Đại hội cổ đông Công ty cổ phần Thế Giới Số (Digiworld, DGW) hôm nay, 26/4, cho biết công ty lần đầu tiên trong lịch sử 18 năm không đạt chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2015. Bà Tô Hồng Trang, thành viên hội đồng quản trị DGW, cho biết nguyên nhân của việc sụt giảm doanh thu của DGW, khoảng 14% so với năm 2014, là do Microsoft thay đổi chính sách kinh doanh tại Việt Nam. Do Microsoft mua lại Nokia, sau đó không tập trung bán phần cứng mà chuyển hướng sang phần mềm nên điện thoại Nokia/Microsoft dần mất chỗ đứng tại Việt Nam, giảm sút doanh số. Bà Trang cho biết sự thay đổi của Microsoft/Nokia không chỉ ảnh hưởng đến DGW mà còn ảnh hưởng đến doanh thu các nhà phân phối, nhà bán lẻ khác.

Giải thích thêm về việc này, ông Đoàn Hồng Việt – Chủ tịch hội đồng quản trị DGW – cho biết thời điểm ông Steve Ballmer còn làm CEO của tập đoàn Microsoft, ông tập trung chiến lược bán sản phẩm và dịch vụ của hãng. Lúc này các sản phẩm Lumia vẫn được tập trung để bán càng nhiều càng tốt, nhằm gia tăng lượng người dùng dịch vụ Microsoft. Khi ông Natya Nadella lên thay Ballmer, tập đoàn Microsoft tập trung bán phần mềm và dịch vụ, ví dụ dịch vụ One Drive không chỉ dùng cho Windows mà có thể được dùng cho cả người dùng Android, iOS; vai trò của sản phẩm phần cứng không đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch của Microsoft nữa nên đây có thể là lý do khiến hãng không tập trung phát triển sản phẩm, ít nhất ở thị trường Việt Nam. Việc thay đổi chính sách này khiến các nhà phân phối Microsoft/Nokia tại Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều.

Số liệu của DGW cho biết năm 2015, doanh số Microsoft/Nokia của công ty giảm đến 64% so với năm 2014. Không có doanh số cả năm của Microsoft/Nokia trong năm 2015 ở nhà phân phối DGW, nhưng chỉ riêng doanh thu quý 1/2015 của hãng này đã đạt hơn 330 tỷ đồng, cho thấy đóng góp doanh thu của hãng này đối với DGW là rất lớn. Trong năm 2016, công ty không đưa điện thoại Microsoft vào kế hoạch doanh thu. Mặc dù vẫn còn phân phối Microsoft ra thị trường nhưng trong bảng tính doanh số của DGW quý 1/2016, công ty để doanh thu điện thoại hãng này bằng 0.

Trao đổi với ICTnews, ông Đoàn Văn Hiểu Em – Giám đốc ngành hàng điện thoại của Thế Giới Di Động – cho biết điện thoại Nokia/Microsoft hiện nay ở hệ thống này do 3 nhà phân phối cung cấp, gồm FPT Trading, Lucky, DGW. Trong đó, FPT Trading, Lucky phân phối điện thoại cơ bản, chiếm 50% lượng máy cung cấp cho Thế Giới Di Động. 50% lượng máy còn lại của Microsoft ở Thế Giới Di Động là của DGW. Tuy nhiên khác với các nhà phân phối khác, DGW cung cấp dịch vụ fulfillment – bán hàng dựa trên nhu cầu của Thế Giới Di Động.

DGW là nhà phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin (máy tính xách tay, máy tính bảng), thiết bị văn phòng và điện thoại di động. Ông Đoàn Hồng Việt cho biết mảng thiết bị văn phòng tăng trưởng mạnh, tỷ suất lợi nhuận cao, nhưng quy mô thị trường không lớn nên đóng góp doanh thu của mảng này vào DGW rất thấp. Trong khi đó, mảng máy tính xách tay hay máy tính bảng thì công ty đã phân phối hầu hết các hãng trên thị trường, nên chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 4% trong năm 2016. Do đó, để đạt mục tiêu kinh doanh năm 2016, công ty sẽ tập trung vào lĩnh vực điện thoại di động.

Đây là lý do công ty mở rộng phân phối và phát triển thị trường cho các thương hiệu khác để bù vào thiếu hụt của Microsoft/Nokia, gồm các thương hiệu như Lenovo, Obi, Wiko tron năm 2015, và mới đây là Intex (đầu năm 2016).

