Thời điểm cuối năm, tiết trời se lạnh, nhiều cửa hàng thời trang bày bán đủ loại áo ấm, khăn choàng nhưng hầu hết các sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc.

Tại cửa hàng thời trang Trung Tín 1 (đường Hòa Bình, Q.11) và Trung Tín 2 (đường Ông Ích Khiêm, Q.11) áo ấm nam đủ kích cỡ, chủ yếu chất liệu nỉ, thun, cotton được bán với giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Thời điểm này, các cửa hàng đều trưng một số mẫu áo ấm phối màu thời trang Noel hoặc áo cặp đôi cho các bạn trẻ. Dù để bảng “tổng xả hàng cuối năm” nhưng ở hai cửa hàng Trung Tín, không khí mua bán khá hiu hắt.

Tại shop Louis (đường Nguyễn Trãi, Q.5) các loại áo ấm nam được làm chủ yếu từ chất liệu da và dù. Đặc biệt, năm nay mẫu áo vải dù kết hợp với kaki, cotton nên thấm hút mồ hôi tốt, kiểu dáng thời trang, vừa thích hợp làm áo ấm lẫn áo khoác. Áo ấm chất liệu dù có giá dao động từ 250.000-500.000đồng/áo, hàng da cao hơn, giá từ 300.000-900.000đồng/áo. Nhân viên shop Louis cho biết: “Shop chỉ bán áo ấm của Trung Quốc. Hàng Việt dù rẻ hơn, nhưng mẫu mã, chất liệu không bằng”.

{keywords}

Áo ấm “made in Trung Quốc” tràn lan vỉa hè

Áo khoác nữ đa dạng về chất liệu và mẫu mã hơn. Do đặc điểm khí hậu miền Nam chỉ se lạnh, nên phần lớn người mua thích những loại áo ấm thời trang, giữ ấm vào sáng sớm, chiều tối và có thể khoác chống nắng vào buổi trưa. Các loại áo len sợi mỏng, có đính bông, nơ cách điệu, áo giả vest giá từ 100.000-150.000đồng/áo. Áo ấm chất liệu nỉ, cổ cao, tay áo dài che phủ hết ngón tay, với nhiều mắc sàu, xám, xanh đen, nâu… giá 100.000đồng/áo. Tại cầu Tân Hóa (đường Hồng Bàng, Q.6) từ 6 giờ tối, các loại áo ấm nam nữ đủ kích cỡ treo dài hai bên đường. Giá các loại áo ấm này dao động từ 120.000-270.000đồng/áo. Theo người bán, số áo ấm này xuất xứ từ Quảng Châu (Trung Quốc). Chủ sạp ở các chợ đầu mối như An Đông, Tân Bình… nhập hàng về, sau đó bỏ sỉ lại.

{keywords}

Ở các shop, hàng Trung Quốc cũng độc chiếm.

Hai năm trước, các loại khăn quàng cổ được khá nhiều bạn gái yêu thích nhưng gần đây, mặt hàng này ít dần. Dọc theo đường Thành Thái (Q.10) trước đây có hàng chục tụ điểm bán khăn quàng, năm nay chỉ còn một điểm. Tại vòng xoay Lê Đại Hành - Nguyễn Thị Nhỏ (Q.11), anh Phong – người bán khăn quàng than thở: “Cuối năm trước, mặt hàng khăn bán chạy lắm. Năm nay, mỗi tối có vài khách ghé lại, nhưng ngắm là chính”. Tại đường Nguyễn Trãi (Q.5), Cách Mạng Tháng 8 (Q.Tân Bình) trước đây xuất hiện khá nhiều điểm bán khăn quàng cổ, năm nay mặt hàng chủ đạo cũng là quần áo, váy đầm.

{keywords}

Khăn len hạ giá nhưng vẫn ế.

Buôn bán ế ẩm, người bán không dám “hét giá” như trước đây. Khăn quàng thổ cẩm giá từ 150.000-180.000đồng/khăn, khăn voan giá từ 40.000-80.000đồng/khăn, các loại khăn rằn chỉ từ 20.000-25.000đồng/khăn. Các loại khăn silk giá 120.000đồng/khăn, cùng mẫu mã này nhưng silk sợi pha, giá chỉ 40.000đồng/khăn. Để bán được giá và thu hút người mua, một số người bán nói khăn Hàn Quốc. Nhưng thực tế đây chủ yếu là khăn Trung Quốc, không có nhãn mác. Nhìn chung, từ áo ấm đến khăn choàng và từ shop đến vỉa hè, hàng Trung Quốc độc chiếm thị trường.

Theo PNO