Đồng USD quay trở lại vạch xuất phát của năm 2021, do đã để mất hết thành quả tăng giá có được trong thời gian từ đầu năm đến nay.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg. |
Theo hãng tin Bloomberg, sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 4 không đạt dự báo vào hôm thứ Sáu tuần trước, chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm các đồng tiền chủ chốt khác đã xoá hết mức tăng giá có được từ đầu năm. Với mức giảm khoảng 0,7%, đây cũng là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này trong vòng 5 tháng.
Ở thời điểm hiện tại, Bloomberg Dollar Spot Index xấp xỉ bằng với mức bắt đầu năm 2021 và có nguy cơ giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 2/2018.
Diễn biến chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index từ đầu năm đến nay - Nguồn: Bloomberg. |
Giới phân tích nói rằng số liệu việc làm xấu hơn dự báo là đòn mới nhất giáng vào đồng USD. Đầu năm nay, đồng bạc xanh đã có một giai đoạn tăng giá, nhưng gần đây, áp lực mất giá đối với đồng tiền dự trữ của thế giới ngày càng lớn trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ hạ nhiệt, triển vọng phục hồi của các nền kinh tế ngoài Mỹ khởi sắc, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cam kết duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo.
Nếu so với mức cao kỷ lục thiết lập vào tháng 3 năm ngoái, Bloomberg Dollar Spot Index đã giảm khoảng 14%. Nhiều quỹ đầu tư như JPMorgan Asset Management và T. Rowe Price dự báo đồng USD sẽ tiếp tục mất giá trong thời gian tới, khi kinh tế toàn cầu hồi phục.
“Chúng tôi cho rằng, Mỹ sẽ không còn là ngoại lệ phục hồi của kinh tế toàn cầu nữa, và đồng USD vì thế sẽ mất giá theo thời gian”, các chiến lược gia của Citigroup nhận định trong một báo cáo được Bloomberg trích dẫn. Theo Citigroup, các yếu tố gây mất giá USD bao gồm “sự mềm mỏng của Fed, tâm lý ham thích rủi ro tăng lên, và sự phục hồi kinh tế toàn cầu”.
Ngoài ra, việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện đã giảm khoảng 18 điểm cơ bản từ mức đỉnh 1,77% hồi tháng 3 cũng làm mất đi một trong những sức hút lớn nhất của USD.
Nhiều quỹ đầu tư lớn ở Phố Wall đang bắt đầu bán ra USD. Tổng giá trị ròng của trạng thái bán khống USD trên thị trường tài chính Mỹ trong tuần trước là khoảng 10 tỷ USD, từ mức 4 tỷ USD hồi giữa tháng 4 - theo số liệu mới nhất từ Uỷ ban Giao dịch hàng hoá tương lai (CFTC).
“Chúng tôi dự báo đồng USD còn tiếp tục mất giá, xét tới sức hút kênh đầu tư an toàn của USD giảm xuống, khi bức tranh kinh tế toàn cầu khởi sắc và tâm lý ham thích rủi ro gia tăng”, chiến lược gia Roberto Mialich của UniCredit viết trong một báo cáo.
(Theo VnEconomy)