Đôi khi bạn có thể tìm hiểu về một thành phố và cuộc sống ở đó từ các rạp chiếu phim địa phương cũng như những bộ phim mà họ chọn để trình chiếu.

TIN BÀI KHÁC:


Chỉ có khoảng 6 rạp chiếu phim trên toàn thành phố Kabul, thủ đô của Afghanistan. Hầu hết các rạp như Cinema Park và Ariana Cinemma đều bị phá hủy trong nội chiến và sau đó bị Taliban cấm mở cửa. Hiện mỗi rạp chiếu phim còn lại trình chiếu 3 bộ phim mỗi ngày với suất chiếu đầu tiên bắt đầu từ lúc 10 giờ sáng.

Các bộ phim của điện ảnh Bollywood (Ấn Độ), Pashto (Pakistan) và thỉnh thoảng có phim của Hollywood được trình chiếu tại các rạp ở Kabul, tuy nhiên, thể loại phim dường như không thay đổi; những người hâm mộ điện ảnh Afghanistan thích các bộ phim hành động.

Người dân Kabul dường như quên đi thế giới bên ngoài và những căng thẳng hàng ngày khi xem phim. Đối với họ, đó là một Afghanistan khác bên trong rạp chiếu.

Không giống như các rạp chiếu phim khác trên thế giới, những người tới xem phim có thể hút thuốc trong rạp, nói chuyện điện thoại, vỗ tay và huýt sáo khi trên màn hình có cảnh quay hành động hay tiếng nhạc nổi lên.

Vào một buổi chiều thứ Sáu, bên ngoài rạp chiếu phim Cinema Pamir chật kín người tới nỗi các nhân viên phải khóa tất cả các cửa lại trước giờ chiếu. Mọi người chen chúc đi vào bên trong để có được chỗ ngồi tốt nhất khi cửa được mở ra. Một vài người không tìm thấy chỗ thậm chí còn ngồi xổm trước màn hình lớn. Điều đó đủ để thấy người dân Kabul yêu điện ảnh tới cỡ nào.

Không dễ gì để chụp một bức ảnh về những người đi xem phim vì không ai muốn bị chụp hình bên trong rạp (lúc này, điện ảnh vẫn bị coi là điều cấm kị). Rất nhiều bức ảnh của tác giả bài viết, Danish Siddiqui, đã bị xóa khi khán giả trong rạp phát hiện anh đang chụp hình họ và cảm thấy không vui. Một vài người khác thậm chí còn hình dung ánh đèn flash là một quả bom.

Mặc dù vậy, Danish Siddiqui vẫn có thể chụp được hình nhiều người đang mê mải xem phim. Trong suốt 5 ngày lang thang ở các rạp chiếu phim Kabul, Danish chỉ nhìn thấy duy nhất 2 người phụ nữ trùm đầu ngồi bệt trước màn hình chăm chú theo dõi 1 bộ phim của điện ảnh Pashto tại rạp chiếu Cinema Pamir. Khi đề nghị chụp hình hai phụ nữ trên, ông chủ rạp đã ngăn Danish lại và nói rằng văn hóa Afghanistan cấm phụ nữ chụp ảnh.

Từ những rạp chiếu phim sang trọng tại các đô thị lớn như Mumbai tới rạp chiếu phim ngoài trời trong những ngôi làng hay các rạp chiếu phim tách biệt tại Kabul có thể thấy phim là một lối thoát thực tại mà các quốc gia và nền văn hóa khác nhau được thưởng thức.

Sầm Hoa (Theo Reuters)