Không chỉ là nơi hội tụ của "tam giáo đồng nguyên" (Nho, Phật, Lão) và là công trình kiến trúc cổ độc đáo, nơi đang lưu giữ được 11 đạo sắc phong cùng nhiều đồ tế tự cổ, Đình Đồng Niên nằm tại phường Việt Hòa, TP Hải Dương còn là nơi thờ 3 vị thành hoàng.
Ba vị này là những vị anh hùng cứu quốc thời vua Lý Nam Đế (544-602) có công đánh đuổi giặc Lương mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ cho dân tộc Việt Nam.
Đình Đồng Niên |
Theo nhiều tài liệu, đình Đồng Niên được xây dựng từ thế kỷ thứ 6. Ngôi đình này trở nên nổi tiếng bởi nó gắn liền với sự tích về một gia đình mang họ Trần. Theo "Lược thảo thần tích đình Đồng Niên", vào thời tiền Lý (thế kỷ thứ 6) ở đạo Nam Sơn, phủ Khoái Châu có một danh gia tên là Trần Húy Trí lấy vợ là Nguyễn Hương. Trí công thi đỗ cử nhân được bổ nhậm chức Bộ chủ châu Hải Dương. Đến tuổi tứ tuần mà vẫn chưa có con, vậy nên thấy nói chùa nào thiêng, ông bà đều đến thành tâm cầu nguyện. Khi đến đình Đồng Niên thì trời đổ mưa to, bà thấy cảnh chùa linh ứng phù hợp với tâm linh của bà nên làm lễ cầu tự và đã được như nguyện. Bà sinh cùng lúc được 3 người con (2 trai, 1 gái) vào đúng giờ ngọ ngày 10-3-526 và đặt tên cho người con thứ 1 là Phú, con gái thứ 2 là Phượng và con trai út là Mỹ.
Cả ba anh em đều rất thông minh, dũng cảm, văn võ song toàn, ít ai sách kịp. Năm anh em mười 12 tuổi thì mẹ qua đời. Khi đó mùa màng thất bát, trộm cướp liên miên, vua xuống chiếu tuyển người hiền để giúp nước. Hai anh em Phú và Mỹ đã tham gia và cùng thi đỗ Hoàng giáp đệ nhất, được vua ban thưởng và cho vinh quy bái tổ.
Năm đó, giặc Lương đem 3 vạn quân xâm lược nước ta. Vua triệu đình thần về triều bàn kế. Ba cha con Trần Trí xin đem quân đánh giặc. Trong 1 lần giao chiến với giặc trên sông Lục Đầu, Bộ chủ Trần Trí bị nước cuốn trôi. Nghe tin cha tử trận, nữ nương Trần Phượng đã đến xin vua thay cha đánh giặc. Trước tài đánh đông, dẹp bắc của nữ nương, giặc đã vô cùng khốn đốn và đến trận kịch chiến trên sông Lục Đầu, giặc bị đại bại.
Nghe tin thắng trận, vua cho triệu 3 anh em về triều ban yến tiệc và phong tước. Riêng nữ nương, vua muốn lấy làm Mẫu nghi thiên hạ nhưng nàng không thuận và xin về quê nhà. Đến sông Hàn Giang, địa phận Đồng Niên bỗng dưng trời nổi đám mây ngũ sắc, dưới sông có rồng nổi lên, rồi nàng biến mất, đó là ngày 8-5. Vua nghe tin, vô cùng thương tiếc cho đình thần về Đồng Niên làm lễ an táng và lập miếu thờ.
Hai anh em Phú và Mỹ hết lòng phụng sự triều đình. Hai ngài về Đồng Niên thấy phong cảnh tươi tốt nhưng dân cư thưa thới nên đã cho triệu tập dân phiên tán đến khai hoang, lập ấp, mở mang nghề nghiệp. Cho tu bổ đình Đồng Niên, cho xây ba tòa Đông cung, Tây cung và Nam cung.
Xong việc, 2 ngài đi chu du khắc nơi. Một hôm về đến quê nội, bỗng không đau ốm và 2 ngài cùng mất ngày 3-7. Nghe tin này, dân làng Đồng Niên vô cùng xót thương làm biểu tấu dâng vua. Nhà vua đã cấp cho Đồng Niên 800 quan tiền tu sửa cung, đền, ruộng tế tự 7 sào, miễn cho phu phen tạp dịch...
Ngoài sự tích về 3 vị Thành hoàng, người ta nhớ đến đình Đồng Niên còn bởi lối kiến trúc cổ đặc trưng kiểu chứ Đinh (T), gồm tiền tế 5 gian, hậu cung 2 gian. Đình có mặt chính diện hướng đông nam, sân đình lát gạch vuông Bát Tràng. Dải vũ 1 bên tả, hữu mỗi nhà 3 gian là nơi nghỉ chân và sửa đồ lễ tế của dân làng. Trang trí điêu khắc nghệ thuật tại đình được các nghệ nhân dân gian xưa thể hiện thành công ở các đề tài: "tứ linh", "tứ quý".
Tại gian thờ chính, hình ảnh rồng được khắc họa với nhiều tư thế khác nhau. Trên cao có phượng xòe cánh múa, dưới thấp "long mã" chở hòm nghiên, bên cạnh những chú rùa lặng lẽ ngẩng cao đầu rồi như bất chợt phun ra 1 dòng nước.
Đặc biệt, tại mặt ngoài vỉ ruồi gian dĩ, các nghệ nhận còn thể hiện hai mảng phù điêu độc đáo, khai thác tích "ngũ lão" và "bát tiên". Theo thuyết của Lão giáo, đây là hình ảnh của những người tu hành đắc đạo cùng vui tiên dao chốn bồng lai tiên giới. Ngoài ra, tại cổng phía tây còn được các nghệ nhân khắc họa hình chữ "Vạn" trên lưng chữ "Long" thể hiện tư tưởng triết lý luân hồi của đạo Phật. Đây là một chi tiết hiến thấy ở các ngôi đình khác. Từ những chi tiết chạm khắc nghệ thuật trên, có thể xác định đình Đồng Niên là một di tích độc đáo, nơi hội tụ của tư tưởng triết lý "tam giáo đồng nguyên".
Tới nay, đình Đồng Niên vẫn giữ được nét cổ kính hiếm có và được xếp di tích lịch sử quốc gia vào năm 1994. Để tưởng nhớ công lao của các vị Thành hoàng, hằng năm, người dân lấy ngày sinh của các ngài (10-3) âm lịch là ngày hội làng. Tại lễ hội, nhiều nghi thức tế lễ cùng các trò chơi dân gian phong phú đã thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương.
Vũ Lụa
Ảnh: Hà Sơn