- Việc ngân hàng thương mại thành lập DN "sân sau" để qua đó rút vốn từ ngân hàng (NH) về nhằm thực hiện các mục đích kinh doanh riêng là hiện tượng đáng cảnh báo. Điều này cần phải quản lý chặt để ngăn chặn rủi ro cả về tài chính và đạo đức trong các tổ chức tài chính (TCTC).


Báo cáo tài chính của các NH cũng ít nhiều thể hiện điều này. Các con số công khai dù mới chỉ là một phần của “tảng băng chìm” đã cho thấy, có không ít ngân hàng đã dành một tỷ lệ vốn lớn để cho vay đối với các DN liên quan đến các cổ đông.

Chẳng hạn theo báo cáo tài chính 2011, một ngân hàng thuộc nhóm 3, dư nợ tín dụng cuối năm 2011 khoảng 13.000 tỷ đồng nhưng tổng số vốn cung cấp cho các DN liên quan đến cổ đông là 2.035 tỷ đồng. Ngoài ra gần 1.000 tỷ đồng vốn của ngân hàng này cũng đang được cho các cá nhân liên quan vay.

Hay 1 ngân hàng khác, theo báo cáo tài chính 2011, tổng dư nợ cho vay đạt hơn 8.854 tỷ đồng. Trong đó, 2.510 tỷ đồng (chiếm 28% tổng dư nợ) có đích đến là các DN liên quan đến cổ đông của ngân hàng này.

Theo các chuyên gia, không ít DN "sân sau" thời gian qua không chỉ vay hàng ngàn tỷ đồng từ NH mà còn tham gia với các ông chủ ngân hàng có quyền điều hành hay chi phối các quyết định của tổ chức tín dụng có lợi cho mình, gây tiềm ẩn rủi ro cho TCTC.

Các chuyên gia cho biết, một số cách thức phổ biến như: khi TTCK ảm đạm, nhiều NH gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tiền để tăng vốn điều lệ. Trong bối cảnh đó, không ít lãnh đạo các NH đã tận dụng DN “sân sau” để giúp tăng vốn. Khi đó DN có vốn góp lớn của các ông chủ ngân hàng sẽ đứng ra phát hành trái phiếu kỳ hạn 3-5 năm. Sau đó, ngân hàng của các ông chủ trên sẽ bỏ tiền ra mua trái phiếu của DN. Khi đã có tiền, DN này sẽ sử dụng vốn đó góp vào đúng ngân hàng vừa bỏ tiền ra mua trái phiếu của mình để tăng vốn điều lệ. Như vậy, vốn điều lệ ngân hàng ghi trên sổ sẽ cao nhưng thực tế đó là vốn ảo.


Những ông chủ NH sẽ nghiễm nhiên nắm tỷ lệ vốn góp lớn trên cơ sở vốn ảo, trong khi các cổ đông nhỏ bị thiệt hại vì phải đóng vốn thật. Có quyền lực trong tay các ông chủ ngân hàng tiếp tục lũng đoạn qua việc bơm vốn vào các DN “sân sau”...

Khi DN "sân sau" phát hành trái phiếu, chủ NH sẽ bỏ tiền ra mua, khi có tiền DN "sân sau" này lại mua cổ phần, cổ phiếu của ngân hàng khác nhằm mục đích chi phối ngân hàng đó, rồi lại mang cổ phiếu đó thế chấp vay vốn... chu trình này được coi là không sinh lời. Đến hạn DN "sân sau" phải thanh toán trái phiếu, không có tiền trả sẽ phát sinh ra nợ xấu cho ngân hàng.

Trên thực tế, việc tăng vốn ảo đã giúp không ít ông chủ ngân hàng cùng một lúc sở hữu 2-3 NH và đẩy vốn vào lĩnh vực đầu tư bất động sản, dẫn đến khó khăn về thanh khoản cho những ngân hàng nhỏ. Điều đáng lo ngại nhất là, tình trạng sở hữu chéo giữa các ông chủ NH và các công ty sân sau sẽ đe dọa tính an toàn của cả hệ thống.

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính Quốc gia cho biết, trên thế giới không có chuyện cho ngân hàng thành lập DN “sân sau” kinh doanh mà không có chế tài quản lý, giám sát như Việt Nam. Thực tế, quản lý các DN “sân sau” không khó. Điều quan trọng là Ngân hàng Nhà nước có quyết liệt thanh tra, kiểm tra và xử lý hay không.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng, nhiều quốc gia trên thế giới đều có quy định để hạn chế xung đột lợi ích giữa các cổ đông lớn của ngân hàng và các DN "sân sau". Tuy nhiên, ở hầu hết các nước đều có tình trạng lách luật nhưng Việt Nam, tình trạng này còn nan giải hơn do Việt Nam rất ít kinh nghiệm trong quản lý sở hữu chéo.

