Việt Nam là nước dẫn đầu thế giới về diện tích đất trồng và sản lượng thanh long. Ngoài ra, Việt Nam cũng là nước sản xuất và xuất khẩu thanh long lớn thứ hai trên thế giới, giữ một thị phần đáng kể ở Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Châu Âu và Hoa Kỳ. Tuy vậy, kể từ khi Covid-19, chuỗi giá trị thanh long ở Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức lớn. Số liệu thống kê gần đây của Tổng cục Hải quan cho thấy kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam đã giảm mạnh kể từ năm 2019. Sự suy giảm này diễn ra cùng lúc với việc Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico đã trồng thành công loại quả này. Trong đó, Trung Quốc công bố đạt sản lượng 1,6 triệu tấn/năm, cao hơn Việt Nam. Những phát triển này nêu bật nhu cầu cấp thiết để tìm ra một hướng đi mới cho thanh long Việt Nam.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đồng tổ chức hội nghị “Phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam”. Hội nghị nhằm thúc đẩy thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm thanh long xanh theo hướng phát thải các bon thấp, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển thị trường trong nước và quốc tế, và thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng giữa các bên liên quan.
Hội nghị tập trung vào việc lồng ghép các phương pháp sản xuất xanh, ít phát thải carbon và thích ứng với biến đổi khí hậu từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi bền vững của hệ thống lương thực của Việt Nam, trong đó tập trung vào chuỗi giá trị của trái thanh long - một trong 10 loại cây chủ lực của Việt Nam. Sự chuyển đổi này đòi hỏi hệ thống quản lý hiện đại, thúc đẩy tính minh bạch thông qua chuyển đổi số và thiết lập các mối liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị, bao gồm nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và nhà phân phối. Sự minh bạch trong quy trình sản xuất, việc tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bao gồm cả việc theo dõi các yếu tố quan trọng như dấu chân các bon của trái thanh long là những điều tất yếu đối với các xu hướng nông nghiệp và thực phẩm xanh nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế mới và chiến lược hành động quốc gia hướng tới một tương lai bền vững với mức phát thải ròng bằng "0".
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh bài học quan trọng cho việc phát triển bền vững thanh long Việt Nam. Việc duy trì lợi thế cạnh tranh đòi hỏi trước tiên phải tập trung vào chất lượng hơn là số lượng và áp dụng các kỹ thuật sản xuất sáng tạo và thân thiện với môi trường. Việc sản xuất lấy thị trường làm trọng tâm cần điều chỉnh sản xuất sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường xuất khẩu, đạt được các chứng nhận sản xuất bền vững và thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử. Sản xuất thanh long bền vững phải sử dụng các phương pháp thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới về thực phẩm bền vững và giảm phát thải các bon. Những phương pháp này sẽ giảm mức tiêu thụ tài nguyên, tăng chất lượng trái cây và tối ưu hóa giá trị kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận chi tiết về các chủ đề quan trọng liên quan đến sự phát triển bền vững của ngành sản xuất thanh long: Định hướng thanh long, Động lực thị trường, Bền vững trong thực tiễn, Chiến lược của tỉnh, Đảm bảo chất lượng. Các thông tin doanh nghiệp với góc nhìn quý báu từ các nhà lãnh đạo trong ngành, bao gồm các doanh nghiệp châu Âu, Vina T&T, Saigon COOP, MM Mega Market, Big C, Hiệp hội Thanh long và các công ty địa phương khác, các hợp tác xã và chuyên gia đã được chia sẻ. Những thông tin này cung cấp cho các đại biểu tham gia cái nhìn tổng quan về các mô hình kinh doanh thành công và thực hành trong ngành sản xuất thanh long.
Kết thúc hội nghị, Ông Trần Thành Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nhấn mạnh Bộ Nông nghiệp và PTNT định hướng phát triển thanh long như sau: Về quy mô sản xuất: Ổn định diện tích thanh long khoảng 60.000 – 65.000ha, không mở rộng thêm diện tích; Duy trì sản lượng 1,3 – 1,5 triệu tấn; Vùng sản xuất tập trung gồm: Bình Thuận, Long An, Tiền Giang. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, áp dụng công nghệ cao để minh bạch về nguồn gốc, đảm bảo năng suất, chất lượng ổn định, đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần giảm phát thải và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm; Tổ chức lại sản xuất: Hình thành các vùng liên kết sản xuất thanh long có chứng nhận Global GAP / chứng nhận của nước nhập khẩu hoặc cấp mã số vùng trồng. Nếu diện tích lớn thì sẽ giúp giảm chi phí cấp giấy chứng nhận, các chi phí trung gian...; Cần tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu về xử lý phụ phẩm của thanh long sau khi thu hoạch, vừa góp phần gia tăng giá trị, vừa giảm phát thải; Hình thành tư duy cho HTX sử dụng tín dụng xanh.
Chiến lược này không chỉ đảm bảo tương lai của ngành sản xuất thanh long mà còn giúp định hướng ngành này trở thành một ngành công nghiệp bền vững chú trọng tới chất lượng trên thị trường toàn cầu.