Liên tiếp phá kỷ lục thế giới với hơn 330.000 ca nhiễm và hơn 2.000 ca tử vong hằng ngày, cùng vô số câu chuyện đau lòng về những người chết trong tuyệt vọng do không được chữa trị kịp thời hoặc bị bệnh viện gửi trả… một bầu không khí tang tóc đang bao trùm khắp Ấn Độ bởi một thứ duy nhất: Covid-19.
Nhưng điều đáng nói ở đây, là rất nhiều người, trong đó có cả những chuyên gia y tế hàng đầu ở Ấn Độ, đều có niềm tin mạnh mẽ rằng thảm họa này đáng ra có thể được phòng tránh một cách dễ dàng.
"Trên khắp thế giới, chúng ta nhận thấy làn sóng Covid-19 thứ 2 luôn nguy hiểm, mạnh mẽ và độc hại hơn làn sóng đầu tiên", Tiến sĩ Deepak Baid từ Hiệp hội Các nhà tư vấn y tế Ấn Độ, thừa nhận. "Chúng ta luôn đặt ra câu hỏi: “Chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng cho nó chưa? Tuy nhiên, câu trả lời chắc chắn vẫn là: Chưa".
Dịch Covid-19 đang đẩy Ấn Độ đến 'bờ vực'. Ảnh: Reuters |
Có nhiều yếu tố chính dẫn đến thảm cảnh đang xảy ra tại Ấn Độ. Trong đó, một số yếu tố phổ biến nhất là phản ứng từ chính phủ, hành xử của người dân, các biến thể mới của virus, và hiệu quả từ các chương trình tiêm chủng.
Đầu tiên, phản ứng của giới chức Ấn Độ trước làn sóng Covid-19 lần này rõ ràng đang chậm hơn nhiều so với làn sóng thứ nhất. Còn nhớ, khi các ca nhiễm virus corona đầu tiên xuất hiện tại Ấn Độ, chính quyền New Delhi đã ngay lập tức áp đặt một trong những lệnh phong tỏa quyết liệt nhất thế giới.
Tuy nhiên, những biện pháp này cũng gây ra nhiều thiệt hại, và buộc hàng triệu người đang làm việc tại các trung tâm kinh tế phải di chuyển một quãng đường dài về quê hương và làng mạc của họ.
Những thương tổn về mặt kinh tế từ cuộc phong tỏa thứ nhất đã khiến chính quyền trung ương cùng các tiểu bang trên khắp Ấn Độ trở nên dè dặt hơn hẳn trong việc áp đặt các lệnh phong tỏa lần thứ 2.
Đợt phong tỏa đầu tiên khiến nhiều người Ấn Độ phải vượt quãng đường dài về quê nhà. Ảnh: Reuters |
Thế nhưng, đây vẫn không phải nguyên nhân duy nhất. Tâm lý chủ quan, tự mãn sau khi vượt qua làn sóng Covid-19 đầu tiên đã đẩy đất nước rơi vào thảm họa một cách nhanh chóng.
Trong năm nay, nhiều cuộc tụ tập đông người, bao gồm các lễ hội tôn giáo lớn nhất như Kumbh Mela, vẫn được tổ chức với quy mô đông đảo, ngay cả khi làn sóng lây nhiễm thứ 2 đang có dấu hiệu xấu đi. Tình trạng nhiều người tham dự không đeo khẩu trang và giãn cách xã hội càng khiến nguy cơ lây nhiễm ở những sự kiện như vậy trở nên đáng báo động.
Michael Kugelman, chuyên gia khu vực Nam Á thuộc nhóm chuyên gia Wilson Center, đã mô tả phản ứng của Chính phủ Ấn Độ trước dịch Covid-19 là "một câu chuyện mang tính đối lập". “Trước đó, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra một phản ứng táo bạo tức thì, và cả nước đã được phong tỏa,” ông cho biết. "Nhưng với trường hợp này, Ấn Độ đã có vẻ quá tự mãn và điều đó đã dẫn đến hậu quả thảm khốc".
