Tự may, không cần kiểm nghiệm

Tại một điểm bán trên đường Bờ Bao Tân Thắng, Q.Tân Phú đồng thời là văn phòng của một doanh nghiệp làm dịch vụ visa quốc tế, các loại trang phục bảo hộ y tế của nhiều nhà sản xuất khác nhau được bán theo bộ, gồm quần áo, bao tóc, bao giày, kiếng, khẩu trang, găng tay cao su. 

Sản phẩm của Công ty Đông Hợp Tiến dạng rời có giá 135.000 đồng/bộ, còn liền thân giá 130.000 đồng/bộ. Sản phẩm của Công ty Delatech được giới thiệu có khả năng lọc được bụi siêu mịn, ngăn được giọt bắn và là hàng xuất khẩu còn dư, có giá 180.000 đồng/bộ. “Đây là loại mà nhân viên y tế hay mặc, có kiểm nghiệm hẳn hoi. Loại nào có giá dưới 100.000 đồng/bộ sẽ không ngăn được giọt bắn, không an toàn” - người bán giải thích. 

Tại một điểm bán phụ kiện điện thoại trên đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, đồ bảo hộ y tế là sản phẩm phụ nhưng số lượng khá nhiều. H. - chủ điểm bán này - cho biết, đang dư 2.000 bộ đồ làm bằng vải tyvek, được nhập khẩu từ Mỹ, bán với giá 130.000 đồng/bộ, có giấy tờ nhập khẩu hải quan hẳn hoi. “Chị có thể xem thêm sản phẩm nhập từ Hàn Quốc, Singapore với giá rẻ hơn, chỉ 70.000-80.000 đồng/bộ. Sản phẩm trôi nổi, các cơ sở tự mua vải về may cắt chắc chắn không chống giọt bắn được”, H. nói. Sản phẩm mà H. giới thiệu là ngoại nhập đều chi chít tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt. 

Nhiều cơ sở nhỏ đua nhau may trang phục bảo hộ y tế rồi bán ra thị trường dù không có giấy chứng nhận đạt chuẩn
Nhiều cơ sở nhỏ đua nhau may trang phục bảo hộ y tế rồi bán ra thị trường dù không có giấy chứng nhận đạt chuẩn

Chủ một cửa hàng thiết bị y tế trên đường Nhật Tảo, Q.10 cho biết, đồ bảo hộ y tế chống dịch COVID-19 có nhiều mức giá nhưng tất cả phải được Bộ Y tế cấp phép. Đồ bảo hộ cấp độ II (được sử dụng bên ngoài các cơ sở y tế) có giá 90.000 đồng/bộ, còn hàng chuyên dụng nằm trong danh mục được Bộ Y tế cho phép đưa vào các bệnh viện, khu cách ly chỉ gồm nón, áo, quần (chưa bao gồm phụ kiện như kiếng, khẩu trang, găng tay, bao chân) đã có giá 180.000 đồng/bộ, nếu thêm phụ kiện thì giá từ 300.000-500.000 đồng/bộ. Cho nên, những bộ có giá dưới 90.000 đồng đều không thể đảm bảo chất lượng. Cũng có tình trạng sản phẩm không được cấp phép nhưng người bán tự nâng giá cao để người mua tin rằng chất lượng tốt.

Lần theo lời quảng cáo “cung cấp đồ bảo hộ y tế chống dịch COVID-19 không giới hạn số lượng” trên mạng xã hội, chúng tôi đến một cơ sở may nhỏ trên đường Trần Mai Ninh, Q.Tân Bình. Chủ cơ sở giới thiệu, sản phẩm được làm theo bộ, gồm khẩu trang, găng tay, bao chân, bộ đồ liền thân; tất cả đều do cơ sở tự may. Khách mua số lượng càng nhiều thì giá càng rẻ, chẳng hạn 100 bộ có giá 38.000 đồng/bộ, mua 300 bộ thì giá 30.000 đồng/bộ. 

“Cơ sở chúng tôi chuyên may đồng phục cho các công ty. Khi thấy nhu cầu về đồ bảo hộ y tế chống dịch COVID-19 tăng, chúng tôi chuyển sang may loại này. Có cần tiêu chuẩn gì đâu, cứ mua vải không dệt về rồi cắt may. Dịch bệnh khó khăn nên cơ sở may mặc nào cũng chuyển sang may sản phẩm này để có thêm thu nhập, có cơ sở nhập mỗi tháng 10 tấn vải không dệt cũng không đủ để may. Không chỉ bán lẻ, chúng tôi còn cung cấp cho các nơi mua để làm từ thiện, số lượng vài ngàn bộ/tháng” - chủ cơ sở may này nói. 

Hầu hết là hàng gia dụng thông thường

Giám đốc một công ty may có quy mô lớn cho biết, đồ bảo hộ y tế nhằm chống giọt bắn bám vào người được may bằng vải không thấm nước, thường là vải không dệt (loại vải thường dùng để may khẩu trang). Vải không dệt hiện có khá nhiều loại. Vải có khả năng kháng khuẩn, kháng giọt bắn, ngừa vi-rút SARS-CoV-2 phải được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 kiểm nghiệm xem tốc độ giọt bắn, cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn. Ngoài ra, sản phẩm phải đáp ứng về tiêu chuẩn cấu trúc, kiểu dáng, kích thước, yêu cầu hiệu suất rào cản (đường may). Giọt bắn có thể lọt qua đường may, nên đường may phải được gắn thêm lớp keo dán, mới đạt yêu cầu. 

Vị giám đốc doanh nghiệp này cho biết, sản phẩm do các cơ sở nhỏ tự mua vải về may là sản phẩm thông thường. Còn nếu ghi nhãn chống dịch COVID-19 thì phải có tiêu chuẩn, được cấp giấy chứng nhận. Nếu ghi trang phục chống dịch trên nhãn, khi kiểm nghiệm cho kết quả không đạt tiêu chuẩn như quảng cáo, cơ sở sẽ bị xử phạt. 

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Văn Nhân - giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - cho biết, các thiết bị y tế (khẩu trang, găng tay, ủng, nón, kính, quần áo…) dùng trong công tác chống dịch COVID-19 bắt buộc phải có công bố sản phẩm theo quy định, được Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) khảo nghiệm, cấp phép, cấp số lưu hành. Sản phẩm phải do cơ sở đủ điều kiện sản xuất, có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng và người tiêu dùng có thể nhận biết những công bố này trên sản phẩm. Ví dụ, trên hộp khẩu trang được Bộ Y tế cấp số lưu hành, phải ghi “số…/BYT-TB-CT”. Nếu không có, chúng chỉ là thiết bị gia dụng.

“Những thiết bị gia dụng kiểu này vẫn được phép sản xuất, bán ra thị trường nhưng không được quảng cáo liên quan đến y tế. Nếu nói đó là trang phục chống dịch là đã quảng cáo quá chức năng, không đảm bảo an toàn” - tiến sĩ Lê Văn Nhân nói. 

Theo Phụ nữ TPHCM