Trong thông báo về việc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển mới công bố, một số trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Bách khoa TP.HCM… đưa ra các điều kiện riêng.

Điều kiện của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là: Không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống.

{keywords}
Thí sinh dự thi THPT Quốc gia năm 2016 (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

Tổng điểm trung bình của các môn học thuộc tổ hợp môn xét tuyển, tính cho 6 học kỳ THPT từ 20,0 trở lên (Trường sẽ kiểm tra học bạ THPT khi thí sinh trúng tuyển đến nhập học). Điều kiện này không áp dụng cho thí sinh thuộc diện tuyển thẳng và thí sinh thi liên thông từ hệ cao đẳng chính quy của Trường lên đại học.

Điểm xét tính từ kết quả thi của tổ hợp môn xét tuyển không thấp hơn 6,0.

Khi ĐKXT vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh được phép đăng ký tối đa 2 nguyện vọng theo nhóm ngành (gọi tắt là nguyện vọng ngành) vào trường ĐHBK Hà Nội. Các nhóm ngành (gồm một hoặc vài ngành đào tạo) có chung một mã xét tuyển, có cùng tổ hợp các môn xét tuyển và cùng điểm chuẩn trúng tuyển. Các ngành/chương trình đào tạo đại học của Trường được liệt kê trong bảng dưới đây. Việc phân ngành học (đối với các nhóm có 2 ngành trở lên) được thực hiện sau năm học thứ nhất trên cơ sở kết quả học tập và nguyện vọng của sinh viên.

Điểm chuẩn trúng tuyển cho mỗi nhóm ngành sẽ được xây dựng theo thang điểm 10 phù hợp với công thức tính Điểm xét, ví dụ 6,85; 8,20...

Đối với một nhóm ngành của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn trúng tuyển bằng nhau cho tất cả các tổ hợp môn xét tuyển. Do đó thí sinh chỉ đăng ký một tổ hợp môn xét tuyển có kết quả thi cao nhất.

Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM tuyển sinh theo hình thức xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Các thí sinh đang học lớp 12 và các thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT các năm trước) cần dự thi kỳ thi THPT Quốc gia 2016 để lấy kết quả xét tuyển vào trường Đại học Bách Khoa.

Điều kiện sơ tuyển (dự kiến) là trung bình cộng của các điểm trung bình năm học lớp 10, 11, 12 đạt từ 6,5 (đại học), 6,0 (cao đẳng).

Điểm xét tuyển là tổng điểm 3 môn thi của tổ hợp môn thi (khối thi), không nhân hệ số, trừ ngành Kiến trúc có điểm môn Toán nhân 2. Nếu ngành/ nhóm ngành dự xét tuyển có nhiều tổ hợp môn thi thì điểm xét tuyển được tính theo tổng điểm của tổ hợp môn thi có điểm lớn nhất.

Điểm trúng tuyển được xét theo nhóm ngành. Sinh viên nhập học theo nhóm ngành và được phân ngành trong nhóm ngành vào năm thứ hai theo nguyện vọng và theo kết quả học tập tại trường. 

Trường ĐH Kinh tế quốc dân đưa ra điều kiện xét tuyển riêng là điểm ba môn thi của tổ hợp môn xét tuyển cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ GD-ĐT ít nhất 2 điểm.

Trường ĐH Ngoại thương yêu cầu điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên, hạnh kiểm của từng năm lớp 10, 11, 12 từ khá trở lên, điểm ba môn thi (theo tổ hợp môn xét tuyển) đạt mức điểm thông báo nhận hồ sơ xét tuyển của nhà trường.

Thông tin chi tiết về thủ tục đăng ký xét tuyển theo nhóm GX, thí sinh có thể xem và tải mẫu đơn đăng ký xét tuyển tại trang web tuyển sinh của nhóm theo địa chỉ http://tsgx.vn.

Trường ĐH Y Hà Nội thông báo: trường có điểm trúng tuyển theo ngành. Tiêu chí phụ và thứ tự ưu tiên của các tiêu chí phụ dùng để xét tuyển (nếu có trường hợp các thí sinh cuối cùng của chỉ tiêu tuyển sinh có điểm thi bằng nhau) như sau: Ưu tiên 1 là môn Toán, ưu tiên 2 là môn Sinh học.

Lê Huyền – Ngân Anh