Nhiều lễ hội, sự kiện đông người tại Ấn Độ vẫn diễn ra bất chấp dịch bệnh. Ảnh: AP |
Những biến chủng mới của virus corona ở Ấn Độ, với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, cũng được cho là yếu tố đẩy nhanh cuộc khủng hoảng Covid-19 tại nước này.
Tháng trước, biến thể virus corona từ Anh đã được tìm thấy trong 80% mẫu bệnh phẩm ở bang Punjab. Trong khi đó, chủng đột biến kép của Ấn Độ, tên chính thức là B1617, đã được tìm thấy trong hơn một nửa mẫu bệnh phẩm ở bang Maharashtra.
“Các biến thể virus này rất độc, rất dễ lây lan. Thậm chí ngay cả các bệnh nhân đã hồi phục cũng có nguy cơ tái nhiễm”, Tiến sĩ Deepak Baid cho hay. "Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng các biến thể này rất khác biệt, mang tính đột biến. Vì giờ đây, chúng tôi còn phát hiện chúng ở cả trẻ em và người trẻ tuổi, điều chưa từng xảy ra trước kia”.
Tuy nhiên, Tiến sĩ dịch tễ học Jayaprakash Muliyil cho rằng, dù các biến thể có thể lây nhiễm nhiều hơn một chút, nhưng không nên quá nhấn mạnh sự nguy hiểm của chúng để làm nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng như hiện nay. Theo ông, ở nhiều nơi, một số yếu tố phổ biến hơn cả đều đến từ hành vi của con người.
Việc triển khai vắc-xin Covid-19 tại Ấn Độ đang trở nên kém hiệu quả. Ảnh: Reuters |
Ngoài ra, những gì được xem là đợt triển khai vắc-xin Covid-19 lớn nhất và nhanh nhất thế giới của Ấn Độ cũng đã liên tục hoạt động kém hiệu quả, khiến phần lớn dân số nước này vẫn bị phơi nhiễm. Hãng dược phẩm Pfizer đã rút lại yêu cầu phê duyệt khẩn cấp vắc-xin Covid-19 tại Ấn Độ, trong khi vắc-xin Covaxin do nước này tự sản xuất được phê duyệt khẩn cấp dù vẫn chưa trải qua các giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
New Delhi đã tiếp cận một cách có kiểm soát trong việc phân bổ vắc-xin của mình cho các tiểu bang, và nhắm mục tiêu vào những đối tượng bị xem là dễ tổn thương nhất, như nhân viên y tế, người cao tuổi và những người mắc bệnh nên. Tuy nhiên, chương trình tiêm chủng này chỉ nhằm ngăn số ca tử vong hơn là ngăn sự lây nhiễm.
Phải mãi đến tuần qua, Chính phủ Ấn Độ mới triển khai các chương trình tiêm chủng cho tất cả người lớn từ tháng 5 tới, trong khi các loại vắc-xin được quốc tế chấp thuận sẽ không còn phải chờ tiến hành các thử nghiệm cấp địa phương mới được phê duyệt khẩn cấp.
Đó là một động thái mà nhiều chuyên gia y tế và một số bang tại Ấn Độ đã kêu gọi từ lâu, và đối với nhiều người, việc chúng giờ này mới được triển khai là quá muộn màng.
Theo phóng viên Barkha Dutt của tờ báo online Mojo Story, Ấn Độ “có đủ vắc-xin, đủ thời gian để tích trữ oxy, và có đủ thời gian để các hệ thống y tế sẵn sàng hoạt động, nhưng chính tâm lý tự mãn, sự háo thắng, và bất cẩn” đã phá hỏng mọi thứ.
Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android
Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.
Việt Anh
Campuchia vật lộn chống Covid-19, hình ảnh trực tiếp từ tâm dịch
Tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Campuchia đang diễn biến rất phức tạp, với số ca nhiễm phát hiện mỗi ngày đều ở mức 3 con số.
Ấn Độ lại ghi nhận kỷ lục mới về số ca Covid-19
Theo hãng tin Reuters, Ấn Độ đã ghi nhận số ca Covid-19 trong 24 giờ cao kỷ lục thế giới trong ngày thứ ba liên tiếp, giữa lúc nhiều bệnh viện quá tải.