Dẫn số liệu của công ty nghiên cứu thị trường GfK, chủ tịch DGW cho biết 50% điện thoại trên thị trường Việt Nam vẫn đang là điện thoại cơ bản, ở mức giá 700-800 ngàn đồng. Các điện thoại này được bán ở khu vực nông thôn, hoặc ở thành phố dành cho khách hàng muốn mua điện thoại sơ cua. Đây là lý do công ty phân phối thương hiệu Intex – hãng điện thoại đứng thứ hai ở Ấn Độ, hầu hết sản xuất tại Ấn Độ - để phục vụ phân khúc điện thoại cấp thấp.

Ngoài ra, cũng theo số liệu GfK, smartphone vẫn sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam, trong đó tăng trưởng mạnh sẽ ở phân khúc 4,5 triệu đồng, ở khu vực nông thôn. Đó là nguyên nhân nhãn hàng Intex được DGW vừa ra mắt gần đây tập trung ở 21 thành phố ở Việt Nam nhưng không ra mắt ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.

Xu hướng hiện nay các hãng điện thoại tự phân phối đến các nhà bán lẻ mà ít phụ thuộc vào nhà phân phối. Như Oppo tự phân phối. Apple cho phép FPT Shop, Thế Giới Di Động, Viễn Thông A – 3 nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam hiện nay - tự nhập iPhone về bán. Samsung cũng tự mình bán hàng cho các nhà bán lẻ lớn ở Việt Nam, chỉ cho các nhà phân phối làm việc với các cửa hàng nhỏ. Chính sách này của các hãng lớn ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà phân phối truyền thống tại Việt Nam.

Mới đây, việc FPT Trading nhập hàng Oppo về bán mà không qua Oppo Việt Nam đã gây nên sự việc khá lùm xùm giữa hai nhà phân phối này. Việc FPT Trading nhập hàng Oppo, và có thể sẽ nhập điện thoại hãng khác nữa để bán ở Việt Nam, được các chuyên gia bán lẻ cho rằng công ty này đang đứng trước áp lực phải đảm bảo doanh số trong bối cảnh Apple, Microsoft/Nokia không còn là nguồn doanh thu chính.

Nói về xu hướng này, ông Việt cho biết sẽ tập trung phân phối và phát triển thị trường cho các hãng như đã nói, gồm Obi, Wiko, Intex, Motorola, Lenovo. Ông cho biết mỗi hãng chỉ cần chiếm được 2-3% thị phần thì DGW có thể đạt 12-13% thị phần chung.

Trước đó, bà Tô Hồng Trang cho biết hiện DGW đang có hệ thống đối tác là 6.000 cửa hàng nhỏ lẻ nên bên cạnh các hệ thống lớn, DGW tập trung phát triển các cửa hàng nhỏ lẻ này để góp phần gia tăng doanh số. Bà Trang cho biết các hệ thống lớn đang chiếm khoảng 50-55% thị phần của toàn thị trường bán lẻ, phần còn lại là của các cửa hàng nhỏ - đối tượng là các cửa hàng ở vùng xa, chủ cửa hàng đồng thời là nhân viên bán hàng, kỹ thuật viên… nên sẽ tiết kiệm chi phí và vẫn sẽ tồn tại bên cạnh các hệ thống lớn. Do đó tập trung vào chuỗi cửa hàng nhỏ lẻ sẽ là thế mạnh của DGW.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết Thế Giới Di Động đã tự nhập trực tiếp hầu hết điện thoại từ các hãng lớn, chỉ ở các hãng nhỏ hơn hay có vài rào cản nhỏ thì hệ thống này không tự nhập. Ông Hiểu Em chia sẻ, nếu việc nhập hàng từ nhà phân phối mà chi phí rẻ hơn thì ông sẽ vẫn tiếp tục duy trì. Tuy nhiên ông không giấu ý định sẽ tự nhập hàng hầu hết hàng hóa bán tại hệ thống Thế Giới Di Động mà không qua nhà phân phối.

Trong buổi họp đại hội cổ đông của Digiworld, công ty cho biết trong quý 1/2016, công ty đạt 811 tỷ đồng doanh thu, giảm 13% so với quý 1/2014, lãi gộp đạt 62 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Doanh thu ngành điện thoại ở DGW tăng trưởng 256% so với quý trước dù không có Microsoft/Nokia, máy tính xách tay và máy tính bảng đạt 434 tỷ doanh thu, thiết bị văn phòng đạt 127 tỷ đồng, tăng 61%.

Báo cáo của DGW cho biết tất cả các ngành hàng kinh doanh của công ty đều tăng trưởng trong năm 2015, trừ Microsoft/Nokia như đã nói. Kế hoạch năm 2016, công ty mong muốn đạt doanh thu 5.390 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2015; lợi nhuận 138 tỷ, tăng 31% so với năm ngoái.