Vốn là người thành phố, quen sống trong nhung lụa và được bố mẹ chiều chuộng nên khi lấy chồng về quê, chị Kim Tiến có những bỡ ngỡ, khó thích nghi trong thời gian đầu. Từ một diễn viên kịch nói chỉ biết đến những vai diễn, cuộc đời chị bị đảo lộn khi mới 19 tuổi.

Cô diễn viên da trắng nõn, ăn nói có duyên phải đi chợ bán bánh rán để kiếm thêm thu nhập. “Ngày đó ở nhà chồng chưa có đồng hồ, hễ gà lên chuồng tôi cũng phải xong mọi việc để đi ngủ. Tỉnh dậy bất cứ lúc nào là mắt nhắm mắt mở, gồng gồng gánh gánh đi chợ. Có hôm dậy sớm quá, ra bến đò mới có 10 giờ tối, tôi đành ngồi ngủ gật ở bến. Chợ quê chỉ họp từ 5h sáng đến khoảng 6-7h là tan. Nhiều hôm ế bánh, tôi phải rong ruổi hai bên quang gánh đi bộ hàng chục cây số khắp các đường làng để rao bán”, chị nhớ lại.

Nhiều người lúc đó xem cuộc sống của chị Kim Tiến đáng buồn cười. Người ta cứ mặc nhiên rủ nhau thật to: “Đi xem cô dân công bán bánh rán”. Có người thiếu hiểu biết còn xì xèo đồn thổi về những chiếc bánh chị làm ra: “Làm gì có mỡ, đổ nước lã vào đấy”.

"Những lúc như thế, lòng tôi đau như xát muối", chị Kim Tiến nghẹn ngào nói.

Chị kể, có lần, đi qua đoạn đường bị mấy người đàn ông đào đê lấy bùn ném vào người trêu ghẹo. Chị bị ngã, người dính đầy bùn đất, quang thúng rơi hết cả. "Tôi vừa nhặt bánh bỏ vào thúng, vừa khóc nức nở. Những lúc vò lá găng bằng tay không, những chiếc gái đâm vào da thịt đến tóe máu cũng không đau như thế".

Thế nhưng, chị đã cố gắng bỏ ngoài tai những lời dèm pha, xỏ xiên. Chị vẫn ngày ngày dậy sớm bán bánh rán, chiều về làm ruộng.

Những vất vả ấy tuyệt nhiên cô gái 19 tuổi không hé răng nói nửa lời với cha mẹ ruột. Sự nhẫn nhục, chịu đựng cứ tăng dần, chất cao thành khối. Chị vừa kể vừa xót xa: “Trước khi lấy chồng, tôi chỉ biết đi học. Khi ở nhà thì làm ảnh cùng bố. Vậy mà cuộc hôn nhân ấy đã biến cuộc sống của tôi khác hoàn toàn. Cho đến giờ, tôi không thể quên những bữa cơm đạm bạc chỉ có rau, nước mắm cũng không có, phải đi xin muối hòa với nước thay mắm. Thế nhưng vợ chồng hạnh phúc, rau cháo có nhau”.

Những tưởng tình yêu tuổi trẻ sẽ giúp chị vượt qua được gian khổ, thiếu thốn của cuộc sống. Nhưng không phải, đời người con gái xinh xắn ấy phải chịu thêm gánh nặng từ mẹ chồng. "Đời mình khổ đến âm i, tận cùng", lời chị nói trong đau xót.

"Cuộc đời như túp lều tranh rách nát"

Chị Tiến kể, ngày lấy chồng, mẹ chồng không thương còn nặng lời: “Nó ăn trắng mặc trơn như thế, mày lấy về thì chỉ có đi mà hầu hạ".

"Ở với mẹ chồng, dù không làm gì nên tội chị cũng bị mắng suốt ngày. Tôi tủi lắm. Có lẽ bà giận con trai vì quyết tâm lấy một cô gái thành phố về để... hầu hạ nên bà hành xử như thế", chị Kim Tiến nói.

