Trường ĐH Y dược TP.HCM sẽ bỏ quy đổi điểm tiếng Anh, còn Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chỉ tuyển học sinh có hạnh kiểm khá trở lên.
Trường ĐH Y dược TP.HCM sẽ không thực hiện việc cộng thêm điểm quy về điểm 10 cho chứng chỉ tiếng Anh như đề án tuyển sinh đại học năm 2019 mà nhà trường đã công bố trước đó.
Theo quy định mới, thí sinh cần có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) đạt IELTS 6,0 trở lên, hoặc TOEFL iBT 60 trở lên Đơn vị cấp chứng chỉ: TOEFL iBT: Educational Testing Service (ETS); IELTS: British Council (BC); International Development Program (IDP).
Thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống theo quy định và bổ sung hồ sơ trực tiếp (bản sao chứng chỉ tiếng Anh quốc tế) cho trường.
Nhà trường sẽ kiểm tra chứng chỉ tiếng Anh quốc tế bản gốc khi thí sinh nhập học, nếu thí sinh không đảm bảo điều kiện như quy định sẽ bị loại ra khỏi danh sách trúng tuyển.
Việc tuyển sinh vẫn thực hiện 3 phương thức: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 (đối với tất cả các ngành đào tạo). Đối tượng tuyển sinh: các thí sinh có tổng điểm thi của 3 môn toán, hóa, sinh học và các điểm ưu tiên (nếu có) phải bằng hoặc trên mức điểm tối thiểu ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do nhà trường quy định và Xét tuyển kết hợp (đối với ngành y khoa và dược học).
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ chỉ tuyển thí sinh có hạnh kiểm khá trở lên của năm học lớp 12. Tương tự năm ngoái, chỉ tiêu của tất cả các ngành được phân bố 50% cho thí sinh có hộ khẩu TP.HCM và 50% còn lại dành cho thí sinh tất cả các tỉnh.
Tiêu chí phụ cho các thí sinh đồng điểm là điểm thi THPT quốc gia môn Ngoại ngữ theo quy chế kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; điểm trung bình chung lớp 12 THPT; điểm thi tốt nghiệp THPT môn Văn.
Riêng ngành Khúc xạ nhãn khoa: điểm kỳ thi THPT quốc gia môn tiếng Anh đạt từ điểm 7.0 trở lên (phải học các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh do giảng viên nước ngoài trực tiếp giảng dạy). Các hình thức xét tuyển theo quy định của Bộ.
Năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành sức khỏe.
Căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đối với các ngành y trình độ đại học, bao gồm Y khoa, Y học cổ truyền, Răng hàm mặt, Dược học, Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng.
Ở phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, Bộ quy định ngưỡng đảm bảo đầu vào với các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng hàm mặt, Dược học trình độ đại học thí sinh phải tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Các ngành có chứng chỉ hành nghề còn lại xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.
Lê Huyền
Chốt quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng cho ngành y và sư phạm
- Theo thông tư có hiệu lực từ ngày 15/4 tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ xác định ngưỡng chất lượng tối thiểu của ngành sư phạm và các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.