Ông đã thoát khỏi 27 năm trong các nhà tù apartheid mà trong lòng gần như không chút hiềm thù oán hận.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Ông quyết tâm, "hòa giải" phải là then chốt của một ủy ban sự thật nhằm hàn gắn những vết thương do những năm dài đau đớn vì phân biệt chủng tộc gây ra.

{keywords}

Và ông mặc áo của đội Springboks, bước ra sân trong trận chung kết giải World Cup bóng bầu dục năm 1995 trong một nỗ lực thống nhất toàn dân Nam Phi đằng sau đội tuyển quốc gia gồm chủ yếu người da trắng này. 

Và ông đã từ chức sau khi chỉ phục vụ một nhiệm kỳ Tổng thống, không giống như nhiều người thường cố bám giữ chiếc ghế quyền lực cho đến khi nó hủy hoại họ hoặc họ hủy hoại cả đất nước mình đang lãnh đạo.

Đó là một số trong rất nhiều phẩm chất nổi tiếng của Nelson Mandela, biểu tượng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid. 

Nhưng với các phóng viên đủ may mắn để dõi theo sự nghiệp của nhà lãnh đạo xuất chúng từ ngày ông bước ra khỏi nhà tù năm 1990, qua những năm tháng quá độ đến cuộc bầu cử đa chủng tộc đầu tiên đưa ông lên ngôi vị Tổng thống năm 1994, và cho đến ngày ông rời khỏi đấu trường chính trị năm 1999, thì còn rất nhiều phẩm chất đáng kính khác ở nhà lãnh đạo này.

Nelson Mandela không phải là một chính trị gia tầm thường. 

Đưa tin về "câu chuyện Mandela" là một trải nghiệm cả đời. Ông đã đưa tất cả chúng ta vào nỗ lực trở thành những con người tốt đẹp hơn, và đặc biệt là, chọn con đường hòa giải vào thời điểm tất cả người Nam Phi, da màu và da trắng, vẫn còn mang nhiều vết sẹo của chủ nghĩa apartheid. 

Một lần, trong một cuộc tuần hành vận động chính trị đầy căng thẳng ở thị trấn Alexandra bên rìa thành phố Johannesburg, khi tâm lý chống da trắng lấn át trong đám đông sau một cuộc thảm sát nhằm vào người da đen bởi một "thế lực thứ ba" da trắng - Mandela đã dừng phát biểu giữa chừng và dồn sự chú ý vào một phụ nữ da trắng đứng đâu đó ở phía sau.  

"Người phụ nữ ở đằng kia đã cứu mạng tôi. Cô ấy chăm sóc cho tôi hồi phục sức khỏe khi tôi bị bệnh lao", ông nói với một nụ cười rạng rỡ. Mandela gọi người phụ nữ lên sân khấu và ôm cô nồng ấm, nhớ lại hồi năm 1988, khi còn trong nhà tù Pollsmoor ở Cape Town, ông bị bệnh lao và phải nhập viện. Khi đó nữ y tá này đã chăm sóc cho ông.

Tâm thức của đám đông lập tức thay đổi. Những tiếng hét ủng hộ nhấn chìm những yêu cầu đòi trả thù.

Và khi ông làm Tổng thống Nam Phi, Mandela đã chủ trì một cuộc họp của Cộng đồng Phát triển Nam Phi, một nhóm kinh tế cấp khu vực. Tất cả các tổng thống và thủ tướng trên toàn vùng tham dự sự kiện này. Họ phải đưa ra một phản ứng thống nhất trước một cuộc khủng hoảng khác đâu đó ở châu Phi.

Từ buổi sáng, các phóng viên đã chờ đợi một cuộc họp báo. Một phóng viên đài phát thanh, vì phải đi đón con ở trường, đã cầu mong cho cuộc họp báo không diễn ra khi cô ra ngoài. 

Nữ phóng viên quay trở lại đúng giờ và mang theo con trai tới cuộc họp. Các nhà lãnh đạo bước vào, Mandela diện "chiếc áo Madiba" còn các đại biểu khác trong trang phục com-lê trịnh trọng.

