Phí giao hàng gấp đôi giá món ăn
Sau gần một tuần hàng quán tại TPHCM hoạt động trở lại, theo ghi nhận của chúng tôi trên một số ứng dụng (app) đặt món ăn, thức uống như Grabfood, Baemin, Foody... các quán ăn vẫn trong tình trạng “đã đóng cửa”.
Các app cũng chủ động giới thiệu danh mục các món (bún – phở, cơm, bánh mì, đồ ăn nhanh, lẩu – nướng, pizza, đồ ăn vặt...), nhưng khi chúng tôi lựa chọn món thì phần lớn phản hồi “không tìm thấy nhà hàng phù hợp với tiêu chí...” , “không khả dụng” hay “đã đóng cửa...”.
Một số quán có tiếng như Ô kê quán – Lẩu gà lá é; quán cơm văn phòng The Food house dù mở cửa nhưng chỉ bán mắm tôm chua Cà Mau, lạp xưởng heo hay gạo... Hay một hệ thống trà sữa khá lớn nhưng chỉ một chi nhánh mở cửa với phí ship cao hơn giá bán sản phẩm. Một ly trà sữa 29.000 đồng, phí ship 30.000 đồng.
Tình trạng phí giao hàng (phí ship) cao hơn giá bán sản phẩm liên tục được người tiêu dùng phản ánh trong những ngày qua. Anh Vũ (ngụ quận 3) cho hay, anh đặt mua hộp cơm qua app giá 50.000 đồng nhưng phí ship lên tới 80.000 – 100.000 đồng, mức giá quá cao nên anh từ chối đặt hàng. Chị Thúy Hiền (ngụ quận Tân Bình) cũng than thở trước đây gọi món ăn phí ship từ đường Phạm Văn Hai sang đường Bành Văn Trân có 18.000 đồng, nay tăng lên tới 58.000 đồng.
“Vào app đặt hộp cơm 35.000 đồng từ Thảo Điền giao qua An Phú cách chưa đầy 2km mà tiền ship lên tới 85.000 đồng nên tôi nhịn luôn bữa trưa”, anh Minh Khánh (ngụ quận 2) than thở. Một số người dùng khác phản ánh, nhiều đơn hàng dù cách điểm bán vài chục mét nhưng phí giao hàng vẫn lên đến 40.000 - 50.000 đồng/kg.
Bản thân nhiều shipper cũng thừa nhận cước phí tăng vọt nhưng hiện việc vận chuyển không dễ dàng. Nhiều người phải thức dậy từ 5g sáng xếp hàng chờ test COVID-19, rồi qua nhiều chốt chặn, tốn nhiều chi phí liên lạc với khách qua điện thoại hơn... nên dù cước phí cao nhưng thu nhập của họ không tăng.
Giá đồ ăn cũng tăng vọt
Không chỉ phí giao hàng tăng cao mà nhiều quán ăn cũng điều chỉnh giá sản phẩm tăng vọt. Một số thương hiệu có tiếng như bánh mì Huỳnh Hoa Sài Gòn, Bún Bò Đông Ba Gia Hội... giá món ăn niêm yết cũng tăng vọt. Một số điểm bán bánh mì có thương hiệu báo giá 65.000 – 70.000 đồng/ổ, nếu cộng thêm phí ship tính ra một ổ bánh mì “nhảy lên” tới hơn 100.000 đồng/ổ; trong khi giá trước đây là 42.000 – 52.000 đồng/ổ.
Các loại bún, phở, hủ tiếu đến bún bò, cháo lươn... đều tăng bình quân 15.000 – 20.000 đồng, lên tới 60.000 – 70.000 đồng/tô. Ngay cả các món ăn vặt như bánh tráng trộn, xúc xích nướng cũng tăng 10.000 – 15.000 đồng lên 25.000 – 35.000 đồng/phần. Nếu cộng phí giao hàng trong quận thấp nhất là 30.000 đồng, tính ra khách phải trá giá gấp đôi cho một món ăn.
Theo một số chủ quán, giá nguyên liệu đầu vào tăng, một số nguyên liệu khan hàng, khó mua cộng với chi phí vẫn chuyển hàng, nhân công... đều tăng. Chưa kể, bán qua app các cửa hàng rất khó xác định được nhu cầu khách, rủi ro hàng ế phải đổ bỏ gây thiệt hại không hề nhỏ.
