- Theo đề án cải tạo, thay thế đối với cây xanh nội đô Hà Nội, tỉ lệ cây xanh trong đô thị còn thấp, có chỗ không có hoặc chưa đạt mật độ 50 cây/1km. Thế nhưng, Sở Xây dựng vẫn kiến nghị TP chặt hạ, thay thế 6.700 cây.
Hà Nội đốn hạ 6.700 cây xanh để làm gì? "Có những hàng cây đã thành biểu tượng, là dấu ấn của Hà Nội. Giờ chặt hết, Hà Nội còn lại gì ngoài bê tông? ". |
Hơn 10 triệu đồng chi phí cho một cây xanh
Theo đề án cải tạo thay thế cây xanh của Sở Xây dựng trình TP, năm 2015 này Hà Nội sẽ thay thế, trồng lại hơn 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố, với nguồn kinh phí thực hiện hơn 73 tỷ đồng.
Nhiều cây xanh nội đô Hà Nội thời gian qua đã phải "hy sinh" vì các dự án công cộng. |
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tỉ lệ cây xanh trong đô thị còn thấp, có chỗ không có hoặc đạt dưới 50 cây/1km.
Theo khảo sát của Sở Xây dựng, cây xanh Hà Nội được trồng trên 500 tuyến phố với hơn 100 loài, trong đó 25 loài có số lượng cá thể lớn. Số lượng cây trồng khoảng 50.000 cây với chủ yếu như xà cừ 5.000 cây, muồng 5.500 cây, bằng lăng 5.500 cây, phượng 3.800 cây, sữa 3.800 cây, bàng 2.800 cây, chẹo 2.000 cây, sấu 2.200 cây...
Các loài cây trên là cây xanh truyền thống của Hà Nội, trong đó xà cừ là loài được trồng nhiều ở các tuyến phố cổ, phố cũ với ưu điểm là cây cao, tán rộng.
|
Chặt cây trên đường phố Hà Nội. |
Qua công tác khảo sát trên 190 tuyến phố cải tạo, thay thế cây xanh đô thị của 10 quận, theo Sở Xây dựng thì có hơn 29 nghìn cây xanh đường phố, trong đó còn nhiều loài cây không thuộc chủng loại cây đô thị (cây cấm trồng) như dâu da, vông, dướng, trứng cá, bông gòn...
Một số cây đô thị trong quá trình sinh trưởng phát triển bị các tác động khách quan làm cho cây cong, xấu, nghiêng gây cản trở giao thông, không đảm bảo cảnh quan đô thị, một số cây chết, sâu mục không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão...
Sở Xây dựng cho rằng, các cây này cần được chặt hạ và trồng thay thế bằng loài cây chủ đạo của tuyến phố. Qua đó, trong năm 2015 này Hà Nội sẽ thay thế 4.500 cây không đúng chủng loại (cây cấm trồng) trên 190 tuyến phố.
Bên cạnh đó còn có khoảng 2.200 cây cong, nghiêng, nguy hiểm, cây cong xấu, cản trở giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị cần thay thế.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ thực hiện đồng thời công tác thay thế, dịch chuyển, chặt hạ, trồng mới cây, bó vỉa gốc cây, trồng cây cảnh dưới gốc... Ngoài ra đơn vị được giao nhiệm vụ cũng sẽ khảo sát toàn bộ hệ thống cây bóng mát trên các tuyến đường phố còn lại của 10 quận nội thành để đánh mã số quản lý.
Khối lượng dự kiến thực hiện như sau: 45.738 cây/470 tuyến phố/10 quận.
Để thực hiện thay thế, trồng lại hơn 6.700 cây xanh các loại này, Sở Xây dựng đề xuất xin TP nguồn kinh phí thực hiện giai đoạn 2014-2015 là 73,38 tỷ đồng, được huy động từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế.
Nếu được phê duyệt, kinh phí dành cho một cây xanh ở Thủ đô lên đến con số gần 11 triệu đồng/cây.
Không thuyết phục!
Đề án cải tạo cây xanh các quận nội đô ngay lập tức đã làm nóng dư luận. Rất nhiều ý kiến cho rằng, nếu thực hiện, đây sẽ là cuộc “cách mạng cây xanh” quy mô lớn đầu tiên được triển khai của Hà Nội.
Tuy nhiên, nếu cùng một lúc “xử” số lượng cây xanh lớn như vậy, lý do đưa ra chỉ vì “cây không đúng chủng loại” là chưa thuyết phục.
Với người dân Thủ đô, nhiều con phố, nhiều hàng
cây đã trở thành hình ảnh quen thuộc, thân thương của mình - Ảnh: Internet |
Một người dân sống tại phố Ngô Thì Nhậm – một trong các tuyến phố có chủ trương cải tạo, thay thế cây xanh thời điểm hiện tại, cho biết: “Một cây xanh phải 10 năm mới có thể khai thác giá trị của nó là bóng mát. Nếu thay thế một loạt, thì có thể đồng nghĩa với việc 10 năm sắp tới, Hà Nội sẽ thiếu cây xanh”.
“Hàng năm đến mùa mưa bão, các cơ quan chủ quản cho người đi tỉa cành, chặt cành là việc làm thường xuyên, cần thiết, vừa bảo đảm an toàn tính mạng cho người, vừa bảo đảm cả sự an toàn cho cây. Tôi đọc báo biết được thông tin, sẽ chặt hàng loạt cây vì không đúng chủng loại, điều này khiến tôi rất thắc mắc, vì thế nào là cây đúng chủng loại?” - một người khác nói.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, cán bộ nghỉ hưu (trú tại phường Phương Liên, quận Đống Đa) đưa ý kiến: “Nếu như có việc cây không đúng chủng loại thì ngay từ đầu trước khi trồng, cơ quan chủ quản cần thông tin với người dân để chúng tôi biết mà tránh trồng những cây không đúng trong danh mục. Hơn hết, việc trồng cây ở các tuyến phố không phải ai muốn trồng cũng được trồng, hay ai muốn chặt cái cây trước cửa nhà mình cũng được chặt. Họ đi khảo sát, quan sát bằng mắt thường rồi nói cây này cong, vênh, nghiêng, sâu, mọt…, rồi cho vào danh sách chặt cây. Rất vội vàng và rất ẩu” – ông Mỹ bức xúc.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến đưa quan điểm đồng thuận với mục đích đốn hạ những cây không đảm bảo chất lượng, ở các vị trí ngã ba, ngã tư đường giao thông đe dọa đến an toàn tính mạng của người dân.
“Nhiều ngã ba, ngã tư cột đèn giao thông ngay dưới gốc cây cổ thụ. Mỗi lần dừng xe đợi đèn đỏ, tôi cứ nơm nớp lo vì lỡ chẳng may, một cành cây nào rơi xuống thì nhiều người sẽ bị ảnh hưởng. Tôi đồng ý là chặt hạ những cây không đảm bảo để đường thông hè thoáng, nhưng làm có chọn lọc, và nên làm theo hướng chặt tỉa chứ đừng đốn hạ, thay thế hang loạt cây của cả một tuyến phố” – anh Nguyễn Anh Minh, quận Cầu Giấy cho hay.
Kiên Trung