Khi sắp sinh, chị Kim Tiến phải dọn ra ngoài ở cách xa nhà mẹ chồng. "Hai vợ chồng phải tự mò bùn dưới ao trộn với rơm để dựng nhà. Nói là nhà nhưng nó thực ra chỉ như một túp lều. Thấy hoàn cảnh đáng thương, hàng xóm mỗi người cho bó rạ, cây tre, người lại cho mấy cân gạo... Ngày ra ở riêng, vợ chồng tôi chỉ mang đi đúng một cây đèn Hoa Kỳ bé tí", chị kể.

Túp lều vợ chồng chị sống, vì nóng ruột muốn "xây nhà" nhanh nên vợ chồng chị cứ đắp được 2 mét, tường lại đổ. "Cứ đắp đi đắp lại như thế mới tạm được một chỗ ở. Đến lúc đất khô thì các kẽ nứt lộ rõ, rắn, côn trùng cứ thế chui vào, sợ phát khiếp”.

Chị nhớ lại: “Mẹ đẻ tôi đến thăm, thấy con sống trong một túp lều rách nát giữa cánh đồng hoang vắng không cả bằng chị Dậu khiến bà không cầm được nước mắt".

{keywords}

Với chị Kim Tiến, con cái là niềm an ủi duy nhất.

Khi được hỏi về khoảng thời gian sinh con đầu lòng, chị Kim Tiến gạt nước mắt nói: “Ngày ấy tuổi trẻ bồng bột, cứ nghĩ yêu nhau là phải lấy nhau. Tôi cũng nghĩ “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” không sao cả. Mà đúng thật, tôi từng sống trong một túp lều tranh rách nát như bây giờ người ta thường dựng để coi vịt”.

Chị nhớ lại thời gian sinh con trai đầu lòng: "Đến lúc gần sinh, mẹ chồng vẫn sai tôi đi gánh nước. Có lần, một bà hàng xóm thương tình đã gánh hộ đến gần cổng, tôi chỉ việc gánh tiếp vào trong nhà".

Chị vừa kể vừa chia sẻ muốn gửi lời cám ơn tới người hàng xóm xưa. "Tôi rất cảm động với những người hàng xóm ấy. Họ thương hoàn cảnh của tôi, một cô gái thành phố chưa từng chân lấm tay bùn lại phải làm những việc không bao giờ nghĩ tới".

Nhớ lại chuyện năm xưa, chị Kim Tiến vẫn chưa hết tủi thân: "Tôi sinh con trai. Hai mẹ con tự chăm nhau. Chỉ thỉnh thoảng có những người hàng xóm và một người bác bên chồng chạy qua hỏi thăm. Điều đó càng khiến tôi tủi phận".

"Cứ thế, ngày qua ngày, chồng đi mò cua bắt tép, có được thứ gì ăn thứ nấy. May mắn trời thương người nghèo nên cậu con trai đầu không quấy mẹ". Sinh được nửa tháng, chị lại tất tưởi ra chợ bán hàng rồi đi làm đồng. “Cuộc sống không ỷ lại vào ai được, không ai lo cho mình bằng chính mình tự lo”, chị nói.

Thế nhưng, “chuyến đò” đầu tiên của nữ diễn viên kịch nói xinh đẹp không kéo dài. Chị bảo lý do chính vì số phận. "Bây giờ dù đã không còn là vợ chồng, mình vẫn về thăm nhà cũ. Gặp lại mẹ chồng, bà bảo: Không biết vì sao mẹ lại làm như vậy. Mình cũng không giận bà", chị Kim Tiến chia sẻ.

Những tưởng cuộc đời sẽ tạm bình yên sau chuyến đò đầu tiên nhiều gian truân, nào ngờ, số phận bất hạnh tiếp tục bủa vây lấy cuộc đời chị Kim Tiến khi "đi bước nữa". Chính người chồng thứ 2 này đã chủ mưu tạt axit hại gương mặt chị.

Theo Khampha