Đã bao giờ bạn tự hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn cắt mác chiếc áo mới mua, mặc ngay nó ra khỏi cửa hàng mà không cần giặt trước? Nguy cơ nhẹ nhất là gì? Bạn sẽ không sao cả. Nhưng vài ba ngày sau, một số vết phát ban, ngứa hoặc đau có thể xuất hiện ở những vị trí bạn hay cọ xát với chiếc áo nhất.
Bạn đã bị một tình trạng gọi là viêm da dị ứng. Quần áo tập gym- loại may bằng vải tổng hợp, sáng bóng, co giãn và chống thấm nước là thứ dễ gây vấn đề nhất. Mọi chuyện xuất phát từ những hóa chất tồn dư mà nhà sản xuất quần áo không hề ghi trên nhãn hàng của họ.
Các hóa chất này thậm chí có thể liên quan đến ung thư. Chúng rò rỉ và thấm trên da bạn khi bạn ra mồ hôi, phát tán vào không khí mà bạn hít thở khi chiếc áo bị xù lông hoặc cũ mủn.
Rốt cuộc, đâu là nguy cơ cuối cùng khi bạn mặc một chiếc áo mới mua mà không giặt?
Viêm da dị ứng là một phản ứng liên quan đến hệ thống miễn dịch. Nó xảy sau khi da bạn tiếp xúc với một chất gây dị ứng. Các phản ứng của tình trạng viêm da này thường khởi phát chậm. Sau vài ngày kể từ khi bạn mặc chiếc áo mới không giặt, các vết phát ban mới bắt đầu xuất hiện, và chúng có thể kéo dài trong nhiều tuần lễ.
Tiến sĩ Susan Nedorost, giáo sư da liễu tại Đại học Case Western Reserve cho biết: "Khi viêm da dị ứng cho tiếp xúc bắt nguồn từ quần áo, phần lớn các trường hợp là do thuốc nhuộm vải".
Các loại thuốc nhuộm này được sử dụng phổ biến trong các vật liệu quần áo tổng hợp như polyester và nylon. Và nồng độ của chúng sẽ cao hơn trong những bộ quần áo mới chưa giặt.
Giáo sư Nedorost nói rằng mồ hôi và ma sát có thể khiến thuốc nhuộm phát tán ra khỏi quần áo. Và loại quần áo gây viêm da dị ứng nhiều nhất mà bà gặp phải là quần áo tập gym – được may bằng vải tổng hợp, sáng bóng, co giãn và chống thấm nước.
"Nếu một bệnh nhân đến phòng khám với các vết phát ban sau gáy và dọc theo hai bên quanh nách, câu đầu tiên tôi hỏi họ là họ đã mặc gì khi tập thể dục", bà nói.
Không có số liệu thống kê cho biết những ca dị ứng do tiếp xúc với thuốc nhuộm này phổ biến đến cỡ nào. Nhưng từ lâu, chúng ta đã có một mẹo nhỏ để hạn chế nguy cơ gặp phải nó: giặt những bộ quần áo mới trước khi mặc.
Theo giáo sư Nedorost, giặt quần áo lần đầu sẽ giúp giảm nồng độ thuốc nhuộm cũng như các chất kích ứng khác có thể có trong vải. Trong một số hoàn cảnh đặc biệt, ví dụ như bạn có vết thương hở, thuốc nhuộm vải thấm qua da vào máu có thể kích hoạt những phản ứng miễn dịch nguy hiểm và kéo dài hơn.
Dị ứng cũng không phải là vấn đề duy nhất liên quan đến những hóa chất tồn dư trong quần áo. Trong nghiên cứu năm 2014, một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Stockholm ở Thụy Điển đã thử xét nghiệm 31 mẫu quần áo được mua tại các cửa hàng bán lẻ.
Các mẫu quần áo này rất đa dạng về màu sắc, chất liệu, nhãn hiệu, quốc gia sản xuất và giá cả, và dành cho nhiều thị trường rộng lớn. Họ đã tìm thấy một loại hợp chất hóa học có tên là quinoline trong 29/31 mẫu.
