- "DN giờ yếu đến mức cho tiền không dám vay vì không hấp thụ được, như con bệnh nặng không uống được thuốc nữa. Kinh tế mà không đi lên thì giảm giá nhà vẫn không có tiền mua".
ĐB HĐND Hà Nội thấy các giải pháp cứu doanh nghiệp còn xa vời. Ảnh: Phạm Hải |
Doanh nghiệp sợ đứng đường
Chia sẻ với nhiều địa phương trong cả nước, đại biểu HĐND Hà Nội cũng chưa yên tâm với các giải pháp cứu doanh nghiệp và sản xuất, kinh doanh gần đây.
Bí thư quận ủy Hoàn Kiếm, ông Hoàng Công Khôi, thấy tuy lãi suất cho vay đã giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn bị làm khó bằng nhiều hình thức như tăng thế chấp, báo cáo liên tục, báo cáo hàng tuần, hàng tháng, đầu vào, đầu ra...
"Doanh nghiệp giờ thực sự không dám vay vốn ngân hàng", ĐB Nguyễn Thị Lan Hương phản ánh. "Vì lãi suất giảm nhưng không biết sang năm Chính phủ có điều chỉnh tăng như bẫy lãi suất 2009-2010 không, khi đó lãi suất được hỗ trợ xuống còn 6%, doanh nghiệp ào ạt vay, sang 2011 - 2012 lại tăng vọt lên hai mấy %, doanh nghiệp đứng đường luôn!"
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Tổng CT Thương mại Hà Nội, cũng e giải pháp này xa vời. "Đó phải là bước hai, vì doanh nghiệp khôi phục sản xuất mới dám vay vốn tiếp, giờ quan trọng nhất là làm sao bán được nhiều hàng nhất", ông Thắng nói.
Lập luận tương tự, Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Nội, ông Nguyễn Hoài Nam không đồng tình các giải pháp hỗ trợ chỉ tập trung cho bất động sản: "Doanh nghiệp giờ yếu đến mức cho tiền không dám vay vì không hấp thụ được, như con bệnh nặng không uống được thuốc nữa. Kinh tế mà không đi lên thì giảm giá nhà vẫn không có tiền mua, càng làm thêm càng tồn kho".
Ông Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cho rằng tăng trưởng GDP của thủ đô nửa sau năm nay phụ thuộc nhiều vào điều hành của Chính phủ, nếu linh hoạt hơn, "không phải nới lỏng nhưng cởi mở hơn", thì có thể đạt 8%.
Theo báo cáo, GDP Hà Nội 6 tháng đầu năm tăng 7,67%, nợ xấu tính đến hết tháng 4 chiếm khoảng 6,7% tổng dư nợ, trong 5 tháng đầu năm có 6.192 doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Lo nguy cơ cháy nổ
Ông Nguyễn Hoài Nam nhận định có những thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp và cả chính quyền các cấp chưa nhận thức tốt và xác định trách nhiệm trong phòng, chống cháy nổ.
"Nhiều khi không coi đầu tư cho phòng, chống cháy nổ là mục tiêu, trong khi việc này rất cần thiết và có hiệu quả kinh tế cao, vì chỉ cần một vụ cháy là trở về con số không", ĐB quận Hai Bà Trưng nói.
Theo ông Nam, lực lượng phòng cháy, chữa cháy của Hà Nội còn mới, non trẻ, hầu hết chuyển ngành từ các lực lượng khác, chưa phải lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, trang thiết bị chưa tốt, quy hoạch hệ thống phòng, chữa cháy chưa được quan tâm đúng mức...
"Phối hợp giữa các ngành trong kiểm tra, xử lý vi phạm cũng chỉ có mức độ, đi kiểm tra phạt dăm ba triệu rồi lại để tiếp tục hoạt động ở những nơi nhạy cảm cao như buôn bán xăng, dầu, gas gần khu dân cư, nhà cao tầng...", Trưởng ban Pháp chế phản ánh người dân đang rất lo lắng về nguy cơ cháy nổ.
Không có sự cảnh báo, chỉ đạo quyết liệt của thành phố thì rất nguy hiểm, ông Nam bày tỏ.
ĐB Nguyễn Thị Quỳnh Anh (huyện Từ Liêm) cũng không khỏi lo ngại khi thấy các làng nghề gần như không có biện pháp nào khả thi để phòng, chống cháy nổ.
"Khi đi giám sát ở làng cổ Bát Tràng, tôi giật mình nhận thấy có một quả bom tấn về nguy cơ cháy nổ nằm ngay trong lòng khu dân cư, vậy mà hỏi chủ tịch xã thì họ chỉ biết cười, không biết làm thế nào", bà Quỳnh Anh nói.
T.Chung - C.Quyên