Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cần bắt kịp sự phát triển của KHCN
Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 – 2025 đặt ra mục tiêu đào tạo ngắn hạn về an toàn thông tin cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước với 10.000 lượt trong 5 năm là nhiệm vụ quan trọng, nhiều thách thức, tuy nhiên hoàn toàn khả thi.
Theo đánh giá của các nhà quản lý, trước đây, khi nói đến CNTT, chúng ta nói đến hệ thống thông tin, ứng dụng CNTT. Bây giờ là hàng loạt các công nghệ: IoT, Cloud, Big Data, 5G,… tiếp đó là chuyển đổi số, kinh tế số. Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin do đó cũng cần liên tục thay đổi, hoàn thiện theo kịp sự phát triển của KHCN.
Thách thức tiếp theo có thể đến từ việc thu hút nguồn nhân lực lựa chọn và theo đuổi chuyên ngành an toàn thông tin. Đây là lĩnh vực khó đòi hỏi người học, người làm cần có năng lực thực sự, liên tục thay đổi, cập nhật kiến thức.
Cuối cùng, chúng ta có thể phải đối mặt đến từ nhận thức và hành động của các cơ quan, tổ chức. Theo tôi đây là vấn đề quan trọng nhất. Nhận thức và hành động là hai yếu tố quyết định giải quyết mọi vấn đề. Khi một cơ quan, tổ chức nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin và quyết định hành động thì sẽ tìm ra cách giải quyết các vấn đề còn lại.
Để đào tạo tốt, chúng ta cần nhìn ra thế giới, không ngừng học hỏi để hoàn thiện. An toàn thông tin giờ đây là vấn đề toàn cầu. Các cơ sở đào tạo cần có sự tăng cường hợp tác, trao đổi với các tổ chức quốc tế; Tiếp cận theo hướng toàn diện, gắn đào tạo với thực tế, có sự liên kết chặt chẽ giữa bên cung (các cơ sở đào tạo) và bên cầu (các cơ quan, tổ chức có nhu cầu nhân lực).
Trong một cuộc toạ đàm bàn về nguồn nhân lực an toàn thông tin, ông Trần Đăng Khoa, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển, Cục An toàn thông tin nhấn mạnh, an toàn thông tin không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà là vấn đề của toàn cầu.
"Vấn đề Việt Nam đang gặp phải cũng là vấn đề thế giới đang gặp phải. Việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin cần có sự chia sẻ, hợp tác quốc tế là điều hiển nhiên", ông Khoa lưu ý.
Cũng theo ông Trần Đăng Khoa, những năm gần đây, chúng ta có nhiều chuyên gia an toàn thông tin được các tổ chức quốc tế vinh danh, điều đặc biệt là các em đều còn rất trẻ, có nhiều đam mê công nghệ. Điều này có được là do các cơ sở đào tạo của Việt Nam đã có sự tiếp cận với thế giới.
Chúng ta cần nhìn ra thế giới, trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo cần tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi với các tổ chức quốc tế để hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo. Tiếp cận theo hướng toàn diện, gắn đào tạo với thực tế.
Không gian mạng là không giới hạn. Thực tế cho thấy có nhiều kỹ sư, chuyên gia an toàn thông tin Việt Nam đang học tập và làm việc tại nước ngoài, tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu, tuy nhiên, vẫn đóng góp tích cực cho an toàn thông tin trong nước. Khi làm việc tại nước ngoài, đội ngũ chuyên gia này sẽ có cơ hội được học hỏi, tiếp cận những công nghệ, những giải pháp hiện đại nhất của thế giới, từ đó sẽ có thể đóng góp cho nước nhà. Nếu chúng ta biết cách tận dụng, khuyến khích các đối tượng này đóng góp cho đất nước thì sẽ tạo thành một sức mạnh lớn cho an toàn thông tin mạng quốc gia.
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đẩy mạnh liên kết cộng đồng chuyên gia an toàn thông tin trong nước và nước ngoài, tạo thành mạng lưới thường xuyên chia sẻ thông tin và hỗ trợ lẫn nhau.