Đặc biệt, những mẫu quần áo làm từ vải polyester có nồng độ quinoline cao nhất. Đây là hóa chất được các nhà sản xuất cho vào thuốc nhuộm vải. Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ đã phân loại quinoline là chất có thể gây ung thư ở người, dựa trên một số nghiên cứu liên kết nó với những khối u khởi phát ở chuột.
Ulrika Nilsson, một giáo sư ngành hóa phân tích tại Đại học Stockholm cũng kể ra nitroanilines và benzothiazoles, hai hợp chất hóa học thường xuất hiện trong quần áo. Có bằng chứng cho thấy hai hóa chất này có liên quan đến các tác động xấu lên sức khỏe, bao gồm cả ung thư.
Mặc dù các hóa chất này có thể vẫn bị giam giữ trong các sợi quần áo của bạn, nhưng một số hóa chất khác có thể từ từ thoát ra tiếp xúc với da bạn hoặc phát tán vào không khí. Bạn có thể sẽ hít phải chúng khi quần áo cũ dần, bị xơ hoặc mủn ra.
Thật không may, giáo sư Nilsson cho biết các hóa chất này chưa được nghiên cứu kỹ. Chúng ta chưa biết chúng hấp thụ vào da hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào. Vì vậy, thật khó để đánh giá tiếp xúc với các hóa chất này trong quần áo có thể khiến bạn bị bệnh hay không.
David Andrew, một nhà khoa học cao cấp thuộc Nhóm công tác môi trường, một tổ chức phi lợi nhuận đã tiến hành điều tra hoạt động sử dụng hóa chất trong ngành dệt may, cho biết: Quần áo thường được các nhà máy xử lý bằng thuốc chống vết bẩn, chất nhuộm màu, chất chống nhăn, chất làm mềm và rất nhiều chất hóa học khác.
Theo luật, các nhà sản xuất quần áo cũng không phải tiết lộ bất kỳ hợp chất nào trong số này cho khách hàng. Nhưng Andrew biết một trong số các loại hóa chất nguy hại mà họ sử dụng có tên là fluorosurfactants (thường được gọi là PFAS).
PFAS được dùng để chống thấm cho vải. Hiện tại có rất ít hoặc gần như không có nghiên cứu nào điều tra về tính an toàn của nó. Không chỉ tiềm ẩn những rủi ro cho sức khỏe con người mặc, các hóa chất như vậy cũng có thể nhiễm vào nguồn nước và phát tán vào không khí để gây ra những thiệt hại lớn hơn.
"Tốt nhất, bạn lúc nào cũng nên giặt quần áo mới trước khi mặc", giáo sư Nilsson nói. "Việc này sẽ giúp làm giảm hàm lượng hóa chất, đặc biệt là các hóa chất còn sót lại sau quá trình sản xuất".
Nhưng ngay cả như vậy, giặt kỹ đến cỡ nào cũng không thể ngăn chặn hoàn toàn các hóa chất bị rò rỉ ra khỏi quần áo của bạn, bám lên da và phát tán vào không khí mà bạn hít thở. Hiện tại, các quy định về việc in nhãn quần áo cũng không giúp người tiêu dùng biết sản phẩm nào chứa nhiều hóa chất độc hại và sản phẩm nào an toàn hơn.
Một số nghiên cứu về quần áo cho thấy vải tổng hợp có thể cần được xử lý hóa chất nhiều hơn so với sợi tự nhiên như cotton. Nhưng chỉ có vậy thì chưa đủ để bạn phân loại các sản phẩm an toàn. Tốt hơn hết chúng ta nên có các quy định rõ ràng hơn, buộc các nhà sản xuất quần áo phải minh bạch các hợp chất được dùng trong quá trình sản xuất của họ.
Cho đến lúc đó, khi bạn nhìn vào một nhãn áo 100% cotton, bạn thực sự vẫn chưa biết trong đó có tồn dư các hợp chất hóa học hoặc chất phụ gia nào khác hay không. 100% thực ra không phải là 100% thực sự.
Theo GenK