Tây Ban Nha đang đứng trước cơn địa chấn chính trị sau khi kết quả trưng cầu dân ý hôm 1/10 cho thấy hầu hết người dân vùng tự trị Catalonia muốn độc lập.
Kết quả kiểm phiếu cho thấy, 90% số người tham gia, tương đương 2 triệu người, chọn "Có", thể hiện mong muốn tách khỏi Tây Ban Nha. Chưa đầy 8% theo hướng ngược lại.
Catalonia nếu tách khỏi Tây Ban Nha sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức. (Ảnh: AP) |
Số người đi bỏ phiếu tương đối thấp – khoảng 42%. Các quan chức của chính quyền vùng tự trị cáo buộc điều này là do chính phủ trung ương trấn áp. Tòa án tối cao Tây Ban Nha ra phán quyết cuộc trưng cầu là trái phép theo Hiến pháp.
Vua Filipe VI của Tây Ban Nha cho rằng những người tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ở Catalonia đã tự đưa mình "ra ngoài pháp luật". Ông cảnh báo tình hình ở Tây Ban Nha là hết sức nghiêm trọng và kêu gọi đoàn kết quốc gia.
Tuy nhiên, theo tin từ CNN, lãnh đạo vùng Catalonia Carles Puigdemont vẫn tỏ ra quyết tâm khi thông báo sẽ tuyên bố độc lập vào thứ Hai tới (9/10).
Catalonia là vùng tự trị nằm ở đông bắc Tây Ban Nha, với dân số 7,5 triệu người có ngôn ngữ và văn hóa riêng.
Catalonia cũng có lực lượng cảnh sát riêng, có quy chế phát thanh truyền hình riêng. Catalonia còn tự cung cấp một số dịch vụ công như giáo dục, y tế, và có sẵn một số phái bộ ngoại giao ở nước ngoài để thúc đẩy thương mại.
Về diện tích, Catalonia chỉ chiếm 6% lãnh thổ Tây Ban Nha còn dân số chiếm 16%. Tuy nhiên, xứ sở này đóng góp xấp xỉ 20% GDP, khoảng 25% tổng lượng xuất khẩu và hơn 50% giá trị đầu tư doanh nghiệp khởi nghiệp trong năm 2016.
Barcelona, thủ phủ của Catalonia, là một trong 20 cảng biển hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) tính về khối lượng hàng hóa được xử lý. Tarragona, thành phố cảng của vùng này, cũng là một trong những trung tâm hóa chất lớn nhất châu Âu.
Với thế mạnh như vậy, dân chúng Catalonia muốn độc lập để có quyền tự quyết trong mọi lĩnh vực, bao gồm văn hóa, chính trị và kinh tế.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, nếu độc lập, Catalonia có được quyền tự chủ, trước mắt là về kinh tế, nhưng sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức trong tiến trình xây dựng một nhà nước mới.
Kinh tế khu vực sẽ chịu tổn hại nặng nề. Một Catalonia độc lập muốn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Thương mại thế giới gần như là điều không thể, có nghĩa là chi phí xuất nhập khẩu sẽ tăng lên còn việc làm giảm bớt.
Vô vàn những nhiệm vụ khó khăn khác mà Catalonia sẽ phải tự thực hiện như kiểm soát biên giới, an ninh quốc phòng, xây dựng lực lượng hải quan, lập ngân hàng trung ương, cơ quan thuế… Và điều tối quan trọng: ngân sách để vận hành toàn bộ bộ máy mới.
Theo nhà bình luận Ciaran Giles của hãng thông tấn AP, tuyên bố độc lập của Catalonia sẽ chỉ mang tính biểu tượng, và giới chức địa phương sẽ khó làm được điều gì khác ngoài hạ quốc kỳ Tây Ban Nha khỏi các tòa nhà công.
Ciaran Giles giải thích rằng, xưa nay chính quyền Madrid vẫn kiểm soát và vận hành các lĩnh vực quan trọng như quốc phòng, ngoại giao, thuế quan, hoạt động tại các sân bay, cảng biển và hệ thống đường sắt, kể cả chi tiêu ngân sách của Catalonia.
Nợ công cũng sẽ là một bài toán vô cùng nan giải. Chính quyền Catanolia hiện đang cõng khoản nợ 77 tỷ Euro, tương đương 35,4% GDP của vùng, trong số này có 52 tỷ Euro vay từ chính phủ Tây Ban Nha.
Nếu độc lập, Catalonia sẽ phải trả bao nhiêu nợ cho Madrid, và phải gánh bao nhiêu phần trăm trong tổng số nợ quốc gia của Tây Ban Nha? Đó là một câu hỏi không dễ giải đáp.
Geoffrey Minne - nhà kinh tế học tại Tập đoàn ING của Hà Lan – đưa ra đánh giá trong một báo cáo nghiên cứu: "Cũng như Brexit, chúng tôi cho rằng Catalexit sẽ đẩy khu vực này vào thời kỳ bất ổn kéo dài, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực tư nhân".
Kathleen Brooks, Giám đốc nghiên cứu tại City Index, nhận định bất ổn có thể kéo giá trị đồng Euro giảm xuống khoảng 5%.
Thanh Hảo