Đề xuất cho hoạt động đơn vị cung cấp suất ăn bên ngoài

Liên quan đến mô hình “3 tại chỗ”, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ điều kiện và phải tạm ngừng sản xuất.

Tuy nhiên, theo HUBA, các doanh nghiệp vẫn đang tìm mọi cách để đáp ứng “3 tại chỗ” nhằm tiếp tục sản xuất, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng.

Thực tế nhiều doanh nghiệp có thể bố trí ở tại chỗ, sản xuất tại chỗ nhưng khó khăn về bố trí điều kiện ăn uống tại chỗ, vì khó bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy và vệ sinh an toàn thực phẩm cho công nhân.

{keywords}
Công ty TNHH Nidec Sankyo (Khu Công nghệ cao TP.HCM) bố trí cho công nhân ăn ngủ, sinh hoạt tại công ty. Ảnh: NLĐ

Các doanh nghiệp đề nghị UBND TP.HCM cho phép doanh nghiệp được hợp tác với các nhà hàng, khách sạn ngành du lịch (đang phải ngừng nghỉ làm việc) để thực hiện cung ứng suất ăn thường xuyên cho doanh nghiệp, trong trường hợp doanh nghiệp không có điều kiện tổ chức bếp ăn tại chỗ.

Theo đó, công tác tổ chức giao nhận đảm bảo tiêu chí an toàn phòng chống dịch (nhân viên giao nhận đeo khẩu trang, kính chống tia bắn, mặc bảo hộ y tế, xét nghiệm âm tính với Covid-19).

Về điều kiện thực hiện “1 cung đường - 2 địa điểm”, đối với các doanh nghiệp có số công nhân đông, doanh nghiệp có thể phải thuê nhiều khách sạn, nhà nghỉ độc lập ở các địa chỉ khác nhau để cho công nhân ở và được quản lý tập trung.

Do vậy việc đưa đón công nhân từ chỗ ở tập trung đến chỗ sản xuất có thể nhiều hơn một địa điểm. HUBA đề nghị UBND TP cho phép các công ty hợp đồng với các đơn vị vận chuyển hành khách để bố trí xe và thực hiện việc đưa đón công nhân theo tiêu chí này.

Các xe đưa đón được dán logo, giấy phép hoạt động chuyên trách đưa rước công nhân cho từng doanh nghiệp, thực hiện việc vệ sinh, diệt khuẩn thường xuyên, lái xe đảm bảo tiêu chí phòng, chống dịch.

Đặc biệt, việc xét nghiệm nhanh cho người lao động có quy định 7 ngày/lần, tuy nhiên, hiện một số nơi, địa phương lại ban hành quy định xét nghiệm 3 ngày/lần, dẫn đến không nhất quán giữa chỉ đạo của UBND TP và các địa phương, cơ quan quản lý và gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đề nghị chính quyền thành phố chỉ đạo, không bắt buộc doanh nghiệp phải tổ chức xét nghiệm nhanh thường xuyên cho công nhân, chỉ quy định xét nghiệm 1 lần bởi doanh nghiệp đã quản lý công nhân theo công thức “3 tại chỗ”, tức là không tiếp xúc bên ngoài nên không có lây nhiễm.

Cần sự nhất quán trong chỉ đạo

Các doanh nghiệp cũng nêu thực tế trong một thời gian ngắn có quá nhiều các văn bản chỉ đạo điều hành của nhiều cơ quan quản lý.

{keywords}
Một doanh nghiệp có hàng nghìn công nhân buộc phải tạm ngưng sản xuất vì chưa đáp ứng được các tiêu chí an toàn mùa dịch  

Các văn bản nói trên liên quan đến hoạt động doanh nghiệp, nhưng lại có những nội dung không nhất quán, chồng chéo nhau, đôi lúc mâu thuẫn về nội dung chỉ đạo khiến doanh nghiệp gặp khó khăn và bị rối loạn thông tin.

HUBA mong muốn UBND TP.HCM chỉ đạo để các cơ quan thuộc thành phố khi ban hành các văn bản cần có sự thống nhất, nhất quán, giúp doanh nghiệp thuận tiện trong tổ chức thực hiện.

Trước đó, trong cuộc họp sơ kết 1 tuần thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tái khẳng định, việc quy định sản xuất an toàn là không thể chờ đợi thêm và phải lấy mốc 0h ngày 15/7 để triển khai quy định sản xuất trong điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch đối với các doanh nghiệp.

Do đặc điểm của các doanh nghiệp trong khu chế xuất hoặc khu công nghệ cao là công nhân không ở tập trung một chỗ mà ở phân bố rộng trên địa bàn nhiều quận huyện, sẽ rất ảnh hưởng nếu có ca F0 xuất hiện.

Trao đổi với báo chí chiều ngày 16/7, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cũng khẳng định, mục tiêu của TP là phòng, chống dịch trên hết, cần chăm lo sức khỏe, đảm bảo an toàn cho nhân dân. Hoạt động sản xuất hay các hoạt động khác phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Dịch bệnh có thể giảm xuống nhưng vẫn còn lưu trong cộng đồng và khi vắc xin chưa phủ đủ tới mức độ miễn dịch cộng đồng thì chắc chắn là cục bộ hoặc ở diện rộng đều có thể xảy ra.

“Do vậy, không phải chỉ trong tuần tới mà có thể từ nay đến cuối năm thậm chí đầu năm 2022 vẫn phải theo công thức an toàn mới có thể được sản xuất”, ông Mãi nói.

Hiện, số doanh nghiệp đăng ký thực hiện sản xuất an toàn mùa dịch tại TP.HCM là 216, tổng số doanh nghiệp đã triển khai thực hiện là 205. Số lao động đang lưu trú tại các doanh nghiệp đã triển khai thực hiện là 26.570 người.

Chạy theo văn bản, doanh nghiệp chưa 'chết' vì dịch đã 'tắt thở' do ngừng sản xuất

Chạy theo văn bản, doanh nghiệp chưa 'chết' vì dịch đã 'tắt thở' do ngừng sản xuất

Không phải doanh nghiệp nào tại TP.HCM cũng có thể đáp ứng các điều kiện để được tiếp tục sản xuất. Doanh nghiệp chấp nhận đóng cửa, cho người lao động nghỉ làm.

Quảng Định