Nhiều cá nhân mua sản phẩm từ các quán ăn nổi tiếng rồi rao bán lại để hưởng chênh lệch. |
Theo chủ cửa hàng bánh mì Huỳnh Hoa Sài Gòn (Lê Thị Riêng, quận 1), bánh mì thập cẩm hiện có giá 48.000 – 58.000 đồng/ổ, tăng 6.000 đồng so với trước đó do giá nguyên liệu, nhiều khoản chi phí đầu vào tăng khi thực hiện “3 tại chỗ”. Sở dĩ có nơi rao giá cao đến 65.000 - 70.000 đồng/ổ là từ các cá nhân gom đơn hàng, hưởng chênh lệch.
“Khách muốn mua bánh mì Huỳnh Hoa đúng giá cửa hàng niêm yết có thể đặt qua app, sàn thương mại điện tử hoặc fanpage, số điện thoại... Bánh được đóng gói hút chân không giao tận nơi bằng taxi nên phí giao hàng cao. Khi shipper được giao hàng liên quận, giá phí cước sẽ rẻ hơn....”, chủ cửa hàng Huỳnh Hoa Sài Gòn cho hay.
Tuy nhiên, khi chúng tôi vào trang shoppeefood tìm bánh mì Huỳnh Hoa Sài Gòn thì ứng dụng thông báo “Đóng cửa, quán sẽ mở cửa lúc 13g30 ngày 16/9”. Trong khi đó, hiện vẫn có rất nhiều đầu mối rao nhận đặt bánh mì Huỳnh Hoa Sài Gòn giao được đến nhiều quận, giá bánh 65.000 – 70.000 đồng/ổ, cộng phí cước ít nhất 30.000 đồng.
Chủ cửa hàng Bún bò Đông Ba Gia Hội cũng giải thích giá nguyên liệu đầu vào, cước phí vận chuyển hàng hóa, chi phí đầu vào đồng loạt tăng nhưng cửa hàng cân đối không tăng giá quá cao. Tuy nhiên, khi khách đặt mua qua app thì tùy mỗi app giá có thể tăng 5.000 đồng/tô, lên 55.000 – 60.000 đồng/tô, cộng thêm giá ship có khi lên đến 50.000 – 60.000 đồng nên khách sẽ thấy giá một tô bún bò gần như tăng gấp đôi. Nếu khách được mua trực tiếp tại cửa hàng thì giá một tô bún bò đặt biệt cao nhất là 55.000 đồng.
Thiếu shipper
Dù giá đồ ăn thức uống tăng vọt nhưng tại nhiều khu vực, người tiêu dùng không dễ đặt món. Những dòng thông báo “tài xế bận” hay cửa hàng thông báo “cửa hàng hiện không nhận đơn hàng mới” trên các app những ngày qua luôn dày đặc. Nhất là những món ăn nhanh như gà rán, pizza, mì Ý; món Nhật, Hàn... khi hầu hết các cửa hàng chưa hoạt động lại.
Theo đại diện Ahamove, vì là một nền tảng giao hàng “on-demand” (theo nhu cầu) nên tại một số thời điểm trong ngày, số lượng đặt hàng quá cao hoặc thiếu hụt shipper, giá cước có tăng để phù hợp cung cầu. Giá cước tăng cũng là một động lực thúc đẩy số lượng shipper ra đường nhiều hơn để phục vụ người dân nhưng thực tế vẫn chưa có nhiều shipper hoạt động lại vì lo ngại dịch bệnh.
Trong chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” mới đây, giải đáp trực tiếp các thắc mắc về kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của TPHCM sau ngày 15/9, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho biết từ ngày 16 – 30/9/2021 sẽ cho phép shipper được chạy liên quận nhưng phải xét nghiệm âm tính, tiêm đủ 2 mũi vắc xin... TP vẫn tiếp tục hỗ trợ kinh phí xét nghiệm COVID-19 cho lực lượng shipper.
Theo đại diện một số ứng dụng công nghệ, khi shipper được chạy liên quận thì lượng shipper hoạt động trở lại sẽ nhiều hơn; dễ tìm shipper, hàng quán cũng mở lại nhiều hơn; từ đó giá ship và cả giá món ăn giữa các ứng dụng, quán ăn sẽ cạnh tranh, người tiêu dùng hưởng lợi.
(Theo Phụ Nữ TP.HCM)
Những quán bún chả nổi tiếng Hà Nội ra sao trong mùa dịch?
Chịu chung tình cảnh như những cơ sở kinh doanh khác, những quán bún chả nức tiếng Hà Nội đến nay đìu hiu vắng khách, có nơi bị dựng rào chắn do liên quan ca nhiễm Covid-19.