Sau khi rời vị trí phó chủ tịch Amazon Web Service, Sandy Carter bắt đầu tìm hiểu và tham gia vào thị trường tiền mã hóa. Bà bị thu hút bởi các loại tiền số và NFT khác nhau. Carter thậm chí chi hàng nghìn USD để sở hữu bộ sưu tập NFT Lazy Lion.
Tuy nhiên, bà quan ngại liệu khối tài sản tiền mã hóa sẽ đi về đâu khi bà chết.
“Làm sao tôi có thể định trước kế hoạch tương lai, khi khối tài sản ấy chỉ là những con số trên chuỗi blockchain và hoàn toàn bất biến”, Carter chia sẻ với Vox.
Nhu cầu hợp thức hóa thừa kế tiền mã hóa
Sandy Carter không phải là người duy nhất lo lắng về điều này. Theo Recode, ước tính có đến 16% người trưởng thành tại Mỹ đầu tư vào tiền số. Tài sản số dường như có mặt ở mọi nơi, từ chiến dịch quảng cáo của Super Bowl đến những lời kêu gọi đầu tư của người nổi tiếng trên Instagram.
Tuy nhiên, tại Mỹ hiện vẫn chưa có cách nào lập di chúc hay để lại tài sản tiền số cho người thân. Người sở hữu tiền mã hóa có thể qua đời và để lại một khối tài sản khổng lồ trên thị trường ảo mà không ai có thể truy cập được.
Chính bản chất của tiền số đã gây khó khăn trong việc chuyển nhượng tài sản khi nhà đầu tư qua đời. Ảnh: Getty Images. |
Nhiều gia đình đã để mất khối tài sản khổng lồ vì không tìm được mã khóa người thân để lại. Một người đàn ông tên Michael Moody đã không thể mở khóa ví Bitcoin của người con Matthew Moody mất trong vụ tai nạn máy bay ở California. Trước đó, Matthew Moody là một thợ đào Bitcoin lâu năm. Điều này đồng nghĩa với việc lượng tiền mã hóa mà anh sở hữu sẽ rất có giá trị ở thời điểm hiện tại.
Câu chuyện tương tự xảy ra với Matthew Mellon, một doanh nhân người Mỹ sở hữu 193 triệu USD đồng XRP. Tuy nhiên, nhóm luật sư của ông không thể truy cập vào khối tài sản này vì mã khóa đã bị thất lạc ở Mỹ lúc Matthew còn sống. Tình cờ nền tảng quản lý XRP lại sẵn lòng mở khóa từng chút một cho Matthew Mellon nên nhóm luật sư sau đó đã lấy lại được khối tài sản này. Tuy nhiên, điều này sẽ không thể áp dụng với các nền tảng khác như Bitcoin hay Ethereum.
Theo Recode, về bản chất, tiền số không phải là loại hình tài sản có thể thừa kế. Được lưu trữ trên công nghệ blockchain, tiền mã hóa như một cuốn sổ cái kỹ thuật số lưu trữ tất cả các giao dịch của người dùng cùng với mật mã công khai (public key) hoặc riêng tư (private key). Trong đó, khóa riêng tư hoạt động tương tự như mật khẩu, bao gồm những ký tự dài, khác biệt, giúp mở khóa ví điện tử của người dùng.
"Pháp luật không thể can thiệp nếu người dùng không truy cập được vào ví tiền điện tử", Luật sư thừa kế Pamela Morgan
Tuy nhiên, điểm khác biệt của khóa riêng tư so với mật khẩu thông thường là không thể khôi phục nếu người dùng quên hoặc làm mất. Điều này đồng nghĩa với việc người thừa kế sẽ không thể hưởng số tiền này nếu không có khóa riêng tư của tiền số.
“Những loại hình tài sản thông thường như nhà cửa, xe cộ hay quần áo đều sẽ được pháp luật quản lý. Tuy nhiên với tiền mã hóa, pháp luật dường như không thể can thiệp nếu người dùng không truy cập được vào ví tiền điện tử”, luật sư Pamela Morgan chia sẻ với Recode.
Vì không thể hợp thức hóa việc thừa kế tiền mã hóa, những nhà đầu tư bắt đầu nghĩ ra những cách thức kỳ lạ giúp con cháu hưởng khối tài sản tiền số mình để lại. Họ thậm chí còn dự định cất khóa riêng tư vào két sắt, sau đó thuê các dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp để truyền lại tài sản cho con cháu.
Những ý tưởng kỳ lạ để thừa kế tiền mã hóa
Về cơ bản, sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra với khối tiền mã hóa nếu bạn chết đi. Vì được lưu trữ trên blockchain nên loại hình tài sản này sẽ tồn tại bất biến dù chủ sở hữu còn sống hay đã chết.
Mặt khác, để thừa hưởng khối tài sản tiền số, con cháu của người đã mất cần phải biết cách truy cập nó. Nhiều nhà đầu tư quyết định dùng cách truyền thống: viết mã khóa vào tờ giấy và để ở nơi mà người thân trong gia đình có thể tìm thấy.