Cắt những “chân rết”

Theo ông Phạm Nam Kim, tại châu Âu cũng có hiện tượng ngân hàng thành lập DN "sân sau", nhưng rất ít và bị hạn chế tối đa bởi được kiểm soát chặt từ Chính phủ. Tại Việt Nam, hiện tượng trên phát triển là do sự giám sát của các cơ quan tài chính quá yếu. Vấn đề chính là đã không có 1 tổ chức giám sát tài chính hợp nhất để giám sát các hoạt động tài chính ngân hàng.

Việt Nam có 1 Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, nhưng tổ chức này có trách nhiệm tư vấn về kinh tế vĩ mô chứ không phải thực hiện giám sát hoạt động tài chính cụ thể. Công việc giám sát hoạt động ngân hàng là nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước nhưng đây lại là cơ quan quản lý chuyên ngành và cấp phép thành lập, nhưng mới làm được cái này mà không được làm cái kia...

Còn Bộ Tài chính có nhiệm vụ giám sát hoạt động của các công ty tài chính và Ủy ban Chứng khoán Quốc gia giám sát thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, các tổ chức này lại thiếu phối hợp chặt chẽ.

Chẳng hạn một DN "sân sau" của ngân hàng thương mại phát hành trái phiếu, theo quy định phải xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban chứng khoán, nhưng do hoạt động riêng rẽ dẫn đến các thông tin kia không đến được với Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại mua trái phiếu của DN "sân sau" ngân hàng Nhà nước không nắm được..

Nếu có một ủy ban giám sát toàn bộ hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán thì DN "sân sau" phát hành trái phiếu ủy ban này sẽ nắm được. Tại các nước châu Âu đều có 1 ủy ban đồng nhất để giám sát hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán.

Đấy là chưa kể, từ lâu trên thế giới đã tách biệt giữa nhiệm vụ giám sát ngân hàng và quản lý tiền tệ khỏi Ngân hàng Trung ương. Rất khó cho việc vừa quản lý tiền tệ lại vừa giám sát ngân hàng. Tại Việt Nam, nhiệm vụ này được giao cả cho Ngân hàng Nhà nước và như vậy không khác gì "vừa đá bóng, vừa thổi còi".

Theo ông Kim, giám sát các hoạt động ngân hàng phải thuộc về 1 cơ quan độc lập. Dịch vụ ngân hàng ngày càng phức tạp, việc giám sát kiểm ra đòi hỏi cần các cán bộ có năng lực rất cao. Những chuyên gia đó có giá rất đắt. Nếu cơ quan giám sát là cơ quan hành chính, được trả theo bảng lương công chức sẽ không thu hút được người tài và kết cục là nhân viên đó dễ bị các ngân hàng "mua chuộc".

Thực tế, lực lượng của NHNN hiện nay còn hạn chế về khả năng kiểm soát trong mối quan hệ NH và DN sân sau. Trong khi đó, các ông chủ lại ỷ vào việc Chính phủ không để ngân hàng nào bị phá sản nên sẵn sàng mạo hiểm dùng vốn đầu tư vào các lĩnh vực khác. Rủi ro nếu có xảy ra vẫn yên tâm sẽ có Ngân hàng Nhà nước đứng ra giải quyết.

Theo ông Kim, các quy định của luật về ngân hàng được ban hành chính là cam kết của Chính phủ đảm bảo cho người gửi tiền, ngăn chặn không cho ngân hàng gây ra rủi ro cho người gửi tiền. Việc không để cho ngân hàng nào phải phá sản, tuy có mục đính là đảm bảo an toàn cho người vay, nhưng nếu không giám sát chặt sẽ bị các ngân hàng lợi dụng làm ẩu và ỷ lại.

Kiểm soát và giám sát hoạt động ngân hàng cũng là nhiệm vụ của các công ty kiểm toán. Ở châu Âu, Ủy ban giám sát sẽ lựa chọn và ủy nhiệm cho 1 công ty kiểm toán giúp mình trong việc kiểm soát các ngân hàng, nếu có lỗi không báo cáo kịp thời, họ sẽ phải chịu trách nhiệm như ngân hàng đã phạm pháp.

Tại Thụy Sỹ còn có nguyên cả 1 bộ luật quy định công ty kiểm toán phải làm gì cũng như chức năng nhiệm vụ khi nhân hợp đồng kiểm toán. Chính vì vậy mà hệ thống kiểm soát khá chặt chẽ, DN "sân sau" khó có thể tự do hoạt động.

Việt Nam cần phải xem xét lại hệ thống giám sát tiền tệ và tìm ra những lỗ hổng, bịt kín nó lại có như vậy mới đảm bảo cho hoạt động ngân hàng lành mạnh.

Trần Thủy