Mandela nhìn thấy cậu bé và không ngần ngại, ông bước thẳng tới bắt tay cậu và nói: "A, xin chào. Cháu thật tử tế khi bớt chút thời gian trong lịch trình bận rộn của mình để ở đây cùng chúng tôi hôm nay". 

Cậu bé cười rạng rỡ. Mẹ của em cũng vậy. Các phóng viên bị hút hồn còn các nhà lãnh đạo khác của châu Phi sửng sốt.

Hành động đó đã trở thành hình mẫu.  

Trong khi tiến hành các thủ tục li dị, ông công khai giãi bày rằng người phụ nữ mà ông yêu say đắm, Winnie, đã không ngủ cùng ông dù chỉ một đêm kể từ khi ông ra tù.

Một nhà hoạt động tên là Strini Moodley - người cũng ngồi tù ở Robben Island, kể Mandela đã giữ một tấm ảnh của Winnie trong phòng giam. Khi Moodley hỏi mượn tấm hình để ông vẽ phác họa, Mandela đáp: "Ông có thể mượn cô ấy trong ngày, nhưng đêm thì cô ấy phải trở về với tôi". 

Trên đường vận động, mỗi buổi sáng, Mandela luôn hỏi các phóng viên họ ngủ thế nào và họ có kịp ăn sáng không. Ông biết tên rất nhiều nhà báo và nhiếp ảnh gia, thường dừng lại để trò chuyện với họ và không quên nói "thật tuyệt lại được gặp bạn ở đây". 

Một trong những giây phút quyết định trong nỗ lực không mệt mỏi của Mandela nhằm hòa giải những cộng đồng bị chia rẽ sâu sắc đã xuất hiện khi ông thăm Betsie Verwoerd, góa phụ của kiến trúc sư chủ nghĩa apartheid Hendrik Verwoerd, người đã đẩy Mandela vào tù.

Dưới sự lãnh đạo của Verwoerd trong vai trò Thủ tướng từ năm 1958 đến khi ông bị ám sát năm 1966, đảng Đại hội Dân tộc Phi và Đảng Cộng sản Nam Phi bị coi là ngoài vòng pháp luật, khiến Mandela phải hoạt động ngầm và rốt cuộc bị bắt, bị khởi tố và phạt án tù chung thân năm 1964 vì "những hành động phá hoại" và "âm mưu lật đổ chính phủ". 

Cuộc gặp gỡ "uống trà với Betsie" diễn ra tại nhà riêng của bà ở vùng đất Orania của toàn người da trắng ở Mũi Bắc tháng 8/1995. Bà Verwoerd, khi đó đã 94 tuổi và rất yếu, sau này nói khá ít về thực tế là bà rất vui khi Tổng thống đến thăm. Cháu gái bà, Elizabeth, thì ít niềm nở hơn, được tin là còn nói rằng cô ước ông là "Tổng thống của một nước láng giềng" còn hơn.

Mandela là một người khoan dung và rộng lượng, nói rằng cách ông được tiếp đón ở Orania "cứ như thể tôi ở Soweto", một thị trấn của người da đen bên ngoài Johannesburg, nơi ông được coi như một người anh hùng.  

Vài tháng trước đó, ngày 27/4/1994, các phóng viên tập trung tại một ngôi trường bên ngoài Durban, nơi Mandela sẽ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử đa sắc tộc đầu tiên ở Nam Phi. Mọi người đã nghĩ: "Điều gì thực sự đang xảy ra? Mandela sẽ bỏ phiếu? Apartheid đã thực sự chấm dứt?". 

Đúng như vậy. Mandela đã có một bài phát biểu ngắn nói về bình minh của "một Nam Phi mới, nơi tất cả mọi người Nam Phi đều bình đẳng". Sau đó, ông bỏ lá phiếu của mình vào thùng, mặt đỏ bừng trong ánh mặt trời buổi sớm và mỉm cười hạnh phúc. 

Đó là một kiểu cười mà bạn biết rõ là không phải để dành cho những chiếc máy quay. Nụ cười đó toát ra từ đáy sâu của tâm hồn. Và ở Mandela, một tâm hồn hiếm thấy. 

Thanh Hảo (Theo Africa Review)