Ngoài ra, một vài người khác lại sử dụng các nền tảng giúp người dùng giao dịch tiền số trực tuyến như Binance hay Coinbase. Những sàn giao dịch này sẽ giao lại tài sản của nhà đầu tư cho người thân nếu chứng minh được quyền thừa hưởng theo pháp luật, tương tự như ngân hàng truyền thống.
Nhiều người thậm chí còn viết mật mã ra giấy để dễ dàng chuyển nhượng tài sản tiền số cho con cháu. Ảnh: Bloomberg. |
Song, nhiều người sở hữu tiền số không ưa thích cách làm này vì sợ sẽ trở thành con mồi cho tin tặc. Một số lại không yên tâm khi giao quyền quản lý tài sản của mình cho bên thứ ba. Theo Recode, Binance và Coinbase vẫn chưa cho phép chủ tài sản chỉ đích danh người thụ hưởng tiền mã hóa.
Vì vẫn chưa tìm ra cách giải quyết hợp lý nên nhiều cá nhân đã tự mình khởi nghiệp các công ty công nghệ chuyên về lĩnh vực thừa kế tiền mã hóa như Safe Haven, Casa. Những doanh nghiệp này cho phép nhà đầu tư dùng nhiều lớp mã khóa riêng tư và qua tay nhiều người để khóa khối tài sản tiền số của mình.
Mặc dù giúp việc thừa hưởng tiền mã hóa trở nên dễ dàng hơn, phương thức này lại yêu cầu quy trình thực hiện rất phức tạp.
"Nếu nhà đầu tư không đặt mã khóa ở nơi an toàn mà người thân có thể tìm ra, khối tài sản của họ sẽ chỉ là những con số chết, nằm yên một chỗ", Luật sư lĩnh vực đầu tư tiền số Matthew McClintock
Rudy Steenhoek, nhà quản lý mảng thông tin sống ở Netherlands, dùng một cách khác có tên là “công tắc của người chết”. Anh đưa vợ mình một chiếc ổ cứng cùng với mã khóa. Một khi người vợ sử dụng mã khóa, Steenhoek sẽ ngay lập tức nhận được thông báo. Nếu anh không phản hồi với thông báo trên, thiết bị sẽ tự hiểu là người dùng đã qua đời và người vợ sẽ có toàn quyền sử dụng khối tài sản số này.
Nghe có vẻ phức tạp, nhưng công nghệ này giúp người thân của Steenhoek không cần phải chứng minh quyền thừa hưởng tài sản với ngân hàng hay bất cứ dịch vụ bên thứ 3 nào.
Mặt khác, những đại gia có thể sử dụng nhiều cách khác để bảo vệ tài sản của mình như ủy thác cho các doanh nghiệp gia đình. Nhóm người này sẽ lưu trữ khối tài sản số ở những tổ chức tài chính chuyên cung cấp dịch vụ quản lý ví tiền mã hóa cho giới nhà giàu.
Hàng trăm gia đình giàu có đã làm theo hướng này, Diogo Mónica, chủ tịch và nhà đồng sáng lập của công ty chuyên xử lý các vấn đề về bảo mật tiền điện tử Anchorage, chia sẻ với Recode.
Trắng tay vì quên mật khẩu ví điện tử
Nhìn chung, tất cả các phương thức thừa kế tiền mã hóa đều cố gắng không để khối tài sản tiền số này bị chôn vùi. Bởi, nếu mất đi mã khóa, những người ở lại có thể mất hàng năm trời để tìm lại số tiền quý giá của người đã mất.
Gần đây xuất hiện hàng loạt những câu chuyện xin cư dân mạng giúp đỡ để tìm số tài sản tiền mã hóa của người thân đã mất. Nhiều gia đình thậm chí phải thuê chuyên gia trong lĩnh vực điều tra số để tìm khối tài sản thất lạc.
Tiền kỹ thuật số hứa hẹn sẽ đi vào mọi mặt của cuộc sống. Ảnh: Bloomberg. |
“Nếu các nhà đầu tư không sao y mã khóa và đặt nó ở nơi an toàn mà người thân có thể tìm ra, khối tài sản của họ sẽ chỉ là những con số chết, nằm yên một chỗ. Bởi chúng đã khóa chặt và không ai có thể truy cập”, luật sư lĩnh vực đầu tư tiền số Matthew McClintock cho biết.
“Cứ thử đi hỏi những người chơi chứng khoán mà xem. Liệu họ có biết số chứng khoán đó sẽ đi về đâu khi họ chết không? Ắt hẳn là không, bởi họ chưa có sự chuẩn bị gì cả. Tiền mã hóa cũng thế thôi”, nhà tư vấn tài chính Tyrone Ross cho hay.
(Theo Zing)
Huyền thoại bảo mật Mikko Hypponen: “Đầu tư tiền mã hóa có thể về 0 bất kỳ lúc nào”
Theo chuyên gia bảo mật Mikko Hypponen, Giám đốc Nghiên cứu F-Secure, việc đầu tư vào tiền mã hoá hoàn toàn không được bảo vệ, không có gì đảm bảo và giá trị đầu tư các đồng tiền mã hóa có thể trở về số không bất kỳ lúc nào.